
Linh mục Dòng Phanxicô Neville Fernando đến từ Negombo, Sri Lanka, phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 21 tháng 11 tại Washington cùng với Đức Ông Romeo Saniel, Đại diện Tông Tòa Jolo, Philippines. Cha Fernando là một trong những người phản ứng đầu tiên đến hiện trường vụ đánh bom hôm Chúa nhật Phục sinh tại Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo (Ảnh: Bob Roller/ CNS)
Bất chấp chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng gia tăng, hai vị Linh mục Thừa sai tại Đông Nam Á tin rằng cuộc đàn áp chống Kitô giáo “đã giúp củng cố vai trò tiên tri của Giáo hội”.
“Chúng tôi thực hiện vai trò của mình với tư cách là những tiên tri trong thời đại của chúng ta” trong việc lên tiếng chống lại sự ngược đãi chống lại các Kitô hữu, theo Đức Ông Romeo Saniel, người phục vụ với tư cách là Đại diện Tông Tòa Jolo tại Philippines và đã tham gia vào một số cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Philippines và các phe phái Hồi giáo.
Đức Ông Saniel và Linh mục Neville Fernando đến từ Sri Lanka, gần đây đã trò chuyện với Crux về các mối đe dọa mà các Kitô hữu phải đối mặt ở đất nước của họ – nhưng cũng chính là lý do tại sao họ tin rằng Giáo hội Công giáo đang giúp dẫn đường trong việc xây dựng hòa bình và đối thoại liên tôn.
Cả hai đều hiện đang có mặt tại New York để tham dự hội nghị với chủ đề: “Lắng nghe các nạn nhân sống sót liên quan đến Tự do tôn giáo: Lời kêu gọi đối với Tự do tôn giáo” tại Liên Hợp Quốc và được tài trợ bởi tổ chức từ thiện Giáo hoàng màn tên Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ.
Đối với Linh mục Fernando, những thách thức của việc chống lại những kẻ cực đoan đã được củng cố và thắt chặt trong năm nay vào Chúa nhật Phục sinh khi ngài là một trong những người đầu tiên phản ứng trước các vụ tấn công tàn bạo trên khắp Sri Lanka nhắm vào các Kitô hữu và làm thiệt mạng hơn 300 người và đồng thời làm bị thương khoảng 500 người khác.
Linh mục Fernando, một người thuộc Tỉnh Dòng Phanxicô trước đây, đang đứng bên ngoài Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo khi ngài nhìn thấy một người đàn ông mang theo những thứ mà ngài mô tả với một người bạn lúc đó như là “một chiếc túi nặng”.
Khoảnh khắc sau khi chứng kiến người đàn ông bước vào nhà thờ, Linh mục Fernando đã nghe thấy tiếng nổ khủng khiếp. Ngài nhớ lại việc vội vã bước vào nhà thờ và chứng kiến cảnh máu me khắp mọi nơi. Khi các nạn nhân chạy ra bên ngoài, nhiều người đã chộp lấy ngài để xin được giúp đỡ, khiến khắp người của ngài cũng đầy máu.
Sau đó, Linh mục Fernando đã bày tỏ sự lo sợ rằng đất nước – vốn đã được hưởng hòa bình tương đối kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2009 – sẽ nổ ra tình trạng bạo lực lan rộng giữa các phe phái tôn giáo.
Tuy nhiên, Linh mục Fernando cho biết rằng các giám mục Công giáo trong nước đã đoàn kết chung tay với nhau với nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Linh mục Fernando đã chia sẻ với Crux rằng, “chúng tôi đã đến từng nhà để kêu gọi tất cả mọi người không làm tổn hại đến bất kỳ anh chị em Hồi giáo nào. ‘Họ chính là anh chị em của chúng ta’, chúng tôi nói”, đồng thời cũng lưu ý rằng họ nhấn mạnh rằng những kẻ cực đoan Hồi giáo không nên làm tổn hại đến toàn bộ tôn giáo.
Tuy nhiên, thậm chí ngay cả với một sự trung vào tinh thần tha thứ, linh mục Fernando cho biết rằng các giám mục của đất nước, do Đức Hồng y Malcolm Ranjith người Sri Lanka đứng đầu, đã kêu gọi việc thúc đẩy “công lý và sự thật”, và lời giải thích cho lý do tại sao một số quan chức chính phủ lại bỏ qua những cảnh báo về các vụ tấn công có thể xảy ra.
“Chúng tôi không chống lại các chính trị gia”, linh mục Fernando nói. “Nhưng chúng tôi mong muốn sự thật”.
Việc tìm kiếm sự thật như là một phần cần thiết của việc xây dựng hòa bình cũng đã trở thành một điều mà Đức Ông Saniel đã thúc đẩy tại Philippines, nơi mà ngài, với tư cách là một nhân vật trung gian đối thoại quan trọng giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo Công giáo và Hồi giáo.
Mặc dù phần lớn áp đảo dân số trong nước đều là người Công giáo, Địa phận của Đức Ông Saniel, nằm trong một khu vực nơi mà các Kitô hữu chỉ chiếm 3% dân số.
Trong suốt 34 năm trong đời sống linh mục, Đức Ông Saniel cho biết rằng ngài tiếp tục được thúc đẩy bởi hai điều đã đưa ngài đến với chức Tư tế cách đây gần bốn thập kỷ trước: Tình yêu dành cho Giáo hội và việc phục vụ người nghèo.
Đầu năm nay, vào ngày 27 tháng 1, các chiến binh thánh chiến đã đặt bom Nhà thờ Đức Mẹ Núi Cát Minh ở Jolo, khiến 22 người chết và hơn 100 người khác bị thương. Kể từ đó, Đức Ông Saniel đã chịu trách nhiệm giúp chữa lành cộng đồng Kitô giáo – cũng như tiếp cận với cộng đồng Hồi giáo, vốn đã bị các phần tử cực đoan Wahhabi nhắm đến, những người mà cho biết là “không chỉ tấn công các Kitô hữu mà cả những người Hồi giáo ôn hòa từ chối không chịu tham gia cùng với họ”.
Sau những vụ tấn công đó, Đức Ông Saniel đã hội kiến ĐTC Phanxicô tại Rome, nơi mà Đức Thánh Cha đã giao phó cho ngài với trọng trách “đoàn kết mọi người chứ không phải gây ra sự chia rẽ”, và đồng thời không cho phép các vụ tấn công can thiệp vào các mối quan hệ tốt đẹp mà phần lớn các tín hữu Công giáo và các tín đồ Hồi giáo đang được thừa hưởng.
Đức Ông Saniel cho biết rằng ngài đã phản ánh hình ảnh Chúa Kitô trên thập giá, vốn đã kêu gọi sự tha thứ cho “những kẻ không biết việc họ đã làm”.
Trước đó, trong sứ vụ linh mục của mình, hai người Hồi giáo đã tiếp cận đến gần Đức Ông Saniel khi Ngài đang cử hành Thánh lễ. Họ kê súng lên đầu của ngài nhưng khi họ bóp cò, súng bị kẹt và họ bỏ chạy trong sợ hãi.
“Thiên Chúa đã cứu tôi”, Đức Ông Saniel đã chia sẻ về kinh nghiệm đó, vốn đã khiến ngài nhận ra rằng ngài có một ơn gọi “để dấn thân vào cuộc đối thoại liên tôn và giúp đỡ những anh chị em người Hồi giáo trẻ nói riêng”. Đức Ông Saniel cũng cho biết thêm rằng “những người mà bạn phục vụ có thể là những kẻ muốn giết bạn”.
Trước những mối đe dọa này đối với cuộc sống bản thân – cũng như cuộc sống của các Kitô hữu khác – Đức Ông Saniel cho biết ngài tin rằng thông điệp của Giáo hội rằng tất cả giá trị cuộc sống là thứ có thể hỗ trợ cho cuộc đối thoại liên tôn đối với tất cả mọi người có thiện chí.
“Có lẽ đây chính là thời gian của sự thanh luyện và là thời gian để Giáo hội thi hành tiếng nói tiên tri của mình xét về mặt bảo vệ sự sống, quyền con người và phẩm giá con người”, Đức Ông Saniel phát biểu với Crux.
Linh mục Fernando hoàn toàn đồng ý rằng kể từ sau vụ tấn công vào dịp lễ Phục sinh vừa qua, “đức tin đã được gia tăng và các nhà thờ luôn chật kín người”.
Ở cả Philippines và Sri Lanka, cả Đức Ông Saniel và Linh mục Neville Fernando đều tin rằng việc xây dựng hòa bình và hòa giải là điều vô cùng cần thiết – và họ tìm thấy ví dụ hoàn hảo khi làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến thế gian và sống giữa những anh chị em xung quanh thuộc mọi hoàn cảnh và sự khác biệt, nhưng vẫn hướng tới sự hợp tác.
“Tinh thần huynh đệ và tình bằng hữu là điều bắt buộc”, Linh mục Fernando nói, trong khi cũng cho biết thêm rằng “sự khác biệt cũng tốt đẹp biết bao”.
Minh Tuệ (theo Crux)