Đại hội FABC: "Gia đình, cộng đồng thương xót đẹp nhất trên trái đất"

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 09-12-2016 | 22:16:56

Từ 28/11 đến 4/12/2016, Đại hội toàn thể lần thứ 11 của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) được tổ chức tại Negombo, gần thủ đô Sri Lanka. Chủ đề của Đại hội: “Gia đình Công giáo Á Châu: Hội Thánh tại gia của người nghèo, thi hành sứ vụ thương xót”. Đức Hồng y Telesphore Toppo, Tổng Giám mục Công giáo Ranchi, Ấn Độ, và là đặc sứ của Đức Giáo hoàng tại Đại hội này, đã kêu mời 140 Giám mục hiện diện xác định “một tầm nhìn táo bạo về gia đình“, để đồng hành và hỗ trợ các gia đình Công giáo Châu Á. Đến lượt mình, các gia đình sẽ trở thành “Giáo hội tại gia cho người nghèo”, “các cộng đồng thương xót đẹp nhất trên trái đất.”

20161209-gia-dinhTheo vị đặc sứ của Đức Thánh Cha, thách thức lớn nhất đối với các giám mục là “cung cấp một cái nhìn tổng quan về tất cả các gia đình châu Á sinh sống tại 48 quốc gia khác nhau, trong một bối cảnh rất đa dạng về văn hóa, tôn giáo và xã hội.” Để đạt được một tầm nhìn tổng quan về gia đình ở châu Á và đồng hành với các gia đình để họ trở thành “những công cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa,” có ba thách thức lớn đối với hàng trăm vị Giám mục tham gia Đại hội từ 28 Hội đồng Giám mục ở châu Á.

Cấu trúc gia đình thay đổi mạnh

Mặc dù ý thức về những niềm vui đang được trải nghiệm trong các gia đình, chúng ta vẫn không quên những thách thức nhiều gia đình phải đối mặt ngày hôm nay: biến đổi khí hậu, di dân, tham nhũng, nghèo đói, nạn buôn người, mại dâm, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, bạo lực đối với dân tộc thiểu số, hình thức mới của chủ nghĩa thực dân… làm suy yếu và làm tổn thương các gia đình” – các Giám mục châu Á nói trong sứ điệp của họ, do MattersIndia công bố.

Trước đây, các mối liên hệ truyền thống, các giá trị văn hóa và xã hội, được củng cố bằng đời sống đức tin, đã mang lại một môi trường sống ổn định cho các gia đình Công giáo ở châu Á. Bây giờ, các gia đình đang phải đối mặt với sự phản bội, ly thân, cô đơn, khép kín, tình trạng thất nghiệp và nghèo đói, Đức Tổng Giám mục Toppo nói. Những tình huống căng thẳng đôi khi thêm trầm trọng bởi sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, đang phá hoại các giá trị Tin Mừng mà các gia đình ở châu Á đã cố gắng trau dồi và truyền tải từ nhiều thế kỷ”.

Nếu sự khó nghèo vật chất là rất thực tế ở nhiều nước châu Á, các giám mục còn lo ngại về sự xuất hiện của các hình thức nghèo mới – quan hệ, văn hóa, trí tuệ, tình cảm và xã hội – nổi lên trong những năm gần đây với sự tăng cường đô thị hóa của châu lục và sự phát triển của Internet. “Các mối quan hệ gia đình đang bị kéo giãn ra và sự bình an và đức tin, chất xi măng kết nối các gia đình, đang bị phá hoại. Các phương tiện truyền thông hiện đại và lối sống kết nối mới đang gây ra những tác động bất lợi trên các bạn trẻ của chúng tôi” – vị Hồng y người Ấn Độ cho biết.

Đức Cha Hyginus Kim Hee-joong, Tổng Giám Mục Gwanju và Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc (CBCK), xác nhận điều đó. Trong bài phát biểu của mình, ngài đã nói về tình hình thanh niên Hàn Quốc rất phụ thuộc vào Internet và điện thoại thông minh, dẫn đến những tình huống “đứt gãy đối thoại trong gia đình” và lan rộng “sự thờ ơ đối với sự tôn trọng con cái hoặc những người cao niên“, một sự thay đổi rất đáng lưu tâm trong một xã hội bắt rễ sâu trong Nho giáo.

Một thực tế khác được Đức Tổng Giám mục Kim Hee-joong đề cập: đó là sự lựa chọn một nền kinh tế thiên về sự “ưu tiên chọn lựa cho những người giàu có“, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế, và góp phần vào sự “thất vọng sâu xa” ảnh hưởng đến nhiều gia đình ở Hàn Quốc ngày nay. “Nạn thất nghiệp khiến những người trẻ không dám kết hôn, và nếu họ kết hôn, họ tránh có con để thoát khỏi những mối bận tâm vật chất cố hữu trong việc giáo dục trẻ em (…). Hơn nữa, có nhiều yếu tố làm hoen ố tình dục vợ chồng: sự mất mát các giá trị hôn nhân, sự khinh miệt sự sống, làn sóng tràn ngập ảnh khiêu dâm trên mạng, sự thương mại hóa các quan hệ tình dục“, những điều đó – ngài nói – phần nào giải thích sự gia tăng nhanh chóng số lượng các vụ ly hôn trong xã hội Hàn Quốc, bao gồm cả những người lớn tuổi. “Chúng ta phải giải quyết những vấn đề này vì chúng gây ra sự suy giảm niềm tin tôn giáo và các giá trị tinh thần của các gia đình. Chúng ta cần phải phát triển mục vụ chăm sóc các gia đình” – ngài đề nghị FABC.

Giáo hội cơ chế được mời gọi đi ra khỏi “vùng an toàn” của mình

Đức Tổng Giám mục Toppo, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã kêu gọi các Giám mục Công giáo “có lòng từ bi thương xót và biết lắng nghe tiếng kêu của các gia đình với sự kiên nhẫn của các thiên thần, đồng hành với các gia đình trong cuộc đấu tranh và những khó khăn của họ. Những người tham gia vào mục vụ gia đình phải rời khỏi vùng thoải mái của các tổ chức của họ“, bởi vì các gia đình “là hy vọng của chúng ta và là các tác nhân tốt nhất của công cuộc Phúc Âm hóa và thay đổi (…)“. “Giúp đỡ các gia đình trong sứ vụ lòng thương xót là một công việc rất lớn lao – ngài thừa nhận – nhưng chúng ta có thể trả lời thách đố này bằng cách cắm rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô, Tôn Sư của chúng ta” – ngài đề nghị với các Giám mục hiện diện.

Một điểm khác mà Đức Hồng y Toppo chia sẻ với các tham dự viên Đại hội, là các ví dụ của các cộng đồng Kitô giáo thổ dân về cuộc sống gia đình. “Kitô giáo không phải là một cái gì đó xa lạ với các cộng đồng thổ dân, họ sống các giá trị Tin Mừng hàng ngày, có thể cho chúng ta một nguồn cảm hứng. Các tương quan gia đình là linh hồn của cuộc sống thổ dân” – ngài giải thích. Đối với Đức Tổng Giám mục Toppo, thành viên của bộ tộc Oraon, hiện ở Đông Bắc Ấn Độ, “các cộng đồng Kitô hữu thổ dân ở châu Á là một sức mạnh thực sự cho Giáo hội. Họ sống với hệ thống truyền thống riêng của họ về xã hội và văn hóa, trong đó sự chia sẻ là nền tảng của lối sống của họ. Các cộng đồng đó, do vậy, tự nhiên làm lan tỏa đức tin trong cuộc sống hàng ngày, họ là tương lai của Giáo hội” – ngài nói đầy xác tín.

Hướng tới một linh đạo gia đình ở châu Á?

Sự thay đổi này của thời đại mà chúng ta đang sống dẫn chúng ta đi tìm kiếm một linh đạo gia đình, dựa trên các cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, để chúng ta có thể giúp đỡ các gia đình trong những thách thức họ trải qua, nhờ thời gian cầu nguyện trong gia đình, việc chia sẻ Lời Chúa. Bằng cách tập trung linh đạo gia đình vào Thánh Thể, các gia đình sẽ có thể sống một cuộc sống ngôn sứ” – các Giám mục châu Á đề nghị trong sứ điệp cuối.

Đối với các Giám mục châu Á, gia đình là “trường học đích thực mà chúng ta học chia sẻ niềm vui Tin Mừng và thực hành nghệ thuật tha thứ”. Các gia đình giúp các thành viên của mình trở thành “đồ đệ đích thực của Chúa Giêsu, vượt qua những khó khăn và thách thức của cuộc sống (…). Giáo hội tại châu Á tin tưởng vào khả năng các gia đình Công giáo trở thành công cụ của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức tin hiện tại của họ đã được nuôi dưỡng bằng đức tin của các tín hữu các thế kỷ đã qua với các thời kỳ bị bách hại và chia rẽ. Vì sống tiếp xúc với các tôn giáo khác, các gia đình Công giáo ở châu Á là những nơi tốt nhất để truyền đạt tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa” – Đức Tổng Giám mục Toppo nhấn mạnh.

Ngày 04/12, vào cuối Đại Hội, Đức Hồng y người Ấn Độ, Đức Tổng Giám mục Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai và Chủ tịch của FABC, đã dâng hiến tất cả các gia đình Công giáo châu Á cho Thánh Gia Nazareth: “Nguyện xin Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse đồng hành với các gia đình Công giáo châu Á, để họ trở thành, bằng lời nói và hành động, Giáo hội tại gia cho người nghèo, tràn đầy từ bi và hay thương xót“. Sau đó Đức Cha  Gracias đặt toàn thể Giáo hội tại châu Á dưới sự bảo vệ của Thánh Gia Nazareth: “Nguyện xin Thánh Gia Nazareth gợi hứng cho Giáo hội tại châu Á, và làm cho các gia đình của chúng con trở thành các thừa sai của lòng thương xót. Trong gia đình, chúng ta cùng nhau tiếp tục cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và phục vụ anh chị em của chúng ta” – các Giám mục kết luận.

Được thành lập vào năm 1970, FABC tập hợp 19 Hội đồng Giám mục ở châu Á, nhằm mục đích tăng cường các mối quan hệ và tình đoàn kết giữa các Giáo hội Á châu. Đại hội toàn thể FABC được tổ chức bốn năm một lần. Các giám mục Công giáo giám mục đại lục vắng mặt tại các cuộc họp này.

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết