Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tiến trình xây dựng hòa bình tại Nam Sudan

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 22-07-2016 | 10:38:12

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử một đặc phái viên tới Nam Sudan nhằm thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực tại nước này đồng thời hỗ trợ trong việc thiết lập đối thoại và lòng tin giữa các bên tham chiến.

20160722 Sudan

Đức Hồng Y Peter Turkson – Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã đến thủ đô Juba vào tuần này để hỗ trợ cho các Tổng Giám mục đồng thời có buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo quốc gia này.

Ngài đến mang theo một lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho Tổng thống Salva Kiir và một lá thư gửi cho Phó Tổng thống Riek Machar. Họ là kẻ thù lịch sử và không đội trời chung của nhau đồng thời là đại diện cho các nhóm sắc tộc khác nhau.

Trong gần một năm, Nam Sudan đã cố gắng để thoát ra khỏi cuộc nội chiến gây ra bởi sự cạnh tranh chính trị giữa các phe thân Tổng thống và thân Phó Tổng thống. Các cuộc đụng độ bạo lực xảy ra trên toàn thành phố đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng kể từ tháng 12/2013 và gần đây đã bùng lên cuộc chiến gây ra nhiều thương vong, hàng chục người phải di dời và đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Mặc dù lệnh ngừng bắn hiện đã có hiệu lực ở Juba, thế nhưng mối đe dọa của việc leo thang bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra.

Linda Bordoni – phát ngôn viên của Radio Vatican phỏng vấn Đức Hồng Y Turkson về tình hình hiện tại và những nỗ lực của Giáo Hội trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình tại nước này.

Đức Hồng Y Peter Turkson cho biết Ngài đến Juba hôm Chúa nhật vừa rồi để cùng hiệp dâng Thánh Lễ với các tín hữu, Đức Tổng Giám Mục Juba, các linh mục và tu sĩ.

“Cần làm dịu bớt căng thẳng: tình hình đang hết sức khó khăn”, Ngài cho biết.

Ngài cho biết bạo lực đã bùng lên đúng vào dịp kỷ niệm năm thứ 5 giành độc lập của nước này lại liên tục xảy ra giữa các lực lượng tham đã làm thiệt mạng nhiều người.

Ngài giải thích rằng tình hình hiện tại vô cùng khó khăn đối với các dân thường tại nước này, họ phải chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực đang giày xéo quê hương của họ nhằm bảo toàn tính mạng của mình, nhà cửa của họ đã bị cướp phá, cưỡng chiếm hoặc bị phá hủy.

“Rất nhiều phụ nữ và trẻ em kể cả các thanh niên đã phải tìm cách lánh nạn nơi các nhà thờ và các trường học – và đó chính là nơi họ sinh sống. Các Linh mục và các tu sĩ nam nữ đã phải cố gắng hết sức để chăm sóc những thường dân vô tội này một cách tốt nhất có thể”, Ngài cho biết thêm.

Thế nhưng, Đức Hồng Y Turkson cho biết tình hình hiện tại đã trở nên vô cùng tuyệt vọng và tình hình an ninh đang ở mức đáng báo động. Ngài cho biết các nhà chức trách mà ngài đã gặp gỡ hứa sẽ nỗ lực hết sức mình nhằm hướng tới một cuộc cải cách trong cuộc bầu cử vào năm 2018.

Đức Hồng Y Turkson giải thích rằng quá trình này đã đi lệch hướng bởi những sự kiện xảy ra gần đây, thế nhưng Tổng thống khẳng định rằng tiến trình này vẫn có thể được nối lại.

“Tôi đến đây để gửi đến họ lời hỏi thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong sự liên đới sâu sắc cùng với 2 lá thư ngài gửi cho Tổng Thống và Phó Tổng thống – hai nhân vật chính của cuộc xung đột tại nước này”, Đức Hồng Y cho biết.

Đức Hồng Y cho biết nỗ lực của ngài nlà “cố gắng đưa họ đến gần với nhau trong một số quan điểm, để cân nhắc xem liệu chúng ta có thể tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình hòa giải hay không, và giúp họ xây lòng tin đối với nhau”.

Đức Hồng Y Turkson nhấn mạnh về nhu cầu cấp thiết để được giúp đỡ của người dân tại đây, đồng thời cho biết ngài cũng đã liên lạc với tổ chức ‘Cor Unum’ tại Rome để xem liệu có thể hỗ trợ về mặt thuốc men cho những người dân tại đây hay không.

Ngài giải thích rằng những người dân di tản phải sống tạm bợ trong những phòng học và họ bị muỗi đốt thường xuyên nên mắc phải các chứng bệnh như sốt rét, kiết lỵ, “thậm chí nạn dịch tả đang lây lan ở một số khu vực”.

“Vì vậy, người dân nơi đây rất cần sự trợ giúp về thuốc men và thực phẩm”, ngài cho biết.

Đức Hồng Y Turkson bày tỏ hy vọng rằng sau khi trở về Roma vào cuối tuần này, ngài sẽ có thể gửi một số viện trợ cụ thể tới Đức Tổng Giám Mục nhằm thể hiện “tinh thần tương thân tương ái từ phía Tòa Thánh”.

Minh Tuệ (theo Radio Vatican)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết