Đại diện Tông Tòa Arabia nói về Thượng Hội đồng của một Giáo hội di dân nơi vùng đất Hồi giáo

EAU_-_hinder_pastorale

Đức Giám mục Paul Hinder, Đại diện Tông Tòa Nam Arabia (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Yemen) và Giám quản Tông Tòa Bắc Arabia hiện đang trống tòa (Kuwait, Ả Rập Xê Út, Qatar và Bahrain) đã ban hành một Lá thư mục vụ trước thềm Thượng Hội đồng năm 2023.

Trong Lá thư mục vụ, Đức Cha Hinder viết: “Với tư cách là một Giáo hội của những người di cư giữa một xã hội Hồi giáo, bao gồm các tín hữu thuộc các quốc tịch và các truyền thống khác nhau, lời chứng của chúng ta là độc nhất và quan trọng trong Giáo hội hoàn vũ”.

Với tiêu đề: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dcr 8, 23), bức thư nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc hành trình đồng nghị chung của một Giáo hội độc nhất có một không hai, được hình thành từ những người di cư trong một khu vực đa số là người Hồi giáo.

Vị Giám chức khuyến khích “sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu” vào tiến trình Thượng Hội đồng tại các Giáo phận miền bắc và miền nam Ả Rập, vốn sẽ chính thức khai mạc vào ngày 15 tháng 10 tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Abu Dhabi, vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự các sự kiện tại Vatican (từ ngày 9-10 tháng 10).

Thượng Hội đồng được chia thành ba giai đoạn, từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023. Giai đoạn Giáo phận đầu tiên nhằm mục đích lắng nghe Dân Chúa, trong khi giai đoạn thứ hai và thứ ba sẽ tập trung vào Giáo hội lục địa và toàn cầu, để Dân Chúa có thể cùng nhau thực hiện cuộc hành trình trong mỗi giai đoạn, với việc Thượng Hội đồng cũng giống như một quá trình như một sự kiện.

Thượng Hội đồng, Đại diện Tông Tòa Arabia giải thích, giống như việc “cùng đi chung một con đường”, trong đó các tín hữu phải dấn thân. “Chúng ta là một Giáo hội địa phương thể hiện một cách cụ thể đặc tính lữ hành và Công giáo”, Đức Cha Hinder viết.

Đó là một cuộc “lữ hành, bởi vì chúng ta không có quốc tịch ở những quốc gia nơi chúng ta cư trú, và do đó, chúng ta đang sống ở đây nhưng không được đảm bảo về sự cố định suốt đời” và đó là về “tính Công giáo, bởi vì hầu hết các Giáo xứ của chúng ta đều bao gồm các tín hữu xuất phát từ nhiều ngôn ngữ, nhiều nhóm và truyền thống, tương tự như những gì Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật về sự đa dạng của các dân tộc hiện diện trong Lễ Ngũ Tuần đầu tiên”.

Về việc đi lại, Đức Cha Hinder thừa nhận rằng “đại dịch vẫn là một trở ngại”, nhưng mục tiêu đó là “sống tinh thần hiệp thông, với sự tham gia của tất cả mọi người, thực hiện sứ mạng của chúng ta với tư cách là những người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô”, được mời gọi để trở thành “Dân Thiên Chúa”.

Trong những năm gần đây, những dấu hiệu đáng khích lệ xuất phát từ các Giáo phận xét về mặt đối thoại và gặp gỡ, bắt đầu với chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 2 năm 2019 và việc ký kết văn kiện về Tinh thần huynh đệ nhân loại vì Hòa bình thế giới và Việc cùng nhau chung sống với Đại Imam của Đại học Hồi giáo Al-Azhar, Ahmed Mohamed Ahmed El-Tayeb.

Trong Lá thư mục vụ của mình, Đức Cha Hinder đề cập đến một số vấn đề, bao gồm đời sống Bí tích trong và sau đại dịch COVID-19; việc giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn; các công việc mục vụ khác nhau của Giáo hội; tương quan giữa Linh mục và giáo dân; việc chăm sóc gia đình; những thách thức của hôn nhân Kitô giáo; việc giúp đỡ người nghèo và những người thiếu thốn; quan hệ liên tôn; sự tham gia của giáo dân vào đời sống Giáo xứ; và vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội và điện tử trong việc truyền giáo.

“Mặc dù chúng ta không thể nhận ra tất cả mọi thứ cùng một lúc, nhưng tốt hơn hết là bắt đầu một cách khiêm tốn hơn là ngồi yên thụ động và tiếp tục quan sát mà không có sự tham gia của cá nhân”, bức thư viết.

Đồng nghị tính, Đức Cha Hinder nhấn mạnh, là “quá trình cả về con người và tinh thần” vốn “liên quan đến sự lắng nghe lẫn nhau, trong đó tất cả mọi người đều có điều gì đó để học hỏi”. Nó đề cập đến “chính bản chất của Giáo hội” và “do đó hướng tới việc truyền giáo”.

Cuối cùng, “Thượng Hội đồng không phải là nơi để thúc đẩy ý tưởng hoặc chương trình nghị sự của riêng một người”, liên quan đến mọi người trong việc đưa ra quyết định, cũng không phải là một “hệ thống đại diện hoặc chế độ hạn ngạch”. Thay vào đó, nó tìm cách kêu gọi sự tham gia của “những người đã được rửa tội hầu nhận biết Thánh ý của Thiên Chúa và lắng nghe Chúa Thánh để tìm kiếm con đường phía trước cho Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết