Tin mừng Lc tường thuật hai phần của sự kiện tổng trấn Philatô thụ lý và xét xử vụ án Đức Giêsu: trong phần thứ nhất, ông Philatô tìm cách tra xét thực hư tội trạng của Đức Giêsu (23,2-15.16), trong phần thứ hai, ông đi đến quyết định về số phận Đức Giêsu (23,18-25).
Trong cả hai phần, khung cảnh luôn là sự chống đối và giằng co giữa những người tố cáo Đức Giêsu và ông Philatô. Nếu Mt 27,11 và Mc 15,2 đều bắt đầu với câu hỏi của ông Philatô, thì Lc 23,2 lại đưa lên đầu buối thẩm vấn những lời tố cáo rất chi tiết của những người đem nộp Đức Giêsu.
Ngay từ đầu, khởi sự là từ phía những người tố cáo Đức Giêsu. Ông Philatô để mình bị họ xỏ mũi dắt đi. Tuy nhiên, ông cũng biết nói với họ những kết quả điều tra của ông (23, 4.13-15).
Trong Lc 23,2-25 chúng ta có thể thấy có 5 hồi, mỗi hồi đều bắt đầu bằng hành động đi bước trước của những người thù ghét Đức Giêsu và kết thúc bằng việc lấy lập trường của ông Philatô:
23,2-4 : tố cáo thẩm vấn tuyên bố
5-16 : tố cáo thẩm vấn tuyên bố
18-20: Barabba phóng thích
21-22: thập giá phóng thích
23-25: thập giá trao nộp
Trong phần thứ nhất (2 hồi đầu), có 3 nhân vật chính: các người chống đối xuất hiện như những kẻ mạnh miệng tố cáo, ông Philatô (và ông Hêrôđê) trong tư cách những nhà điều tra và Đức Giêsu là người bị thẩm vấn (23,2-16).
Trong phần thứ hai (3 hồi cuối), chỉ còn những người cáo tội đang ra sức đòi kết án tử hình Đức Giêsu và ông Philatô, là người thoạt kỳ thuỷ muốn phóng thích Ngài nhưng sau cùng lại nhượng bộ trao Ngài cho án tử hình thập giá. Chính Đức Giêsu thì không hề bị chất vấn thêm gì nữa, Ngài chỉ còn là đối tượng của cuộc tranh luận giữa hai bên.
Hồi thứ nhất: Cuộc tra xét tại dinh Philatô: Lc 23,2-4
Lc 23 2 Họ bắt đầu cáo tội Ngài rằng: “Tên này, chúng tôi đã phát giác thường xúi dân chúng tôi làm loạn, và ngăn cản việc nộp thuế cho Xêda, và xưng mình là Đức Kitô Vua”. 3 Philatô thẩm vấn Ngài, rằng: “Ông là vua dân Do Thái?” Đáp lại, Ngài nói với ông: “Chính ông nói thế!” 4 Philatô nói cùng các thượng tế và dân chúng: “Ta không tìm ra tội trạng nào nơi người này.”
Theo Lc 23,1 những người tố cáo (động từ ‘tố cáo’ trong 23,2.10.14; luôn ở hình thức hiện tại) là ‘toàn thể đám hội’; ở 23,4 họ được nói rõ là các thượng tế và đám đông dân chúng.
Những cáo buộc của họ chống lại Đức Giêsu đã được họ trình bày như thể là những điều đã được họ thẩm tra qua những cuộc cứu xét nghiêm chỉnh (‘tên này chúng tôi đã khám phá ra/ phát giác được’; ngược với ‘tìm’ của Philatô trong 23,4.14.22). Họ kể ra ba hành động của Đức Giêsu (luôn được đặt ở động tính từ hiện tại, ý nói là những cách hành xử thường ngày: ‘khích động’, ‘ngăn cản’, ‘xưng’). Trong đó, hành động thứ nhất là hành động có tính bao trùm nhất (mà tính chất nguy hiểm của nó được xác định bằng hai hành động còn lại), và là hành động duy nhất sẽ được lặp lại trong câu tổng kết ở Lc 23,14.
Như thế, họ đã xác định đặc điểm của Đức Giêsu là một người thường xúi dân của họ làm loạn, một nhà cách mạng về phương diện chính trị, luôn muốn khuynh đảo trật tự hiện thời và luôn tìm cách khích động bạo loạn của dân Israel. Động từ “diastrephein” (Vulgata: subvertere) có nghĩa là “khuynh đảo, làm hư hỏng, làm cho ra đồi bại”. Họ vu cho Đức Giêsu tội khích động toàn dân Israel, làm bại hoại toàn dân Israel, xúi toàn dân Israel làm loạn.
Hoạt động khích động dân chúng làm loạn mà họ vu khống cho Đức Giêsu ở đây rất nghiêm trọng, vì họ trình bày hoạt động đó là “ngăn cản việc nộp thuế cho Hoàng Đế”. Người Rôma xưa coi đóng thuế là hình thức căn bản và chính yếu của việc chấp nhận chế độ chính trị. Ngăn cản dân chúng đóng thuế có nghĩa là xúi giục họ làm phản, xúi giục họ đứng lên lật đổ trật tự hiện tại. Đối với những người đã nghe lời Đức Giêsu giảng “của Xêda hãy trả cho Xêda” (20,25), thì lời tố cáo trên kia là một sự xuyên tạc trắng trợn sự thật, một sự tráo trở cho thấy rõ bản chất của những người tố cáo Đức Giêsu là những kẻ dối trá vô liêm sỉ. Trong phần dẫn nhập vào câu chuyện liên quan đến vấn đề nộp thuế cho hoàng đế, một điểm đặc biệt của Luca là ông đã trình bày mục đích của các thượng tế và kinh sư (20,19) khi đặt câu hỏi về việc nộp thuế như sau: “làm Ngài lỡ lời mà bắt chợp, hầu nộp Ngài cho quyền hành và chức trách thuộc tổng trấn” (20,20).
Đặc điểm thứ ba của Đức Giêsu “tự xưng mình là Đức Kitô Vua”, tự nó, là một lời giải thích rất tốt hạn từ Kitô, nhờ hạn từ “vua”. Ngữ cảnh của lời khẳng định này khiến người đọc không thể không hiểu lời này theo cách giải thích mang tính chính trị. Đức Giêsu không chỉ bị vu cáo là có âm mưu chống chế độ, nhưng còn bị vu là người tự xưng mình là một nhà cai trị mới, thế chỗ của chính quyền Rôma hiện hành. Như thế, có hai yếu tố làm thành phần của hoạt động khích động dân chúng làm loạn mà Đức Giêsu bị vu cáo, đó là ngăn cản việc nộp thuế cho Xêda và tự công bố mình là vua. Vu cáo như thế, những người Do Thái đã nói ngược với những gì chính Đức Giêsu đã nói, trong phần thẩm vấn của Thượng Hội Đồng, chỉ cách đó vài giờ đồng hồ (22,66-71). Sự trái ngược giữa những gì họ đã làm ở 22,66-71 với kết quả mà họ trình bày ở 23,2 một lần nữa cho thấy rõ ràng đâu là thái độ của giới lãnh đạo cao cấp nhất của dân Do Thái đối với sự thật.
Những điều được tác giả Lc tường thuật trong 23,2 có thể soi sáng cho chúng ta hiểu những lời cáo buộc mà Mt 27,12 và Mc 15,3 không nói rõ và Đức Giêsu không hề trả lời lại.
Chỉ sau khi đã tường thuật lại những lời tố cáo của hàng lãnh đạo Do Thái, tác giả Lc mới kể lại cho chúng ta câu hỏi của ông Philatô và câu trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi đó. Những điều này tương ứng với những điều được nói đến trong Mt 27,11 và Mc 15,2.
Nhưng trong Lc không có câu hỏi thứ hai mà quan tổng trấn đặt ra cho Đức Giêsu, và như thế, không có đoạn song song với Mt 27,13 và Mc 15,4.
Trong Lc, sự thinh lặng của Đức Giêsu không phải là yếu tố được tô đậm như trong Mt và Mc. Chỉ Lc 23,9 nói rằng Đức Giêsu từ chối trả lời ông Hêrôđê. Còn lại, trong tất cả các cuộc thẩm vấn, cả ở 22,66-71 lẫn ở 23,3, Đức Giêsu đều trả lời các câu hỏi. Tuy nhiên, cả ba tin mừng nhất lãm đều đồng ý với nhau về sự kiện là Đức Giêsu đã chỉ trả lời các câu chất vấn liên quan đến căn tính của Ngài mà thôi. Vì Lc, ngoại trừ ở 23,9, đã chỉ kể lại một cách tường minh những câu hỏi về căn tính của Đức Giêsu, cho nên ông không còn chỗ nào nói đến chuyện Đức Giêsu giữ thinh lặng. Đàng khác, sự thinh lặng này, ít nhất là theo những gì Lc trình bày, vẫn hiện lên như là một thực tại có thật một cách khá rõ. Giữa 23,3 và 23,28, tác giả tin mừng không ghi bất cứ lời nào của Đức Giêsu.
Vào cuối cuộc thẩm tra của ông Philatô, Mt 27,14 và Mc 15,5 kể lại sự ngạc nhiên sửng sốt của ông Philatô. Trong Lc 23,4 thì quan tổng trấn quay sang những người cáo tội Đức Giêsu và thông báo cho họ biết kết quả thẩm tra của ông.
Tác giả tin mừng có vẻ luôn chú ý nói ngày càng rõ hơn ai là những người tham gia cuộc tranh luận tại toà án của ông Philatô:
23,1: toàn thể hội đồng
23,4 :các thượng tế và đám đông
23,13 :các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng.
Một trong những đặc trưng của trình thật Lc là ngay từ đầu, đám đông dân chúng đã hiện diện trước mặt ông Philatô, và rằng đám đông này có thái độ tương tự như thái độ thù địch của các vị lãnh tụ của họ. Theo Mt 27,17 và Mc 15,8 đám đông sẽ kéo đến sau, và trong thực tế được xem như một lực lượng ủng hộ có thể có của ông Philatô (Mt 27,18; Mc 15,9). Nhưng dù sao đi nữa thì các tác giả tin mừng cũng đã cho chúng ta thấy dân chúng bị ảnh hưởng tiêu cực của những thủ lãnh Do Thái của họ (Mt 27,20; Mc 15,11).
Trong Lc, ngay từ đầu, các thủ lãnh Do Thái và dân chúng đã tạo thành một mặt trận thù nghịch với Đức Giêsu và phản đối những ý định của ông Philatô. Ông Philatô, trước mặt đám đông, đã tuyên bố không tìm thấy bất cứ tội gì nơi Đức Giêsu (2,4). Lời tuyên bố này về sự vô tội của Đức Giêsu sẽ được tiếp nối bởi hai lời tuyên bố vô tội khác sau đó (23,14t.22).
Nói về Đức Giêsu, ông Philatô luôn dùng hạn từ “ho anthrôpos” (người) (23,4.6.14.14).
Lời tuyên bố này của ông Philatô về sự vô tội của Đức Giêsu đã kết thúc hồi thứ nhất của sự giằng co đối đầu giữa ông Philatô và những người chống đối Đức Giêsu.
(Mời quý vị suy gẫm các hồi kế tiếp trong bài suy niệm ngày mai).