Trong lần xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong vai trò Đại sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền Hoa Kỳ tại LHQ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Sam Brownback đã phát biểu với các nhà lãnh đạo Hồi giáo, Do Thái và Kitô giáo để thảo luận về cam kết chung của họ trong việc thúc đẩy hoà bình và bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo trong thế giới Hồi giáo.
“Tôi thiết nghĩ tự do tôn giáo chính là chủ đề đối ngoại quan trọng nhất hiện nay”, ông Brownback phát biểu với các đại biểu tại Alliance of Virtue nhân Hội nghị về Công ích chung tại Washington DC.
“Thế giới cần đến sự hòa giải. Đây là một sự cần thiết giữa các tôn giáo xuất phát từ Ápraham”, đại sứ Brownback nói.
Sự kiện kéo dài ba ngày này được tổ chức bởi Diễn đàn về Thúc đẩy Hòa bình trong các xã hội Hồi giáo đặt tại Trung Đông, và sẽ kết thúc vào buổi sáng ngày 7 tháng Hai bằng việc ký kết tuyên bố về tự do tôn giáo.
Đức Hồng Y Theodore McCarrick của Tổng Giáo Phận Washington nằm trong ban chỉ đạo hội nghị liên tôn, cùng với Rabbi David Saperstein và các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Tin Lành khác.
Tuyên bố Washington sẽ được xây dựng dựa trên Tuyên bố Marrakesh năm 2016, khẳng định quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo ở các nước mà Hồi giáo chiếm đa số, bằng cách bổ sung thêm lời kêu gọi đối với việc tôn trọng người Hồi giáo sống ở Hoa Kỳ.
Tuyên bố Marrakesh đã được ký kết bởi hàng trăm học giả Hồi giáo và các nhà lãnh đạo từ hơn 60 quốc gia, theo Diễn đàn về Thúc đẩy Hòa bình trong các xã hội Hồi giáo.
“40 năm sau Hiệp định Helsinki, cộng đồng Hồi giáo đã triển khai một thỏa thuận về tự do tôn giáo và quyền công dân công bằng vốn đúng theo lịch sử và giáo huấn của Hồi giáo”, người sáng lập và Chủ tịch diễn đàn, giáo sĩ Shaykh Abdallah Bin Bayyah, chia sẻ trong bài phát biểu chính của mình.
Giáo sĩ Shaykh là một học giả của tất cả bốn trường phái luật học dòng Sunni chính yếu và được biết đến như một nhà phê bình thẳng thắn đối với chủ nghĩa khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, ông Timo Soini, đã chia sẻ về kinh nghiệm của mình như là một người thuộc cộng đồng Công giáo thiểu số nơi một quốc gia mà đa số là các tín đồ Tin Lành Lutheran trong những lời nhận xét ngay sau đại sứ Brownback.
Ông Soini, người đã làm việc với những người tị nạn Kitô giáo Iraq ở Phần Lan, phát biểu với CNA “cộng đồng Kitô giáo thiểu số chính là những người bị bách hại nhất vào lúc này. Và điều đó cần phải được đặc biệt chú ý… đây là một điều gì đó đối với chúng ta, những người phương Tây và Âu châu để thẳng thắn về điều này”.
Nữ tu Agatha O. Chikelue đến từ Nigeria đã được mời phát biểu tại hội nghị về công việc xây dựng hòa bình của mình giữa các Kitô hữu và những người Hồi giáo.
“Tôi muốn lắng nghe những kinh nghiệm của những người khác đến từ khắp nơi trên thế giới về cách thức họ giải quyết cuộc xung đột của họ như thế nào cũng như cải thiện cuộc đối thoại liên tôn của họ, để tôi có thể mang nó về quê nhà tại Châu Phi”, nữ tu Agatha phát biểu với CNA.
Giám đốc Điều hành Quỹ Hòa bình Hồng y Onaiyekan (COFP) đã làm việc với những người tị nạn đã bị tổ chức khủng bố Boko Haram buộc phải di tản. Nữ tu Agatha cũng đã tạo ra một mạng lưới cho những người phụ nữ Kitô giáo và Hồi giáo để cùng nhau làm việc chống lại bạo lực.
Trong bài phát biểu của mình với các nhà lãnh đạo tôn giáo Hồi giáo, Do thái và Kitô giáo, nữ tu Agatha cho biết rằng Tuyên bố Marrakesh nhắc nhở sơ về Tuyên ngôn Nostra Aetate, một văn kiện của Công đồng Vatican II, “vốn tạo cho chúng ta một cơ hội để ôm lấy tất cả mọi người, để mở rộng đôi bàn tay của chúng ta trong tinh thần thân hữu với những người khác thuộc các cộng đồng tôn giáo khác, các Kitô hữu, những người Hồi giáo, và các Phật tử”.
Nữ tu Agatha tiếp tục: “Nếu như chúng ta, những người Công giáo, đã nhận thấy điều này cách đây 50 năm, và những người Hồi giáo giờ đây đã nhận ra điều nàyvà hiểu được sự cần thiết phải cùng nhau làm việc, thì điều gì ngăn cản chúng ta thực hiện điều đó? Vì vậy, chỉ còn lại việc chúng ta tận dụng Tuyên bố Marrakesh này, tận dụng Công đồng Vatican II, để xây dựng một nền tảng cho tất cả chúng ta ngõ hầu có thể khám phá ra những điểm chung của chúng ta”.
Minh Tuệ chuyển ngữ