Đại hội đại biểu Công giáo yêu nước Trung Quốc lần thứ IX vừa được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 vừa qua. Có nhiều cách “đọc” các tín hiệu về cuộc đàm phán Vatican – Trung Quốc sau sự kiện này. Chính vị Giám mục vừa tái đắc cử Chủ tịch của cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc, vốn là vị được tấn phong giám mục bất chấp Đức Giáo hoàng, lại là một hình ảnh về tình hình tế nhị và phức tạp…
Có hai tổ chức quan trọng của Công giáo Trung Quốc do nhà nước cộng sản Trung Quốc lập nên và kiểm soát: Hội Công giáo Yêu nước và cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc.
Năm 1957, chính quyền cộng sản vô thần đã lập ra ở Trung Quốc một tổ chức gọi là Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, với tham vọng tạo nên một Giáo hội độc lập với Giáo hội Công giáo Rôma. Sự kiện này đã là nguồn cơn của những sự chia rẽ và căng thẳng sâu sắc trong lòng Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã mô tả các giám mục do Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc phong chức là “các mục tử giả trá”, những người bị vạ tuyệt thông tiền kết. Đại đa số người Công giáo từ chối nỗ lực này của cộng sản và vẫn kiên cường trung thành với Tòa Thánh.
Bên cạnh Hội Công giáo Yêu nước, chính quyền cộng sản còn tạo ra cái gọi là Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc, không được Tòa Thánh Vatican công nhận.
Cuối tháng 12 vừa qua, chính quyền cộng sản đã triệu tập cả hai tổ chức ấy đến cái gọi là Đại hội đại biểu Công giáo Trung Quốc lần thứ IX, quy tụ 59 giám mục (trên tổng số khoảng 110 giám mục trên cả nước) từ 31 tỉnh, và khoảng 350 đại biểu, bao gồm cả các linh mục, nữ tu, lãnh đạo giáo dân và các quan chức chính quyền phụ trách tôn giáo.
Đa số các giám mục tham dự Đại hội IX đều là những người được cả Tòa Thánh và chính quyền Trung Quốc công nhận. Tòa Thánh đã không ngăn cản các giám mục trung thành với Rôma tham dự, khác với Đại hội VIII cách đây 6 năm. Thay vào đó, lần này, Tòa Thánh chọn thái độ “chờ xem”, theo một tuyên bố từ phát ngôn viên Vatican Greg Burke gửi đến các phương tiện truyền thông: “Về Đại hội IX, Tòa Thánh đang chờ đợi sự thật trước khi đưa ra nhận định”.
Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, một người mạnh mẽ chỉ trích các nỗ lực đàm phán với chính phủ Trung Quốc mà theo ngài, về bản chất là vô thần và sát nhân, đã viết trong blog của mình rằng Giáo Hội đang tự lừa mình khi tưởng tượng bất cứ điều gì tích cực đến từ sự kiện bị những người cộng sản kiểm soát này.
Các quan chức cộng sản Trung Quốc thì lặp đi lặp lại với các tham dự viên Đại hội IX yêu cầu về một Giáo hội Công giáo Trung Quốc “tuân thủ các nguyên tắc tự quản lý, điều hành công tác tôn giáo độc lập và hướng dẫn các tín hữu tuân theo đường lối Hán Hóa tôn giáo”.
Tuy nhiên, một số người nói đến một vài yếu tố có ý nghĩa, đáng lưu tâm, từ đại hội do chính quyền cộng sản Trung Quốc tổ chức này.
Trước hết là việc bổ nhiệm ba vị Phó Chủ tịch mới cho cái gọi là Hội đồng Giám mục, cả ba vị đều đã được Tòa Thánh và chính phủ chấp thuận. Người ta hy vọng họ sẽ đảm nhận nhiều hơn những công việc mà vị Chủ tịch hiện tại vừa tái đắc cử, Đức Cha Ma Yinglin, đang thực hiện.
Đức Cha Ma Yinglin là một giám mục bất hợp pháp đối với Vatican, vì đã được tấn phong không có sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, và cho đến nay vẫn chưa được Tòa Thánh công nhận.
Nhưng chính trường hợp của vị Chủ tịch này lại được coi là một trường hợp điển hình cho tình cảnh tại Trung Quốc hiện nay, chẳng hề có sự phân biệt đen – trắng rạch ròi.
Theo những người thân cận, Giám mục Ma Yinglin thực sự là người theo đường lối trung thành với Tòa Thánh.
Trong một chuyến đi 10 ngày tới Hoa Kỳ năm ngoái như một vị khách của The Yale University Divinity School, Giám mục Ma và hai Phó Chủ tịch của cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc đã viết vào một cuốn Kinh Thánh đôi dòng ngỏ lời với Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng con yêu mến ngài; chúng con cầu nguyện cho ngài; chúng con chờ đợi ngài ở Trung Quốc”.
Đức Hồng Y Seán O’Malley của Boston được tường thuật là đã trao cuốn Kinh Thánh đó cho Đức Giáo hoàng.
Vào tháng Tám vừa rồi, lần cuối cùng một phái đoàn Vatican đến thăm Trung Quốc, Đức Tổng Giám mục Claudio Celli, một trong những chuyên gia Trung Quốc giàu kinh nghiệm nhất của Vatican, đã đến Bắc Kinh. Ngài yêu cầu được gặp các giám mục không được chấp thuận tại một khách sạn, và chính phủ đã nhượng bộ yêu cầu đó, một nguồn tin nói với các ký giả.
Khi cuộc gắp kết thúc, “Tổng Giám mục Celli đề nghị tất cả các vị tỏ lòng tôn kính nhẫn giám mục của nhau, và tất cả các vị đã làm. Đức Giám mục Ma đã đặc biệt được đánh động bởi điều đó.
“Giám mục Celli đã vừa thực hiện điều đó vừa nói, ‘Chúng ta đều là anh em’, và rồi ngài hôn chiếc nhẫn của Giám mục Ma, và Giám mục Ma hôn chiếc nhẫn của ngài như là một dấu hiệu tỏ lòng tôn kính”.
“Đó là một cử chỉ hoàn toàn không chính thức, nhưng dù sao cũng có ý nghĩa rất đáng kể” – nguồn tin Công giáo nói.
Người ta cũng được biết, 10 ngày trước Đại hội IX, Giám mục Ma đã không mong đợi được tái đắc cử chức Chủ tịch. Những quan chức theo đường lối cứng rắn trong chính quyền nghi ngờ là ngài quá gần Rôma, sẽ khó giữ được Giáo hội Trung Quốc độc lập.
Sự kiện Giám mục Ma tái cử là chủ tịch của cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc, vì thế, được nhiều người coi là một một “sự phát triển tích cực”.
Tân Thanh