YAOUNDÈ, Cameroon – Khảo sát làn sóng đàn áp chống Kitô giáo đang gia tăng trên khắp Châu Phi, một chuyên gia cho biết rằng đó là một nỗ lực nhằm kiềm chế sự phát triển phi thường của Kitô giáo trên lục địa – một nỗ lực chắc chắn sẽ thất bại, ông nói.
“Sẽ thật ngây thơ khi cho rằng sự phát triển của Cơ đốc giáo ở Châu Phi đã không dẫn đến nỗ lực gia tăng – bởi các nhóm thánh chiến cũng như các chính phủ độc tài – để làm chậm lại hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển này”, John Pontifex, Trưởng phòng Báo chí và Thông tin của tổ chức từ thiện Giáo hoàng mang tên Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN), cho biết.
Tuy nhiên, ông Pontifex tin chắc rằng những nỗ lực đó sẽ chỉ củng cố quyết tâm của các Kitô hữu.
“Cuộc đàn áp giúp gia tăng chất lượng và số lượng Kitô hữu ở bất cứ đâu, giống như vàng được tôi luyện trong lửa”, ông Pontifex nói.
Ông Pontifex đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự tử vì đạo và sự phát triển.
“Châu Phi là lục địa có số lượng tử đạo lớn nhất, với 4 Linh mục bị giết hại chỉ riêng ở Nigeria, 2 Linh mục ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), cũng như một Nữ tu”, ACN cho biết trong một báo cáo vào ngày 3 tháng Hai.
Châu Phi cũng là lục địa được dự báo sẽ có sự phát triển nhanh nhất về số lượng Kitô hữu trong vài thập kỷ tới.
Theo PEW Research, dân số Kitô giáo trên thế giới dự kiến sẽ tăng từ 2,2 tỷ người vào năm 2010 lên 2,9 tỷ người vào năm 2050. Dân số Kitô giáo của Châu Phi cận Sahara sẽ tăng hơn gấp đôi, tăng từ khoảng nửa tỷ người vào năm 2010 lên hơn một tỷ người vào năm 2050.
Sau đây là những đoạn trích từ cuộc phỏng vấn của Crux với ông John Pontifex:
Ông có muốn nói rằng có một sự liên quan giữa sự phát triển của Kitô giáo ở Châu Phi và sự tử vì đạo không?
Chắc chắn. Châu Phi thường được cho là có mức tăng trưởng dân số lớn nhất và số lượng Kitô hữu tăng nhiều nhất ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Đồng thời, dữ liệu của ACN cho thấy rằng các khu vực của Châu Phi, chẳng hạn như Nigeria, đã chứng kiến nhiều Kitô hữu bị giết hại vào năm 2022 hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Một ước tính mà chúng tôi đã đối chiếu chỉ ra rằng hơn 7.600 Kitô hữu đã bị giết hại chỉ trong 18 tháng ở Nigeria, điểm nóng của cuộc đàn áp Kitô giáo ở Châu Phi. Ngoài ra, một thống kê của tổ chức Open Doors gần đây cho thấy rằng 89% tất cả các Kitô hữu bị giết hại vì đức tin của họ vào năm 2022 đã bị giết hại chỉ riêng ở Nigeria.
Sẽ thật ngây thơ khi cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của Kitô giáo ở Châu Phi đã không dẫn đến một nỗ lực gia tăng – bởi các nhóm thánh chiến cũng như các chính phủ độc tài – để làm chậm lại hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển này, đặc biệt là khi thành quả của Giáo hội được thể hiện rõ ràng ở xã hội Châu Phi.
Ông nghĩ tại sao các Linh mục và Tu sĩ đang bị tàn sát ở Châu Phi?
Một số yếu tố chính yếu dẫn đến việc các nhóm khủng bố tập trung tấn công vào các Linh mục và Tu sĩ. Một yếu tố đó là họ là những người lãnh đạo cộng đồng của họ, vì vậy các phong trào Hồi giáo mong muốn thành lập một ‘caliphate’ ở Châu Phi có thể coi việc tiêu diệt các nhà lãnh đạo của kẻ thù Kitô giáo của họ như một hình thức ‘rút gọn’ để giải tán hoặc cải đạo cả nhóm.
Yếu tố thứ hai là các Linh mục và Tu sĩ thường đóng vai trò là tâm điểm hoặc nguồn chỉ trích công khai đối với mối đe dọa khủng bố đang gia tăng. Đức Giám mục Jude Arogundade, người gần đây đã đến thăm Lodon để bày tỏ mối quan ngại của mình về việc người Hồi giáo dự kiến sẽ tiếp quản Nigeria, đưa ra một ví dụ điển hình về điều này. Đương nhiên, các nhóm bị chỉ trích – đáng chú ý là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tỉnh Tây Phi (ISWAP) và Boko Haram – nhằm mục đích bịt miệng những người chỉ trích lớn tiếng như vậy thông qua việc ám sát hoặc bắt cóc.
Cuối cùng, do tầm quan trọng của họ đối với các cộng đồng Kitô giáo trên khắp Châu Phi, cả về sự giúp đỡ tinh thần mà họ cung cấp lẫn sự hỗ trợ vật chất do Giáo hội và các tổ chức như ACN cung cấp thường xuyên ở các vùng nông thôn xa xôi, các Linh mục và Tu sĩ là mục tiêu bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. ISWAP và Boko Haram tin rằng Giáo hội hoặc các cộng đồng địa phương sẽ phải trả giá cao hơn để giải cứu các Linh mục hoặc Tu sĩ khỏi bị giam cầm so với các Kitô hữu khác, dẫn đến việc họ tiếp tục bị bắt cóc và có thể bị hành quyết.
Trước sự bách hại, các Kitô hữu nên dựa vào đâu để tìm kiếm sức mạnh, hay đúng hơn là họ nên vì mạng sống của mình mà tuân theo những đòi hỏi của những kẻ bắt bớ họ?
Tuân thủ yêu cầu của những kẻ bắt bớ họ có xu hướng vừa làm suy yếu quyết tâm của các cộng đồng Kitô giáo trong việc đứng lên chống lại kẻ gây hấn vừa khuyến khích kẻ gây hấn lặp lại điều mà họ cho là chiến lược thành công của sự thống trị thế gian.
Niềm hy vọng và sự cứu rỗi tối hậu của chúng ta không được tìm thấy nơi thế gian này, nhưng nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta trên Thập giá, chính là để chúng ta chiến thắng tội lỗi, sự chết và nỗi kinh hoàng, biểu tượng của các nhóm khủng bố Hồi giáo đang càn quét khắp Châu Phi. Đức Giêsu đã hứa với chúng ta rằng, với Ngài, không có kẻ thù nào mà chúng ta không thể vượt qua và Ngài sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận thế.
Tôi không rao giảng cho các Kitô hữu ở Châu Phi bằng cách nói những lời này: Thay vào đó, họ dạy tôi nguyên tắc này bằng chính mẫu gương cuộc sống của họ. Margaret, một bà mẹ của bốn người con bị mất cả hai chân và bị mù một mắt trong vụ thảm sát vào Chúa Nhật Lễ Ngũ Tuần năm ngoái ở Bang Ondo, Nigeria, đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc khi chị nói: “Tôi biết mình sẽ không thể sống bình yên như trước đây, nhưng tôi tạ ơn Chúa tôi vẫn còn sống. Tôi có rất nhiều lý do để tạ ơn Chúa”. Thiên Chúa chính là nguồn sức mạnh của các Kitô hữu Châu Phi, và Ngài phải là nguồn sức mạnh của chúng ta.
Theo ông, cuộc bách hại gây ra điều gì cho Giáo hội: nó hạn chế tầm ảnh hưởng hay củng cố Giáo hội và đức tin của các Kitô hữu?
Cuộc bách hại thử thách đức tin của Giáo Hội. Nó cũng thử thách tình yêu, niềm hy vọng và lòng can đảm của chúng ta. Nó thử thách sự bền chí kiên trì của chúng ta trong chân lý.
Dĩ nhiên, ở cấp độ cá nhân, cách một Kitô hữu phản ứng trước sự bắt bớ có thể rất khác với cách các Kitô hữu khác phản ứng. Nhưng trong nhiều trường hợp, sự bắt bớ giúp gia tăng chất lượng và số lượng các Kitô hữu bất kể họ ở đâu, giống như vàng được tôi luyện trong lửa.
Một ví dụ thời hiện đại là Chủng sinh Michael Nnadi, 18 tuổi, người Nigeria, bị giết hại cách đây vài năm bởi những kẻ khủng bố Hồi giáo, người đã khuyến khích chúng ta, những người còn sống trên thế giới, hãy kiên trì làm chứng cho chân lý của Tin Mừng.
Các Kitô hữu, bao gồm cả các Chủng sinh đang gia tăng số lượng ở Châu Phi với tốc độ đáng kinh ngạc, được truyền cảm hứng từ các vị tử đạo xuất phát từ cộng đồng, quốc gia và lục địa của họ. Điều này thắp lên ngọn lửa Tin Mừng ở Châu Phi và biến Tin Mừng trở thành ngọn lửa của ánh sáng và hơi ấm, thay vì dập tắt nó. Mặc dù chúng ta không tìm kiếm sự ngược đãi, nhưng khi nó xuất hiện, chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với nó.
Minh Tuệ (theo Crux)