Hàn Quốc đang hướng tới một tương lai tăng trưởng thấp hoặc không có sự tăng trưởng về mặt dân số. Tỷ lệ sinh của nước này có thể giảm xuống dưới mức mỗi phụ nữ chỉ sinh một con. Tác động kinh tế bao gồm việc các phòng khám đóng cửa và việc sản xuất sữa bột giảm sút. Những người trẻ phải đối mặt với những khó khăn và bất bình đẳng xã hội. Chính phủ của tổng thống Moon đưa ra những kế hoạch cải cách trong khi Giáo hội nhấn mạnh sự cam kết của mình. Giám đốc trung tâm Giáo phận ở Daejeon nói về vấn đề các gia đình.
Daejeon (AsiaNews) – Hàn Quốc sẽ sớm hướng đến việc mỗi phụ nữ chỉ sinh một con. Một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội. Giáo hội Công giáo ở Hàn Quốc được mời gọi để tái khám phá gia đình như là một công cụ truyền giáo. Linh mục Choi Pio Sang Soon, giám đốc Trung tâm Gioan Phaolô II của Giáo phận về Hôn nhân và gia đình tại Daejeon đã phát biểu với AsiaNews về những vấn đề, thách thức cũng như các giải pháp khả thi đối với vấn đề mức sinh thấp ở Hàn Quốc.
Vào năm 2018, mỗi phụ nữ chỉ sinh không đến một đứa trẻ
Khoảng 357.000 đứa trẻ được sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 2017, thấp hơn 12% so với năm 2016 (406.200 đứa trẻ). Số liệu đối với những tháng đầu năm 2018 thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Từ tháng 1 đến tháng 4, đã có 117.300 ca sinh, giảm thêm 9,1%. Nếu xu hướng này tiếp tục, tổng tỷ lệ sinh sản trong năm nay sẽ thấp hơn một trẻ em trên mỗi phụ nữ. Đây chính là thực tế, chứ không phải lý thuyết.
Tổng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc là rất thấp kể từ năm 2001, nhưng hiện nay nó đã đạt đến mức thấp đáng lo ngại, ít hơn một đứa trẻ đối với mỗi phụ nữ. Vào năm 2016, Thống kê Hàn Quốc, văn phòng thống kê quốc gia của Hàn Quốc, dự báo rằng dân số sẽ bắt đầu giảm vào năm 2031, nhưng nếu xu hướng hiện tại được duy trì, điều này sẽ có thể bắt đầu vào đầu năm 2023.
Hàn Quốc sẽ hướng tới việc tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng về mặt dân số
Tỉ lệ sinh sản thấp không chỉ làm giảm sức sống tổng thể của một xã hội mà còn làm giảm năng suất, mức tiêu thụ và hoạt động kinh tế. Nó cũng làm gia tăng các chi phí xã hội. Sự suy giảm dân số dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, sự sụp đổ của thị trường trong nước và các loại thuế cao hơn. Đất nước chúng ta sẽ trở thành một quốc gia có mức tăng trưởng thấp kinh niên hoặc không tăng trưởng về mặt dân số.
Nếu như hiện nay, quy mô dân số không làm cho một quốc gia trở thành một cường quốc lớn, sự suy giảm của nó vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế tổng thể; trên hết, xét về mặt gánh nặng tài chính đối với vấn đề lương hưu và bảo hiểm y tế, mà trong tương lai sẽ trở nên nặng nề hơn đối với những người dân Hàn Quốc trẻ hơn.
Tỉ lệ sinh sản thấp đã tạo ra một sự mờ nhạt:
– Các trường học và các học viện – giống như những trường dạy Taekwondo và piano – đã giảm đáng kể số học sinh;
– Số lượng các cuộc hôn nhân ngày càng ít đã làm rung chuyển ngành kinh doanh cưới hỏi và đồng thời làm giảm số lượng hôn trường, từ con số 1.038 xuống chỉ còn 862;
– Số lượng các phòng khám dành cho các bà mẹ và trẻ em đã giảm 30,7% trong vòng 12 năm, từ con số 1,907 vào năm 2005 xuống còn 1,320 vào năm 2017;
– Thị trường sữa bột sụt giảm từ 500 tỷ won một năm (445 triệu USD) xuống còn 350 tỷ won (312 triệu USD).
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, khiến cho việc kết hôn và việc bắt đầu một gia đình trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, việc hỗ trợ tích cực cho các công nhân thời vụ và không chính thức còn thiếu sót. Những người phải làm công việc thời vụ tự hỏi mình “phải làm gì” khi hợp đồng của họ hết hạn. Họ cũng được trả lương thấp, thấp hơn 50% so với công việc thường xuyên hoặc chính thức. Vì lý do này, những người trẻ tuổi không thể kết hôn, không thể bắt đầu một gia đình, cũng như không thể nuôi dưỡng và giáo dục con cái của họ. Vì lý do lương thấp, những người trẻ tuổi ngày càng kết hôn trễ hơn. Vào năm 2017, tuổi kết hôn trung bình là 32,9 năm đối với nam và 30,2 tuổi đối với nữ. Vào năm 2010, con số này là 29,5 đối với nam và 26,8 đối với nữ.
Một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người, kể cả những người Công giáo
Tỉ lệ sinh thấp là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bao gồm cả cộng đồng Kitô hữu, thậm chí ngay cả khi khó có thể nhìn thấy cuộc khủng hoảng. Nhiều người nhận biết về tỷ lệ sinh cực kỳ thấp. Ngay cả người Công Giáo cũng nhận thức được điều này. Nhưng không phải ai cũng cảm nhận được tính nghiêm trọng thực sự của nó. Lý trí có thể nhận thức được điều này, nhưng trái tim thì không.
Theo số liệu của Giáo hội Công giáo, năm 2017, 11% dân số Hàn Quốc là người Công giáo. Những người trong nhóm tuổi từ 10-19 là 6,6%. Từ năm 2012, số lượng các tín hữu độ tuổi từ 30 đến 40 liên tục giảm sút. Mỗi năm, những người có độ tuổi trên 60 càng gia tăng. Đặc biệt, các tín hữu ở độ tuổi 65 hiện nay chiếm 18,4%; vào năm 2016, con số này đạt 17,4%.
Giáo hội Công giáo Hàn Quốc cũng đang già đi. Ngoại trừ những người độ tuổi từ 75 đến 79, số lượng các tín hữu ở tất cả các nhóm tuổi khác đã sụt giảm so với năm trước. Các cuộc hôn nhân trong Giáo hội cũng sụt giảm, các cuộc hôn nhân giữa những người Công giáo và các cuộc hôn nhân hỗn hợp. Trong năm 2008, 26.182 cặp vợ chồng đã cử hành Bit tích hôn phối tại nhà thờ. Vào năm 2017, chỉ có 15.842 cuộc hôn nhân được cử hành.
Chỉ có 5% người Hàn Quốc phản đối hôn nhân
Hơn một nửa số thanh niên Hàn Quốc muốn kết hôn, bằng chứng là cuộc khảo sát về tình trạng thanh thiếu niên do Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia Hàn Quốc công bố vào năm 2017. Chỉ có 5,3% các bạn trẻ nghĩ rằng họ không cần đến hôn nhân trong khi 4,3% nghĩ rằng họ không cần sinh con. Đối với con số khoảng 53,9%, hôn nhân là một nhiệm vụ, và đối với 40,7% khác đó chính là một sự lựa chọn. Về phần con cái, 54,1% trả lời rằng họ phải có con, trong khi 41,4% cho biết rằng họ có thể có hoặc có thể không cần có con.
Những câu trả lời tiêu cực về vấn đề hôn nhân và việc nuôi một đứa trẻ chỉ chiếm 4-5% tổng số. Tuy nhiên, sự sụt giảm các cuộc hôn nhân và tỉ lệ sinh là khá thực tế. Viện chính sách thanh niên quốc gia Hàn Quốc đã đặt câu hỏi vớinhững người trẻ tuổi về lý do tại sao họ lại do dự. Họ chia sẻ rằng việc kết hôn thì quả thực hết sức đắt đỏ, đặc biệt là khi nói đến vấn đề nhà ở: việc thuê một ngôi nhà hoặc một căn hộ quả là một vấn đề tốn kém. Nếu bao gồm cả số tiền để thuê một căn nhà, tổng chi phí cho một đám cưới trung bình vào khoảng 190.000 đôla. Nhà ở chiếm 70% tổng chi phí.
Vào năm 2017, chính phủ đã đưa ra một kế hoạch cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này, nhưng mọi thứ được thực hiện quả là không đủ. Chúng ta phải tạo công ăn việc làm cho những người trẻ tuổi và đồng thời giảm khoảng cách về tiền lương giữa những người lao động thời vụ và chính thức, và giữa phụ nữ và nam giới. Ở Hàn Quốc, phụ nữ kiếm được số tiền lương ít hơn nam giới 36,7%, con số thấp nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Chúng ta cần phải suy nghĩ về xã hội
Những lý do về mặt kinh tế không phải là yếu tố duy nhất đối với việc ngày càng có ít các cuộc hôn nhân và tỉ lệ sinh con ngày càng thấp hơn. Người ta cần phải suy nghĩ về “tính hình thức và phù phiếm trống rỗng” của văn hóa hôn nhân của Hàn Quốc. Quả thực hết sức cần thiết đối với việc cần phải suy nghĩ về bầu không khí xã hội chưa trưởng thành và giải phóng nó khỏi “xu hướng hướng tới chủ nghĩa duy vật”.
Xã hội chúng ta đã phát triển trở thành một cấu trúc xã hội, văn hóa và kinh tế, mà trong đó những người trẻ nhận thấy rằng quả là vô cùng khó khăn đối với việc kết hôn và nuôi nấng con cái. Xã hội bỏ qua phẩm giá con người, tận dụng con người như một công cụ cho những mục đích của nó, nhằm tích lũy thêm nhiều tiền của. Kết quả cuối cùng của tất cả những vấn đề này đó chính là tỉ lệ sinh sản thấp.
Giáo hội phải thông báo cho những người trẻ tuổi “những giáo huấn về tình yêu và cuộc sống của con người, cùng đồng hành với họ với sự dịu dàng và âu yếm, giúp họ thoát khỏi sự ích kỷ của bản thân cũng như những giá trị thế tục vốn từ chối hôn nhân, gia đình và sự sống”. Giáo hội nỗ lực thực hiện những công việc này thông qua một số chương trình chẳng hạn như ‘Choice’, nơi mà những người trẻ chưa lập gia đình có thể tìm thấy chính mình bằng cách nói chuyện với người khác, nhận ra tầm quan trọng của gia đình nơi mà họ thuộc về.
Một chương trình khác mang tên “Fiancés weekend”, dành cho các cặp đôi đã kết hôn hoặc đã đính hôn để tiến tới hôn nhân. Thông qua chương trình này, các cặp vợ chồng nhận ra rằng vợ/chồng của họ chính là một món quà từ Thiên Chúa và đồng thời tìm hiểu về tình yêu đích thực và tầm quan trọng của sự sống con người. Đó chính là thời gian của ân sủng, mà trong đó người ta có thể lắng nghe tiếng của Thiên Chúa, thoát khỏi tất cả mọi sự ồn ào khác. Một dự án khác đó chính là khóa học “Đám cưới tại Cana”, nhằm chuẩn bị cho các cặp đôi chuẩn bị tiến tới hôn nhân, truyền đạt những thông tin về cơ thể của họ bên cạnh những khái niệm về thần học.
Chính trị phải hướng đến “con người”
Năm 2005, các chính sách về nhân khẩu học đã được áp dụng nhằm gia tăng tỉ lệ sinh, mà không xem xét vị trí của người dân. Vì lý do này, chúng đã không giải quyết được vấn đề, vốn đã thực sự trở nên nghiêm trọng hơn.
Tháng 12 năm ngoái, chính phủ hiện tại đã thay đổi mô hình bằng cách thiết lập một ủy ban mới, được định hướng “hướng tới con người”. Trong bối cảnh này, vào ngày 5 tháng 7 năm 2018, chính quyền đã công bố một mục tiêu quan trọng: “Một quốc gia thịnh vượng mà trong đó hướng tới việc nuôi dạy trẻ em”. Việc thực hiện một mục tiêu như vậy với các chính sách cá nhân trong các lĩnh vực cụ thể là vô cùng khó khăn. Một chính sách toàn diện vốn bao trùm toàn bộ vòng đời là điều hết sức cần thiết.
Trên tất cả, chúng ta cần phải lưu tâm đến những người trẻ tuổi, công việc của phụ nữ, nhà ở, việc làm, việc chăm sóc y tế, hệ thống giáo dục và tôn trọng tất cả các ca sinh đẻ, đảm bảo việc điều trị bình đẳng đối với các bà mẹ độc thân. “Việc chăm sóc công cộng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em” nhấn mạnh rằng việc sinh con không nên là một sự hy sinh cá nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Giáo phận Daejeon: việc trang bị cho những người trẻ tuổi
Ủy ban Chăm sóc Mục vụ Gia đình của Giáo phận Daejeon bao gồm các chương trình đào tạo cho các gia đình.
Chẳng hạn như, sự kiện ‘Cuộc gặp gỡ hôn nhân toàn cầu’ (World-Wide Marriage Encounter – viết tắt WWME) được thiết kế nhằm giúp các cặp vợ chồng làm mới cũng như làm sâu sắc thêm tình yêu vốn liên kết họ lại với nhau, thông qua việc đối thoại. Bắt đầu vào năm 1958 bởi một linh mục người Tây Ban Nha, Cha Gabriel Calvo, WWME có thể được tìm thấy trên toàn thế giới. Ở Hàn Quốc, phong trào này bắt đầu vào năm 1984 tại Daejeon. Cho đến nay, 8.700 cặp đôi đã có được kinh nghiệm này.
Đối với Giáo phận, điều quan trọng đó chính là việc chuẩn bị cho những người cha. Nhiều người không biết vai trò của họ và đánh mất vị trí của mình trong gia đình. Chương trình này giúp cho các tham dự viên tái khám phá đặc tính của họ như là một người đàn ông và một người cha, và để hòa giải các mối quan hệ gia đình. Nó hướng dẫn về ơn gọi đích thực của một người cha, vốn xuất phát từ Chúa Cha của chúng ta.
Các bà mẹ cũng tham gia vào chương trình, họ học được cách thực hiện một vai trò khác trong gia đình. Họ được giúp để nhận ra đặc tính của họ, giải quyết các vấn đề gia đình, và đáp ứng ơn gọi thực sự của họ, vốn xuất phát từ Thiên Chúa.
Tông Huấn ‘Familiaris Consortio’ dạy các tín hữu cách thực hành huấn quyền của Giáo Hội trong cuộc sống hàng ngày, thông qua những ví dụ cụ thể. Nó được dựa trên các bản văn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (Người Đàn Ông và Phụ Nữ mà Thiên Chúa đã tạo dựng: Thần Học về Thân xác; Tông Huấn Familiaris Consortio) và dựa trên Tông Huấn Amoris Laetitia của ĐTC Phanxicô.
Phúc Âm Hóa Gia đình, nơi đầu tiên chào đón sự sống con người
Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đồng nghĩa với cuộc khủng hoảng của gia đình. Trong tất cả những vấn đề này, Giáo hội Hàn Quốc phải thừa nhận rằng gia đình Kitô giáo chính là một nhân tố của việc truyền giáo.
Việc truyền giáo đồng nghĩa với việc nhận ra món quà của Thiên Chúa giữa chúng ta, và món quà này đó chính là tự trao ban chính mình trong mối tương quan với những người khác. Một phương pháp Phúc Âm hóa hiệu quả không phải là một phương pháp áp chế hay thô lỗ; nó không phải là việc ép buộc, lên lớp hay phán xét. Nó phải bắt đầu bằng việc cùng đồng hành, phân định, và hội nhập.
Bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên chúng ta phải đem tình yêu của Thiên Chúa đến với tâm hồn của những người khác. Vì vậy, việc truyền giáo không phải là việc trao ban một điều gì đó cho người khác mà họ không có trước đây mà là giúp họ nhận biết “tôi là ai” và đồng thời nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong hành trình đời sống của mình. Điểm khởi đầu trước hết của tất cả những điều này đó chính là gia đình: nơi đầu tiên chào đón sự sống con người.
Minh Tuệ chuyển ngữ