
Mọi người cầu nguyện trong Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Inhaxiô ở Thượng Hải ngày 16 tháng 12 năm 2017 (Ảnh: CNS / Zhong Yang, Reuters)
Một báo cáo mới của chính phủ Hoa Kỳ cho biết rằng việc lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ trong năm ngoái, và đặc biệt nhấn mạnh cuộc đàn áp đang ngày càng leo thang đối với các tín hữu Công giáo Trung Quốc sau thỏa thuận Vatican-Trung Quốc vào năm 2018.
“Trong báo cáo năm 2019, Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) đã phát hiện ra rằng tình hình nhân quyền đã ngày càng trở nên xấu đi và pháp quyền tiếp tục bị suy đồi, khi chính phủ và Đảng cộng sản Trung Quốc đang ngày càng sử dụng các quy định và luật pháp để khẳng định sự kiểm soát về mặt chính trị và xã hội”, theo báo cáo hàng năm của ủy ban, phát hành hôm thứ Tư.
Báo cáo cho biết, “Sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ký thỏa thuận với Tòa thánh vào tháng 9 năm 2018, mở đường cho việc thống nhất các cộng đồng Công giáo hầm trú và cộng đồng chính thức được nhà nước phê chuẩn, chính quyền địa phương Trung Quốc đã buộc các tín đồ Công giáo ở Trung Quốc phải chịu sự gia tăng đàn áp bằng cách phá hủy các nhà thờ , dỡ bỏ Thánh giá, và tiếp tục giam giữ các giáo sĩ thuộc cộng đồng hầm trú”.
Khung thời gian của báo cáo về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc kể từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019. Ủy ban được thành lập bởi Quốc hội vào năm 2000, khi Trung Quốc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, để báo cáo về vấn đề nhân quyền ở nước này và để duy trì một cơ sở dữ liệu về các tù nhân chính trị.
Báo cáo hôm thứ Tư ghi nhận sự gia tăng của các trại giam giữ hàng loạt ở tỉnh Tân Cương miền tây đất nước, cuộc đàn áp tàn bạo đối với các Kitô hữu, các tín đồ Hồi giáo và các nhà thờ hoặc các nhóm tôn giáo không đăng ký khác, cũng như cuộc đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Kế hoạch “Hán hóa” 5 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang được tiến hành nhằm thiết lập sự kiểm soát của nhà nước đối với tôn giáo. “Các học giả và các nhóm nhân quyền quốc tế đã mô tả cuộc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc trong năm qua là một cường độ chưa từng thấy kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa”, báo cáo cho biết.
Và Trung Quốc được cho là đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nhóm và các sự kiện tôn giáo vào năm 2020.
Những hạn chế mới được thiết lập để thi hành vào tháng 2 bao gồm các nhiệm vụ mà các nhóm tôn giáo “phải tuân thủ các chỉ thị về tôn giáo ở Trung Quốc, thực hiện các giá trị của chủ nghĩa xã hội”, và thúc đẩy “các nguyên tắc và chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Một điều khoản khác “yêu cầu các cơ quan chính quyền phải tham gia vào việc lựa chọn các quan chức tôn giáo và tham gia vào các cuộc tranh chấp”. các Nhà thờ hầm trú hay các nhà thờ “tại gia” đều là vi phạm pháp luật.
Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các Giám mục nhằm mục đích mang lại sự hợp nhất của Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc do nhà nước phê chuẩn và Giáo hội hầm trú hiệp thông với Rome. Thay vào đó, cuộc đàn áp cộng đồng hầm trú vẫn tiếp tục và, theo một số người, đang ngày càng gia tăng.
Con số các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc ước tính là hơn 10 triệu, báo cáo cho biết, với số liệu thống kê chính thức cho biết rằng 6 triệu người Công giáo là thành viên của Giáo hội do nhà nước phê chuẩn. “Các quan sát viên và các tín hữu Công giáo bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận này không hỗ trợ đầy đủ cho cộng đồng Công giáo Trung Quốc, với một học giả chỉ ra rằng chính sách đàn áp của chính quyền đối với cả cộng đồng Công giáo hầm trú và cộng đồng Công giáo chính thức đã thực sự gia tăng trong năm qua theo chiến dịch ‘Hán hóa’”, báo cáo cho biết.
“Vào mùa xuân năm 2019, chính quyền đã bắt giữ ba linh mục thuộc cộng đồng hầm trú của Giáo phận Tuyên Hóa ở tỉnh Hà Bắc”.
“Chính quyền địa phương Trung Quốc đã buộc các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc phải chịu sự gia tăng đàn áp bằng cách phá hủy các nhà thờ, gỡ bỏ Thánh giá và việc tiếp tục giam giữ các giáo sĩ hầm trú”, báo cáo cho biết.
Một trong những khuyến nghị của báo cáo đối với Quốc hội là để các thành viên ủng hộ “quyền của các tín hữu Công giáo để được lãnh đạo bởi các giáo sĩ được chọn và những người thi hành sứ vụ của họ theo tiêu chuẩn được kêu gọi bởi tín ngưỡng tôn giáo Công giáo”.
Cách hành xử của chính phủ Trung Quốc đối với các cộng đồng tôn giáo khác cũng được nhấn mạnh trong báo cáo.
Tại Khu tự trị Tân Cương ở miền tây xa xôi của nước này, “Ủy ban tin rằng chính quyền Trung Quốc có thể gây ra những tội ác chống lại loài người, chống lại những người Ngô Duy Nhĩ và những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ khác”, với ước tính khoảng “1 triệu hoặc nhiều hơn những người Hồi giáo Ngô Duy Nhĩ” bị giam giữ trong các trại giam và các báo cáo về tình trạng lao động cưỡng bức trong các trại tập trung.
“Nhân viên an ninh tại các trại giam giữ buộc các tù nhân phải chịu sự tra tấn, bao gồm cả việc chịu các hình phạt đối với những hành vi được coi là mang tính tôn giáo; cưỡng bức lao động; sự ngột ngạt đông đúc; thiếu lương thực; và bị nhồi sọ các tư tưởng chính trị”, báo cáo cho biết. Do tình trạng quá tải trong các trịa giam giữ, một số tù nhân đã bị chuyển đến các trại giam ở những nơi khác ở Trung Quốc; “một số người khác được cho là đã chết trong các trại giam giữ vì những điều kiện tồi tệ, sự bỏ bê về y tế hoặc các lý do khác”.
Đã có những báo cáo “về việc sử dụng các cú sốc điện và xiềng xích người dân ở những vị trí đau đớn”, trong các trại giam giữ.
Ở những nơi khác trong khu vực, các nhà chức trách đã thiết lập “một hệ thống giám sát công nghệ cao và phổ biến”, với các camera nhận dạng khuôn mặt và giám sát điện thoại di động, cũng như thu thập dữ liệu sinh trắc học của các thành viên thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số.
Trong khi những người Hồi giáo phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động tôn giáo trong khu vực, các biện pháp “chống khủng bố” có chủ đích của chính phủ có thể được sử dụng ở những nơi khác trong Khu tự trị Hồi Ninh Hạ (Ninh Hạ), nơi có nhiều người Hồi giáo dân tộc Hồi cư trú, báo cáo lưu ý.
Cả Hạ viện và Thượng viện đều đã thông qua luật, Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, nhằm cung cấp thêm báo cáo cho chính phủ liên bang về các vụ vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương và chuyển giao công nghệ nhằm cho phép việc giám sát hàng loạt.
Hai dự luật phải được điều hòa trước cuộc bỏ phiếu cuối cùng để gửi dự luật tới bàn làm việc của Tổng thống, mà các thành viên của ủy ban đã hứa hẹn sẽ xảy ra vào năm 2020.
Minh Tuệ (theo Angelus)