Đại hội Y tá Thế giới tập trung vào sự hiệp nhất trong sứ mạng và đức tin

Được tổ chức bốn năm một lần, Đại hội Y tá Thế giới sắp tới diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với nhiều điều dưỡng Công giáo trên khắp thế giới, những người có kỹ năng nghề nghiệp, các gia đình và đức tin đã bị thử thách nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn.

Sự kiện, diễn ra từ ngày 2-4 tháng 8 tại Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Czestochowa ở Doylestown, PA, dành cho “các điều dưỡng (bao gồm cả sinh viên) những người làm việc ở tuyến đầu, các nhà cải cách, các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách”, theo nhà tài trợ chung của sự kiện, Ủy ban Y tá và Chuyên viên điều dưỡng thực hành Công giáo Quốc tế, hoặc CICIAMS (viết tắt của Comité International Catholique des Infirmières et Assistantes Médico-Sociales).

“Các ngày diễn ra Đại hội của chúng tôi tràn ngập với của ăn thiêng liêng, những diễn giả đầy cảm hứng và những điểm nổi bật về công việc tuyệt vời mà các điều dưỡng Công giáo đang thực hiện từ các khu rừng rậm của Malaysia cho đến các đường phố của Ba Lan và tất cả các điểm ở giữa”, theo nữ điều dưỡng Janet Munday, phát ngôn viên của Hiệp hội Y tá Công giáo Quốc gia, Hoa Kỳ, hay NACN-USA, một tổ chức thành viên của CICIAMS đăng cai tổ chức hội nghị năm nay.

Chia sẻ sứ mạng của NACN-USA trong việc thúc đẩy mạng lưới các y tá, những có thể chia sẻ sự nỗ lực, nghiên cứu và thực tiễn tốt nhất của họ, chủ đề của đại hội năm nay là “Hiệp nhất trong Sứ mạng, Hiệp nhất trong Đức tin” (“United in Mission, United in Faith”).

“Các y tá ngày nay cần phải có mối quan hệ với các y tá khác”, vì vậy họ chia sẻ với nhau về “những tình huống đạo đức” mà họ thường gặp phải khi chăm sóc những người bệnh tật và đau yếu”, chị Munday nói.

Chị Munday lưu ý rằng đức tin của một y tá Công giáo có thể thấm nhuần vào tất cả các khía cạnh trong cuộc sống nghề nghiệp của một người.

“Chúng tôi luôn muốn nâng tầm công việc điều dưỡng của mình thành một điều gì đó liên quan đến 14 mối thương người, thương xác và thương linh hồn, vì vậy, đó là sự nâng cao thực hành điều dưỡng của chúng tôi phù hợp với đức tin Công giáo của mình”, chị Munday chia sẻ.

Chị Munday cho biết khi đối mặt với “sự đau khổ lan rộng” do đại dịch “tình yêu của Chúa Kitô” đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều y tá Công giáo để họ tiếp tục sứ mạng của mình trong những hoàn cảnh phi thường như vậy.

Như Tiến sĩ Khosi R. Mthethwa, Chủ tịch của CICIAMS, đã viết vào ngày 12 tháng 5 năm 2021 trong một bức thư nhân kỷ niệm Năm Y tá và Hộ sinh Quốc tế: “Mặc dù, chúng ta là các nhóm quốc gia khác nhau phải đối mặt với những thách thức khác nhau, nhưng tôi nhận ra rằng Đại dịch COVID-19 đã gắn kết chúng ta theo một cách thức đặc biệt”.

Đồng thời, các y tá phải đối mặt với vấn đề luân lý trong một nền văn hóa ngày càng bị thế tục hóa. “Các y tá trường học đã chứng kiến sự tan vỡ của các gia đình”, chị Munday chia sẻ. “Sự căng thẳng và đau đớn của những bệnh nhân sống chung với chứng nghiện ngập và lạm dụng chất kích thích là một gánh nặng cho vấn đề sức khỏe hành vi và các y tá phòng cấp cứu. Việc thiếu phẩm giá đối với sự sống con người trong tất cả mọi giai đoạn, cũng đặt ra gánh nặng cho các y tá, những người đáp lại lời kêu gọi đồng hành cùng với những người khác trong cuộc đấu tranh trong việc chăm sóc sức khỏe và sự đau khổ của họ”.

Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận những thách thức này khi phát biểu tại Vatican trước các thành viên của Liên đoàn các trường Cao đẳng điều dưỡng chuyên nghiệp, Trợ lý Chăm sóc sức khỏe và những người chăm sóc trẻ em. Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả những người làm việc trong nghề y tá là “những người thúc đẩy sự sống và phẩm giá của con người”.

“Vai trò của các y tá trong việc hỗ trợ bệnh nhân thực sự không thể thay thế được”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét. “Không giống ai khác, y tá có mối quan hệ trực tiếp và liên tục với các bệnh nhân, chăm sóc họ hàng ngày, lắng nghe nhu cầu của họ và tiếp xúc với chính cơ thể của họ”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết