Cuộc sống mới qua Bí Tích Rửa Tội cho tín hữu tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô

** Qua Bí Tích Rửa Tội tín hữu được tái sinh vào cuộc sống vĩnh cửu, sống ơn gọi hiệp nhất với Chúa Kitô trong Hội Thánh và tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Ngài luôn mãi.

ĐTC đã nói như trên với 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua.

ĐTC Phanxicô hôn một bé trai đội mũ trắng như ngài trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 9-5-2018 - AP

ĐTC Phanxicô hôn một bé trai đội mũ trắng như ngài trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 9-5-2018 – AP

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội. Ngài nói: Giáo lý về bí tích Rửa Tội đưa chúng ta tới lễ nghi trung tâm là rửa tội – nghĩa là dìm mình – trong Mầu Nhiệm phục sinh của Chúa Kitô (GLCG 1239). Ý nghĩa cử chỉ này đã được thánh Phaolô  nhắc cho kitô hữu Roma biết, trước hết bằng cách hỏi họ như sau: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm mình vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người để như Chúa Kitô đã phục sinh từ những kẻ đã chết chúng ta cũng có thể bước đi trong cuộc sống mới” (Rm 6,3-4). Bi Tích Rửa Tội mở ra cho chúng ta cánh cửa vào cuộc sống phục sinh, chứ không phải một cuộc sống trần tục. Một cuộc sống theo Chúa Giêsu. ĐTC giải thích như sau:

Giếng rửa tội là nơi, trong đó chúng ta làm lễ Vượt Qua với Chúa Kitô! Con người cũ đã bị chôn vùi với các đam mê lừa dối của nó (x. Ep 4,22), để tái sinh một thụ tạo mới (x. 2 Cr 5,17). Trong các bài giáo lý được gán cho thánh Cirillo thành Giêrusalem điều xảy ra trong nước rửa tội được giải thích cho các người mới được thanh tẩy như sau – Giải thích này của thánh Cirillo rất hay đẹp: “Chính trong lúc anh chị em chết đi và sinh ra, cùng làn sóng cứu rỗi trở thành mồ và mẹ cho anh chị em” (s. 20 Mistagogica 2,4-6; PG 33, 1079-1082).

** Việc tái sinh của con người mới đòi buộc con người bị hư hỏng vì tội lỗi phải trở thành tro bụi. Các hình ảnh của nấm mồ và lòng mẹ quy chiếu giếng rửa tội thật ra khá sâu đậm giúp diễn tả điều cao cả xảy ra qua các cử chỉ đơn sơ của Bí Tích Rửa Tội. Tôi thích trích bản khắc ở nhà nguyện rửa tội cổ xưa của đền thờ Laterano, trên đó người ta đọc được kiểu diễn tả bằng tiếng la tinh được gán cho ĐGH Sisto III như sau: “Mẹ Giáo Hội sinh ra một cách đồng trinh qua nước các người con mình được thụ thai bởi hơi thở của Thiên Chúa. Hỡi những ai được tái sinh bởi giếng này, hãy hy vọng nước trời” Thật là đẹp: Giáo Hội cho chúng ta sinh ra, Giáo Hội là cung lòng, là mẹ chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội.

Nếu cha mẹ chúng ta đã sinh chúng ta vào cuộc sống trần gian, thì Giáo Hội đã sinh ra chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta đã trở nên con cái trong Đức Giêsu Con của Ngài (x. Rm 8,15; Gl 4,5-7). Cả trên từng người trong chúng ta đã được tái sinh bởi nước và bởi Thánh Thần, Thiên  Chúa Cha trên trời cũng làm vang lên với tình yêu vô biên tiếng Ngài nói rằng: “Con là con yêu dấu của Ta” (x. Mt 3,17). Tiếng nói hiền phụ này, tai không thể nhận ra được, nhưng có thể nghe được bởi con tim của người tin, đồng hành với chúng ta suốt đời, không bao giờ bỏ chúng ta.

Trong suốt cuộc đời Thiên Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con trai yêu của Ta, con là con gái yêu của Ta”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao nhiêu, như một Ngươi Cha và Ngài không bỏ chúng ta một mình. Điều này từ lúc Rửa Tội.

Được tái sinh làm con Thiên Chúa chúng ta là con luôn mãi! Thật thế, bí tích Rửa Tội không được lập lại, bởi vì nó in một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa nhòa được: “Dấu ấn đó không bị xóa bỏ bởi bất cứ tội lỗi nào, tuy tội lỗi ngăn cản Bí Tích Rửa Tội đem lại hoa trái cứu độ” (GLCG 1272).

Dấu ấn của Bí Tich Rửa Tội không bao giờ bị mất! “Nhưng mà thưa cha, nếu một người trở thành một tên cướp, trong số những tên cướp khét tiếng nhất, giết người, phạm các tội bât công, dấu ấn đó có mất không?” Không. Xấu hổ cho người làm các điều ấy là con Thiên Chúa, nhưng dấu ấn không mất đi. Anh ta tiếp tục là con Thiên Chúa, chống lại Thiên  Chúa nhưng  Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài. Anh chị em đã hiểu điều cuối cùng này chưa? Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài.

** Chúng ta có cùng nhau lập lại điều này không? “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài”. Mọi người cùng lập lại nhưng hơi nhỏ nên ĐTC nói: Mạnh hơn một chút đi! Hoặc là tôi điếc hay tôi đã không hiểu. Tín hữu lập lại to hơn: Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài”. ĐTC nói: “Ừ, như vậy là tốt.”

Tiếp tục bài huấn đụ ĐTC nói thêm như sau:

Được sát nhập vào Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, như thế những người được thanh tẩy được đồng hình dạng với Ngài, là “trưởng tử của một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy, thánh hóa, làm cho nên công chính, để làm cho nhiều người trở thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1 Cr 6,11; 12,13). Việc xức dầu thánh diễn tả điều ấy, nó là “dấu chỉ của chức tư tế vương giả của người được rửa tội và của việc tháp nhập vào cộng đoàn dân Chúa” (Lễ nghi rửa tội trẻ em, s. 18,3). Vì vậy vị linh mục xức dầu thánh trên đầu mỗi người được rửa tội, sau khi đọc các lời giải thích ý nghĩa của nó như sau: “Chính Thiên  Chúa thánh hiến với dầu cứu độ, để khi được tháp nhập vào Chúa Kitô là tư tế, vua và ngôn sứ, anh chị em luôn là chi thể của thân mình Ngài cho cuộc sống vĩnh cửu” (ibid., s. 71).

Anh chị em thân mến, tất cả ơn gọi kitô là ở đây: sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Hội Thánh, tham dự vào chính sự thánh hiến để chu toàn cùng sứ mệnh, trong thế giới này bằng cách đem lại hoa trái tồn tại luôn mãi. Thật vậy, được linh hoạt bởi Thần Khí duy nhất toàn dân Chúa tham dự vào các chức vụ của Chúa Giêsu Kitô “Tư Tế, Vua và Ngôn Sứ” và gánh vác các trách nhiệm của sứ mệnh và việc phục vụ phát xuất từ đó (CCC, 783-786). Tham dự vào chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là làm cho mình trở thành một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1) bằng cách làm chứng cho Ngài qua một cuộc sống đức tin, đức mến (x. LG 12), và phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu (x. Mt 20,25-28; Ga 13,13-17).

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đến từ Pháp và Canada cũng như các nhóm đến từ Anh quốc, Phần Lan, Indonesia, Philipines, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt nhóm các “tiểu nông dân” Ý đến từ nhiều nước khác nhau. Ngài cám ơn họ đã góp phần nuôi sống người dân trên thế giới, và khích lệ mọi người đừng quên sống ơn gọi thánh tẩy biến cuộc đời mình trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các Hiệp Sĩ Thánh Mộ thuộc phân bộ thánh Hildegarde và các nữ tu Chúa Cứu Thế mừng 25 năm khấn dòng. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đặc biệt các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế và gia đình Phan Sinh Brasil cũng như các thành viên Học viện phát triển xã hội Lisboa. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố con tim giúp họ đồng cảm với Giáo Hội và kiên trì noi gương Mẹ Maria cộng tác với các chương trình cứu rỗi của Chúa.

Chào các nhóm hành hương đến từ vùng Trung Đông ĐTC khích lệ họ siêng năng lần Hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 này để đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và trên toàn thế giới.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nhắc tới lễ kính thánh Stanislao Giám Mục tử đạo Bổn Mạng Ba Lan, và khuyến khích họ noi gương can đảm của thánh nhân bảo vệ Tin Mừng, các giá trị luân lý đạo đức và phẩm giá của mỗi một người trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên tổng tu nghị dòng các nữ tu Đức Bà Mercede, các nữ tử thừa sai núi Sọ, các nữ tu Phan Sinh tôi tớ Chúa Giêsu Hài Đồng, cộng đoàn giới trẻ Don Bosco Roma, các giáo xứ, các thành viên hiệp hội Giáo dân lòng Chúa Thương Xót, các nhóm sinh viên học sinh Civitanova Marche, Firenze và Gioia del Colle. Ngài cầu chúc mọi người luôn hăng say làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc nhớ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi trong tháng 5 kính Đức Mẹ, và noi gương Mẹ tiếp nhận các mầu nhiệm của Chúa Kitô trong cuộc sống và là món quà tình yêu cho tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã két thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải Radio Vatican

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết