Lusaka (Agenzia Fides) – Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Zambia (ZCCB), linh mục Cleophas Lungu cho biết rằng các Giám mục Công giáo đã “sẵn sàng hơn” để trở thành một phần của nhóm trọng yếu trong tiến trình đối thoại. Tuyên bố được đưa ra sau lời kêu gọi của Tổng thống Edgar Lungu đối với Giáo hội để tham gia vào việc chỉ đạo tiến trình “đối thoại quốc gia”.
Linh mục Lungu cũng cho biết rằng Giáo hội sẵn sàng tham gia cùng với tất cả các đảng phái chính trị trong cuộc đối thoại và đồng thời cung cấp những hướng dẫn về mặt tinh thần cho đất nước. Viên Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục đã nhắc lại sự sẵn sàng của các Giám mục để cùng cộng tác với bất kỳ tổ chức quốc tế nào như Khối Thịnh vượng chung trong việc thúc đẩy đối thoại quốc gia.
Cuộc đối thoại chính trị quốc gia nhằm làm giảm sự căng thẳng chính trị trong nước sau cuộc bầu cử tổng thống và cuộc tổng tuyển cử vào năm 2016. Khối thịnh vượng chung đã chỉ định Giáo sư Ibrahim Gambari, người gốc Nigeria, để bắt đầu tiến trình đối thoại giữa đảng cầm quyền, phe đối lập và các tổ chức xã hội dân sự.
Trong khi đó, tổ chức Caritas Zambia đã mời gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc đối thoại chính trị quốc gia đã được lên kế hoạch nhằm đảm bảo rằng tiến trình này bắt nguồn từ các giá trị Kitô giáo như công lý và hòa bình.
Trong một tuyên bố, giám đốc điều hành của tổ chức Caritas Zambia, ông Eugene Kabilika, nhấn mạnh rằng tiến trình đối thoại cần phải hết sức chân thành và toàn diện.
“Tiến trình hòa giải này cần phải được bắt nguồn từ các giá trị Kitô giáo về Chân lý, Lòng thương xót, Công lý và Hòa bình”, ông Kabilika nói.
Ông Kabilika cũng mời gọi tất cả mọi người dân Zambia cùng tham gia vào các hoạt động vốn sẽ giúp đưa Zambia trở lại với đường hướng đúng đắn, nơi mà vấn đề nhân quyền phải được tôn trọng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình phải được đề cao, đặc biệt là các nông dân nghèo phải được bảo vệ khỏi việc bị cưỡng bức di dời, tính toàn vẹn của công trình sáng tạo phải được tôn trọng và tất cả mọi người dân ở Zambia cũng phải được đối xử như vậy.
“Chỉ có việc đối thoại chân thành và toàn diện nhằm hướng đến tiến trình hòa giải quốc gia mới chính là một giải pháp lâu dài. Tiến trình hòa giải này cần phải được bắt nguồn vững chắc nơi các giá trị Kitô giáo về Chân lý, Lòng thương xót, Công lý và Hòa bình”, ông Kabilika kết luận (L.M.) (Agenzia Fides, 29/5/2018)
Minh Tuệ chuyển ngữ