Cuộc hành hương của Đức Hồng Y Filoni đến Thánh Địa là dấu chỉ của hòa bình và sự liên đới

Đức Hồng Y Fernando Filoni (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)

Đức Hồng Y Fernando Filoni (Ảnh: Daniel Ibáñez / CNA)

Đức Hồng Y Fernando Filoni, Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem, một dòng hiệp sĩ cổ xưa của Giáo hội Công giáo bắt nguồn từ Thánh địa, đã thực hiện một chuyến hành hương đến Thánh địa như một dấu chỉ hòa bình và đối thoại trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra.

“Golgotha ngày nay là ở Gaza”, một người qua đường nói khi Đức Hồng Y Filoni đi qua những con đường vắng vẻ ở Giêrusalem, dọc theo Via Dolorosa, trong chuyến Hành hương Hòa bình tới Thánh địa từ ngày 28 tháng 12 đến ngày 3 tháng 1.

Cùng đi với Đức Hồng Y Filoni có Đại sứ Leonardo Visconti di Modrone và François Vayne, lần lượt là Toàn quản trị và Giám đốc truyền thông của Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem.

“Phái đoàn nhỏ nghĩ rằng, vào thời điểm khó khăn khi chiến tranh dường như có lời nói quyết định, vào thời điểm khó khăn như vậy xét từ quan điểm nhân đạo và trong khi Thánh địa đã mất đi sức mạnh có được từ những người hành hương, thì sức mạnh của chúng ta là một cử chỉ nhằm mục đích hỗ trợ con người và xã hội, của sự liên đới trước nhiều đau khổ của cả người dân Israel lẫn Palestine”, Đức Hồng Y Filoni nói trong một cuộc phỏng vấn với CNEWA, Hiệp hội Phúc lợi Công giáo Cận Đông.

Đức Hồng Y Filoni giải thích rằng cuộc hành hương có một ý nghĩa “chính trị”, theo nghĩa là việc nối lại các cuộc hành hương đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình hiện đang thất nghiệp.

“Các cuộc hành hương cũng là một cử chỉ của sự liên đới quốc tế với các dân tộc sinh sống tại Thánh địa, cũng như là dấu chỉ của hòa bình, sự hòa hợp và tôn trọng đối với những nơi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và phải chịu vết nhơ của bạo lực”, Đức Hồng Y Filoni nói.

Cuộc hành hương, Đức Hồng Y Filoni tiếp tục, là “một hoạt động trong hòa bình và là một dấu chỉ để nói rằng chúng ta không chấp nhận chiến tranh như là giải pháp cuối cùng cho các vấn đề bởi vì các vấn đề phải được giải quyết thông qua công lý và, để làm được điều đó, cần phải ngồi vào bàn đàm phán, và các tôn giáo độc thần lớn vốn được truyền cảm hứng từ các nguyên tắc hòa bình có thể thúc đẩy, để các vấn đề có thể được giải quyết thông qua đối thoại giữa các bên liên quan”.

Đức Hồng Y Filoni, người cũng là nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc – hiện là Bộ Truyền giáo – và là nguyên Đại chưởng ấn của Đại học Giáo hoàng Urbaniana, cho biết các Kitô hữu có nhiệm vụ yêu cầu chính quyền tôn trọng nhân quyền và dân quyền đối với tất cả mọi người bởi vì nếu không có họ, đời sống chính trị không thể có tương lai ở Palestine hay Israel.

Đề cập đến vai trò của Giáo hội địa phương ở Thánh Địa trong việc thúc đẩy hòa bình, hiệp nhất và đối thoại, Đức Hồng Y Filoni nói rằng trong số các cộng đồng khác nhau của cùng một Giáo hội, chẳng hạn như các Giáo hội nghi lễ Latinh, Chính Thống, Melkite và Coptic, tất cả đều có vai trò trong đời sống của các Kitô hữu Palestine và đóng vai trò trong cuộc sống của người dân Palestine và Israel.

“Tôi nghĩ rằng Giáo hội, theo nghĩa rộng, và các Kitô hữu có vai trò điều hòa giữa thực tế của Israel và thực tế của Palestine: Họ có thể thúc đẩy một cuộc đối thoại vì họ không tuyên bố đất đai là một thực tế chính trị hoặc địa lý, mà chỉ đơn giản yêu cầu tôn trọng các quyền cơ bản của các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong lãnh thổ, dù là người Do Thái, Hồi giáo hay Kitô giáo”, Đức Hồng Y Filoni nói.

“Với tư cách là những người Kitô hữu, chúng tôi không có vai trò chính trị. Vai trò đó thuộc về các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, cũng như các lực lượng chính trị quốc tế”, Đức Hồng Y Filoni cho biết thêm. “Họ được mời gọi tìm kiếm giải pháp chung sống hòa bình”.

Đức Hồng Y Filoni, Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược do Hoa Kỳ lãnh đạo năm 2003, giải thích rằng hoàn cảnh sống của các Kitô hữu ở Iraq vào thời điểm đó và hoàn cảnh hiện tại của các Kitô hữu ở Gaza hoàn toàn khác.

“Các Kitô hữu ở Iraq cảm thấy rằng họ là công dân của đất nước họ. Một số nhà lãnh đạo thậm chí còn nói rằng họ là cộng đồng nguyên thủy thực sự của đất nước. Tại Thánh địa, điều cần thiết đối với tất cả các cộng đồng sinh sống ở đó – cả về mặt tôn giáo cũng như về mặt chính trị và xã hội – ngồi quanh bàn để thảo luận về cách thức giải quyết các vấn đề. Tôi thiết nghĩ các Kitô hữu chúng ta cần khuyến khích con đường đối thoại và thảo luận này để tôn trọng quyền lợi của mọi người”, Đức Hồng Y Filoni nhấn mạnh.

“Trong một khu vực thu nhỏ như Thánh địa, người ta không thể nghĩ rằng Gaza hay Israel có thể sống một mình. Gaza và Palestine có thể sống cùng với Israel, và Israel có thể sống cùng với họ, nhưng điều này đòi hỏi phải tôn trọng quyền của tất cả mọi người sống trên mảnh đất này vốn là mảnh đất của họ và vì lịch sử văn hóa của nó, mảnh đất này luôn là điểm đến của những người hành hương vì tính thiêng liêng mà nó tượng trưng cho nhiều người”, Đức Hồng Y Filoni tiếp tục.

“Ngay cả những người hành hương – dù là người Do Thái, Kitô giáo hay Hồi giáo – mặc dù họ không phải là công dân, vẫn có quyền thường xuyên đến đó, gặp gỡ và sống kinh nghiệm đức tin của họ ở đó”.

Trong chuyến hành hương, Đức Hồng Y Filoni đã gặp gỡ các Giám mục và Linh mục của Tòa Thượng phụ nghi lễ Latinh, cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Mộ Thánh, gặp gỡ cộng đoàn Phanxicô chịu trách nhiệm duy trì sự hiện diện Công giáo ở đó và thăm một Giáo xứ Kitô giáo Palestine ở Taybeh, Palestine.

Tại Giêrusalem, phái đoàn đã đến thăm Tu viện Dormition Benedictine và trò chuyện với Tu viện trưởng Nikodemus Schnabel về những khó khăn liên quan đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan trong cộng đồng Do Thái. Sau đó phái đoàn đã cầu nguyện với cộng đoàn Biển Đức tại nơi mà theo truyền thống, Đức Trinh Nữ Maria đã qua đời, được các Tông đồ vây quanh.

Cuộc hành hương bao gồm việc thăm viếng các gia đình đang vật lộn với các vấn đề xã hội nghiêm trọng liên quan đến việc thiếu việc làm.

“Chúng tôi không muốn bỏ lỡ sự tiếp xúc trực tiếp với thực tế đau khổ trong khu vực. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn gặp gỡ nhiều gia đình khác nhau đang phải chịu cảnh thiếu việc làm và những người cũng đang sống trong những điều kiện môi trường xã hội hết sức bấp bênh”, Đức Hồng Y Filoni nói.

“Tôi nghĩ rằng vào thời điểm đặc biệt này – bên cạnh những vấn đề cơ bản chính của sự chung sống giữa các cộng đồng – không nên thiếu sự tiếp xúc trực tiếp với các thực tế vi mô là gia đình và có thể bị lãng quên khi đối mặt với các vấn đề rộng hơn và phức tạp hơn”, Đức Hồng Y Filoni nhấn mạnh.

Với tư cách là Đại Thống lĩnh Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Giêrusalem mà các thành viên có nhiệm vụ hỗ trợ các dân tộc và Giáo hội ở Thánh địa, Đức Hồng Y Filoni khuyến khích các Kitô hữu tiếp tục ở lại quê hương của họ, Thánh địa.

“Trọng tâm của chúng tôi là sứ mệnh này không thay thế Giáo hội địa phương, Tòa Thượng Phụ nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, nhưng hợp tác hoàn toàn với Giáo hội này”, Đức Hồng Y Filoni nói. “Do đó, Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh không có nhiệm vụ trực tiếp, nhưng hỗ trợ nỗ lực của Giáo hội nghi lễ Latinh, để các Kitô hữu có thể tiếp tục ở lại Thánh địa và vùng đất này không trở thành địa điểm khảo cổ của đời sống và đức tin Kitô giáo”.

Thông qua sự đóng góp của các thành viên, các hiệp sĩ Dòng Mộ Thánh tại Giêrusalem “đóng góp thông qua sự liên đới về tài chính, tình cảm và con người để hỗ trợ các công trình giáo dục và xã hội của Tòa Thượng Phụ”, Đức Hồng Y Filoni lưu ý.

“Chuyến hành hương… cũng là một cách để mang lại sự giúp đỡ đáng kể mà các thành viên của chúng tôi đã sẵn sàng một cách quảng đại và tự phát trong tinh thần liên đới vì tình huống này mà Giáo hội cũng như người dân Palestine và Israel đang phải trải qua hiện nay”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết