Cuộc chiến đấu nội tâm

  • Xã hội
  • Thứ Sáu, 03-02-2017 | 12:11:21

Chưa bao giờ trong lòng tôi lại diễn ra một cuộc chiến dữ dội như lúc này – lúc mà đất nước tôi, một dải đất dài từ Nam chí Bắc đang rên siết, quặn đau. Tôi vẫn nghĩ là mình yêu quê hương, dân tộc, nhưng chưa bao giờ tôi hình dung rằng tình yêu ấy có thể làm tôi trào nước mắt – khi mà đất nước hình chữ “S” thân thương của tôi đang bị bóp đến ngạt thở, và giống nòi Việt Nam đang đứng trên bờ vực của sự diệt vong. 


EY7VbD9
Tôi cường điệu quá chăng? Ai có thể biện hộ giùm tôi trước những sự kiện này: phía Nam, dòng Mê-kông đang bị bức tử, đồng bằng sông Cửu Long bị cháy khô; phía Bắc, bờ cõi bị lấn chiếm, Ải Nam Quan không còn; phía Tây là mối hoạ từ quặng bô-xít; phía Biển Đông, ngoài khơi thì giặc cướp phá, chiếm biển đảo, trong thì biển đã chết do sự đầu độc của “con ác thú” Formosa và sự thông đồng, bao che của những kẻ nắm giữ quyền lực bán nước hại dân. Sông ngòi cũng chung cảnh ngộ. Người dân bị tước kế sinh nhai, rơi vào đói khổ, cô đơn trơ trọi trong tiếng kêu oán thán như “con cuốc giữa trời” (1). 

Ăn gì, uống gì, thở bằng gì đây, khi tất cả đều bị đầu độc? Từ ngọn cỏ, cọng rau, miếng thịt, ngụm nước, bầu trời, và bây giờ đến hạt muối, miếng mắm cũng bị đầu độc nốt! Nhưng ghê gớm nhất và là đầu mối của mọi sự dữ: đó là lòng người, là nhân tâm đã và đang bị sự ác chiếm lĩnh và thống trị.

Tâm hồn tôi như rơi vào tăm tối, hoang mang. Cảm thấy bế tắc và bất lực. Trước mắt tôi, thế gian như đang đắm chìm trong Mầu Nhiệm Ác Tà (2). Mà đã là “mầu nhiệm” thì làm sao tôi hiểu được???

“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (3).

Làm sao để tôi có được quà tặng “bình an” ấy? Và làm sao tôi có được niềm vui, không phải thứ niềm vui chóng qua của thế gian, mà là “niềm vui” Chúa đã hứa: “niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (4), khi mà nhìn đâu, tôi cũng thấy toàn những tan tác, thương đau?

Tôi đang đối diện với sự thách đố của Đức Tin, của lòng tín thác và trông cậy để có được một sự bình an và niềm vui sâu thẳm tận đáy tâm hồn.

Tôi đối mặt một cách bất lực trước “cánh cửa lòng” ráo hoảnh, cứng đơ, căng nóng bấn loạn với những suy xét của lý trí trước những sự kiện dồn dập của xã hội – mà lương tri và đức tin mách bảo tôi rằng, nếu tôi đủ sức đánh bật cánh cửa ấy, Lòng Thương Xót của Chúa sẽ tuôn đổ vào lòng tôi.

Tôi thèm một cuộc “lội ngược” vào nội tâm sâu thẳm, một cuộc “vào sa mạc” hay “lên núi Chúa”, để nơi đó, một mình tôi sẽ đối diện với Lòng Thương Xót của Người. 

Mà Lòng Chúa Thương Xót là gì nhỉ? Nếu Lòng Chúa Thương Xót là ánh mắt của Chúa Giê-su nhìn Phê-rô khi chối Chúa, nhìn người phụ nữ Sa-ma-ri – a (5) – ánh mắt có quyền năng chữa lành và hoán cải, ánh mắt tưới gội yêu thương và bình an sâu thẳm vào lòng người, lòng đời – thì quả thật, tôi đang cần ánh mắt ấy. Mà tôi không chỉ cần ánh mắt ấy, tôi cần cả Lời Ngài, Lời công bố Sự Thật Toàn Vẹn về Thiên Chúa và con người. Tôi cần cả cuộc hiến tế của Ngài trên cây Thập Tự để chuộc tội cho tôi. Ngài – Chúa Giê-su Ki-tô – chính là dung mạo chân thật nhất về Lòng Thương Xót của Đấng Tạo Hoá. 

Phải, tôi cần lắm Lòng Chúa Thương Xót, bởi chính tôi đây, tôi đang đối diện với một “thằng tôi” đầy giận dữ và cuồng nộ, một “thằng tôi” muốn đấm tung mọi thứ và sẵn sàng làm điều gian ác, một “thằng tôi” vô cảm và trơ đá, sau cùng là một “thằng tôi” thất thểu trong vô vọng và gục ngã. 

Xã hội này, xã hội Việt Nam của tôi, một xã hội đang làm tôi đớn đau rơi nước mắt – hình như là một sự xâu kết những “thằng tôi” như tôi. Vậy xã hội này cũng cần lắm Lòng Thương Xót của Chúa? Bất luận kẻ tin hay người không tin. 

Phải chăng, đây là thời khắc thách thức tôi – một Ki-tô hữu – tuyên xưng Lòng Chúa Thương Xót, và chuyển tải ân huệ tuyệt vời ấy cho tha nhân? 

Nhưng làm sao tôi có thể làm được điều đó, nếu bản thân tôi không cảm nhận được mình đang được dìm, đang được tắm gội trong ân huệ ấy? Bởi không thể cho những gì mình không có. 

Nếu tôi cứ như Giu-đa, cứ lầm lũi đi chết mà không chịu ngước nhìn lên ánh mắt Chúa – ánh mắt tràn đầy Lòng Thương Xót đang đợi chờ tội nhân ngước lên – để nhận ra lầm lỗi, để làm một cuộc “trở về”, một cuộc hoán cải, thì Lòng Thương Xót ấy không thể chảy vào lòng tôi. 

Và giả như tôi làm được điều ấy, thì tôi có thể làm gì để đánh thức lương tâm nhân loại – một nhân loại đang chìm đắm trong sự ác ở khắp mọi nơi – để Lòng Thương Xót tưới gội lên hết thảy kẻ lành, người dữ? Tôi có đủ can đảm để tố cáo sự ác – một hành động được xem là bao hàm trong đức mến (6) – hay tôi yếu hèn trước cường quyền và bạo lực, thu mình lại trong sự an toàn? 

Tôi không dám tố cáo, tôi cũng không dám làm những việc tốt lành. Tôi suy gẫm về quá khứ: Ngày xưa, nhà thờ, nhà trường và nhà thương, “ba nhà” luôn gắn kết với nhau, vững vàng như thế chân kiềng – tâm linh, trí tuệ và thể lực – giúp xã hội phát triển lành mạnh, bền vững. “Ba nhà” ấy bây giờ tan tát, chỉ còn một. 

Ngày nay, xã hội Việt Nam khủng hoảng niềm tin, ở đâu cũng toàn sự độc hại và dối trá, giống nòi bị đe doạ cả thể chất lẫn tinh thần, tâm linh. Trong hoàn cảnh ấy, lẽ nào Ki-tô giáo, Ki-tô hữu, không thể thắp lên được một chút ánh sáng của lòng tin và sự thật???

Tôi thầm ước, giá như có những “Làng rau Công Giáo”, “Cánh đồng Công Giáo”, “Trại chăn nuôi Công Giáo”; rồi hội các nhà khoa học là Ki-tô hữu, làm việc độc lập, minh bạch, công tâm; hội bác sĩ Ki-tô hữu; hội thương nhân, hội nông dân, hội làm vườn…Ki-tô hữu. Và nếu như ta có những nhà sách Công Giáo, trường mẫu giáo Công Giáo, sao lại không thể có những siêu thị Công Giáo, những quầy sữa, quầy thịt Công Giáo – những nơi được cam kết về sự trung thực và tôn trọng con người? Nơi mà người ta có thể bước vào một cách tự tin, mạnh dạn mà không phải ngập ngừng, ái ngại?

Phải chăng, Giáo Hội chúng ta còn chưa liên đới nhau trong “một cây nho thật”? Hay còn chưa đồng hành với “niềm vui”, “nỗi buồn” của con người? 

Lời dạy của một cha giáo vang lên trong đầu tôi: Giáo Hội Công Giáo phải là một Giáo Hội SỐNG VỚI – SỐNG VÌ – và SỐNG CHO. Nếu không nhìn ra trách nhiệm đối với tha nhân, thì không thể tìm được sức mạnh của tình yêu để hành động. Nếu không học cách làm Hạt, thì không hiểu hết ý nghĩa của việc làm Hoa. 

Hình như tôi cứ mãi học làm Hoa? Tôi sẽ gieo Hạt nào cho nhân thế? Cho đời sau?…

Tịnh Khê

Nguồn: Tập san GHXHCG số 23

(1) Ca dao: “Thương thay con cuốc giữa trời, dầu kêu ra máu biết người nào hay?”
(2): (2Tx 2; 7)
(3): (Ga14; 27-28). 
(4): (Ga 16;23)
(5): Kinh năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. 
(6): xc số 4, Tông chiếu Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết