
ĐTC Phanxicô phát biểu trong một cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome sau chuyến Tông du Thái Lan và Nhật Bản, Thứ Hai, ngày 26 tháng 11 năm 2019 (Ảnh: Remo Casilli/ AP)
Hôm thứ Ba 26/11, ĐTC Phanxicô cho biết rằng vụ bê bối tài chính mới nhất tại Vatican thực sự là một câu chuyện thành công, bởi vì tình hình đã được tiết lộ nhờ một cuộc điều tra nội bộ của Vatican, mà Ngài cho biết đã chứng minh rằng các biện pháp kiểm soát mới đang hoạt động.
ĐTC Phanxicô cũng đã gọi cả việc sở hữu lẫn việc triển khai vũ khí hạt nhân là những hành động “vô đạo đức”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng vấn đề này cần phải được thêm vào Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, và đề nghị rằng có lẽ đã đến lúc cần phải suy nghĩ lại quyền phủ quyết được nắm giữ và sử dụng bởi một số quốc gia trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Những lời nhận xét bình luận của ĐTC Phanxicô đã được đưa ra trong một cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome sau chuyến Tông du từ ngày 19-26 tháng 11 tới Thái Lan và Nhật Bản.
Vụ bê bối tài chính của Vatican
“Đã có vấn đề về sự tham nhũng”, ĐTC Phanxicô thừa nhận khi được hỏi về một vụ bê bối gần đây xoay quanh việc mua một cửa hàng của hệ thống bán lẻ Harrod trước đây ở khu phố Tony Chelsea của Luân Đôn bởi Bộ trưởng Ngoại giao Vatican, việc sử dụng ngân quỹ từ Quỹ bác ái “Peter’s Pence” được xem như là một cách thức để ủng hộ các công việc từ thiện bác ái của Đức Giáo Hoàng.
Ban đầu, khoảng 220 triệu đô la đã được sử dụng để mua một phần tài sản, và sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao đã cố gắng chi thêm 170 triệu đô la khác để mua toàn bộ phần tài sản này. Theo tạp chí L’Espresso của Ý, Vatican đã phải trả một cái giá quá cao vì hoạt động của một số kẻ môi giới người Ý.
Năm nhân viên của Vatican đã bị đình chỉ sau một cuộc khám xét của các hiến binh Vatican vào ngày 1 tháng 10, bao gồm các thành viên thuộc Bộ Ngoại giao và giám đốc Cơ quan tài chính Vatican (AIF). Hai tuần sau, Domenico Giani, giám đốc an ninh lâu năm của Vatican và là vệ sĩ riêng của ĐTC Phanxicô, đã từ chức vì rò rỉ tài liệu liên quan đến một cuộc điều tra của thẩm phán về giao dịch này.
Trong cuộc họp báo kéo dài hàng giờ đồng hồ, ĐTC Phanxicô cho biết rằng năm quan chức Vatican bị nghi vấn tham nhũng sẽ sớm bị chất vấn bởi nhân viên thi hành công lý, nếu như quá trình này đã thực sự bắt đầu.
“Họ đã làm những việc không trung thực”, ĐTC Phanxicô phát biểu với các phóng viên hôm thứ Ba. “Tuy nhiên, cáo buộc đã không xuất phát từ bên ngoài. Cuộc cải cách hệ phương pháp kinh tế này đã bắt đầu từ thời của Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI và đã tiếp tục”.
Chính Tổng kiểm toán viên Vatican, ĐTC Phanxicô nói, người đã nhận thấy rằng có một điều gì đó mờ ám trong các tài khoản của Vatican và đã đưa ra một cáo buộc bằng văn bản đệ trình Đức Thánh Cha, và đồng thời xin ý kiến của Ngài về việc phải làm gì. ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài đã hướng dẫn Tổng kiểm toán viên Vatican đến với nhân viên thực thi công lý của Vatican.
“Tôi rất vui vì điều này đồng nghĩa với việc rằng ngày nay, chính quyền Vatican có các nguồn lực để mang lại ánh sáng cho những điều tồi tệ đã xảy ra bên trong”, ĐTC Phanxicô nói. “Đã có những trường hợp tham nhũng”.
(Tổng kiểm toán viên hiện tại, một giáo dân người Ý, ông Alessandro Cassinis Righini, tạm thời phục vụ trong cương vị này. Ông Righiniđ ã tiếp quản công việc khi quản lý cũ của ông, chuyên gia tài chính người Ý Libero Milone, đã rời khỏi vị trí vào năm 2017 khi tuyên bố rằng ông bị buộc thôi việc vì nỗ lực vạch trần những vụ giao dịch bị nghi ngờ)
ĐTC Phanxicô cho biết rằng đã có một sự suy đoán về sự vô tội đối với năm quan chức có liên quan, nhưng trong mọi trường hợp, số tiền này không được quản lý đúng cách.
ĐTC Phanxicô ủng hộ việc sử dụng số tiền từ Quý bác ái “Peter’s Pence”, đồng thời cho biết rằng việc “bỏ tiền vào một ngăn kéo” không phải là quản lý nó một cách khôn ngoan.
“Việc đầu tư số tiền đó là một hành động tài tình”, ĐTC Phanxicô nói, để đảm bảo rằng số vốn đó không mất đi giá trị của nó. Tuy nhiên, số tiền đó phải được đầu tư vào các dự án thận trọng và mang tính luân lý, ĐTC Phanxicô nói, chứ không phải là đầu tư cho “một nhà sản xuất vũ khí”. Các khoản đầu tư cũng phải mang tính ngắn hạn, để số tiền được sử dụng trong năm khi các khoản đóng góp mới được đưa vào.
ĐTC Phanxicô cho biết rằng họ đã sử dụng quỹ này để mua một tài sản, sau đó cho thuê và bán lại mà không thực sự nói rõ tài sản ở Luân Đôn. Tuy nhiên, ĐTC Phanxicô nói, “Chung quy thì những gì đã xảy ra thì cũng đã xảy ra. Đó chính là một vụ bê bối”.
Thực tế là tham nhũng xảy ra ở Vatican, theo ĐTC Phanxicô, “là một điều tồi tệ”, nhưng một lần nữa ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng chính hệ thống đã nhận ra điều đó.
“Tạ ơn Chúa, không phải vì thực tế là Vatican đã xảy ra tham nhũng, mà vì hệ thống nội bộ đã hoạt động”, ĐTC Phanxicô nói.
Hiện ra lờ mờ, mặc dù chưa bao giờ thực sự được nhắc đến trong buổi họp báo, đó là cái tên Rene Brülhart, một luật sư người Thụy Sĩ và chuyên gia chống rửa tiền, người đã rời vị trí chủ tịch AIF ngay trước chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản. Sự chấm dứt của ông đã được mô tả một cách khác nhau như là một sự kết thúc bình thường đối với nhiệm kỳ của ông, một sự từ chức để phản đối, hoặc một sự sa thải.
ĐTC Phanxicô cho biết Ngài đã triệu tập “chủ tịch của AIF”, người đã nộp đơn từ chức.
“Chính AIF, dường như có vẻ là như vậy, đã không kiểm soát được tội ác của người khác”, ĐTC Phanxicô phát biểu với các nhà báo.
ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng tiến bộ đã đạt được khi nói đến vấn đề tài chính của Vatican, đồng thời viện chứng thực tế rằng cái gọi là ngân hàng Vatican ngày nay có thể hoạt động như bất kỳ ngân hàng nào khác trên thế giới, một điều vốn đã không thể xảy ra cách đây một năm, khi nhiều tổ chức tài chính đã không nhận ra điều đó.
ĐTC Phanxicô cũng đã đề cập đến, sau khi được đề nghị, Tập đoàn Egmont, một mạng lưới các đơn vị tình báo tài chính toàn cầu. Mặc dù được công nhận về phương diện quốc tế, nhóm này không có cơ quan quản lý. Theo ĐTC Phanxicô, đây chính là nhiệm vụ của Moneyval, cơ quan chống rửa tiền thuộc Hội đồng Châu Âu, dự kiến sẽ công bố báo cáo mới nhất về Vatican vào đầu năm 2020.
ĐTC Phanxicô cũng cho biết luật sư Brülhart đã yêu cầu trả lại tài liệu bị lực lượng an ninh Vatican thu giữ theo yêu cầu của Tập đoàn Egmont, nhưng Ngài cho biết rằng điều này không thể thực hiện được.
“Tôi đã hỏi một thẩm phán người Ý về những gì công lý cần phải thực thi”, ĐTC Phanxicô cho biết. “Công lý, sau một cáo buộc về tội tham nhũng, có thẩm quyền cao nhất tại một quốc gia”.
Sau khi khẳng định rằng Ngài muốn năm nghi phạm tham nhũng được chứng minh vô tội, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh rằng “cái nắp nắp đã được bật ra khỏi miệng bình từ bên trong”, và đồng thời khen ngợi sự can đảm của Tổng kiểm toán viên Vatican khi đã viết một cáo buộc chống lại năm vị quan chức.
Liên quan đến tập đoàn Egmont, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài không muốn làm cho họ khó chịu “bởi vì họ đã làm rất nhiều việc tốt”, nhưng trong trường hợp này, “quyền tối thượng thì quan trọng hơn mọi lợi ích cá nhân”.
Vấn đề về vũ khí hạt nhân và năng lượng hạt nhân
Một số câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến các loại vũ khí hạt nhân, năng lượng hạt nhân và nguyên tắc của Thánh Tôma Aquinô về chiến tranh chính nghĩa. Hòa bình trong thời đại ngày hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sau câu hỏi của một nhà báo người Pháp, “quả thực vô cùng mờ nhạt”.
Được thúc đẩy bởi một nhà báo người Nhật Bản, người đã đặt câu hỏi về cảm nhận của ĐTC Phanxicô khi đến thăm Hiroshima và Nagasaki, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng Ngài đã lên án việc sử dụng vũ khí hạt nhân như là hành động “vô đạo đức”.
“Điều này phải được đưa vào Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo”, ĐTC Phanxicô nói. “Và không chỉ việc sử dụng chúng, mà còn kể cả việc sở hữu chúng”.
Việc sở hữu những thứ vũ khí như vậy, quả thực vô cùng nguy hiểm, bởi vì các vụ việc xảy ra cũng bởi vì “sự điên rồ của những kẻ có thể hủy diệt loài người”. ĐTC Phanxicô đã trích dẫn những lời của Albert Einstein, người nói rằng chiến tranh thế giới thứ tư sẽ được tiến hành “bằng gậy gộc và gạch đá”.
Liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh về khả năng xảy ra một vụ tai nạn, một điều mà Nhật Bản đã chia sẻ bí mật do thảm họa bộ ba xảy ra vào năm 2011, nghĩa là trận động đất, sóng thần và hiện tượng lõi lò phản ứng hạt nhân chảy tan của nhà máy hạt nhân Fukushima là kết quả của hai thảm họa trước đó.
Theo ĐTC Phanxicô, sức mạnh hạt nhân “là một giới hạn”. Vũ khí hạt nhân “chính là sự hủy diệt”, nhưng việc sử dụng năng lượng hạt nhân thì “ở mức giới hạn” bởi vì “chúng ta hiện vẫn chưa đạt được sự an toàn tuyệt đối” trong việc triển khai.
Nhấn mạnh rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân, ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài sẽ không sử dụng năng lượng hạt nhân cho đến khi đạt được sự an toàn như vậy để ngăn chặn thảm họa có thể gây ra cho nhân loại và môi trường.
Khi được hỏi về một Thông điệp Giáo Hoàng đồn đoán liên quan đến vấn đề bạo lực, ĐTC Phanxicô cho biết rằng ý tưởng đó “hiện vẫn còn nằm trong ngăn bàn”, nhưng Ngài không cảm thấy vấn đề đã đủ chín muồi để viết nó, thêm vào đó là Ngài không có đủ thời gian.
ĐTC Phanxicô cho biết rằng trong khi các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc đã làm rất tốt công việc của mình, tuy nhiên, họ đã không thể kiểm soát vũ khí.
“Nếu như có một vấn đề về sự an toàn, với các loại vũ khí, và tất cả các quốc gia đều bỏ phiếu đồng ý [để kiểm soát chúng] và một cơ quan hay quốc gia có quyền phủ quyết nói không, thì nó đã dừng lại”.
“Tôi đã được nghe, tôi không thể phán đoán việc liệu rằng điều đó tốt hay không, nhưng có lẽ Liên Hợp Quốc nên từ bỏ một số quốc gia trong Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết”, ĐTC Phanxicô nói. “Tất cả mọi thứ vốn được thực hiện để ngăn chặn việc chế tạo vũ khí, ngăn chặn chiến tranh, thông qua các cuộc đàm phán”, ĐTC Phanxicô nói, “phải luôn luôn được thực hiện”.
Châu Mỹ Latinh đang chìm trong biển lửa, và “Tôi yêu thích Trung Quốc”
Được yêu cầu chia sẻ suy nghĩ của mình về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, ĐTC Phanxicô cho biết rằng nó cách xa so với nơi duy nhất có tình trạng bất ổn kéo dài. ĐTC Phanxicô đã đề cập đến Chile, những người mặc áo vàng ở Pháp, và Nicaragua và các quốc gia khác ở Mỹ Latinh, “chẳng hạn như Brazil”, với những tình huống tương tự.
“Tôi cầu mong hòa bình nơi những quốc gia hiện đang đầy bất ổn này”, ĐTC Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng cần phải kêu gọi đối thoại.
Một nhà báo đã hỏi ĐTC Phanxicô rằng Ngài có muốn đến thăm Trung Quốc không, và Đức Thánh Cha đã trả lời rằng Ngài rất muốn đến thăm Bắc Kinh vì “Tôi yêu thích Trung Quốc”.
Các nhà báo nói tiếng Tây Ban Nha đã đề cập đến lục địa quê hương của ĐTC Phanxicô, với việc một nhà báo đề cập đến những biến động tại Venezuela, Bôlivia, Chile và Nicaragua, bao gồm việc nhiều nhà thờ đã bị đốt cháy hoặc bị tấn công.
ĐTC Phanxicô cho biết rằng Ngài không cảm thấy mình có thể đưa ra một phân tích, nhưng đã trích lời “của ai đó” gợi ý với Ngài rằng tình hình không khác nhiều so với những năm 1970 và 1980, khi mà Chile, Argentina, Uruguay, Paraguay và Brazil có tất cả các chính phủ quân sự và một tình huống thực sự đã “rơi vào biển lửa”.
ĐTC Phanxicô cho biết rằng tình hình ở Chile đặc biệt khiến Ngài không khỏi sợ hãi, bởi vì nó xuất phát từ “vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục vốn đã khiến chúng ta phải đau khổ rất nhiều, và giờ đây có một vấn đề thuộc loại chúng ta không hiểu rõ nhưng nó đã chìm trong biển lửa”.
ĐTC Phanxicô cho biết Ngài chưa tìm thấy một phân tích tốt về tình hình ở Mỹ Latinh, nhưng đồng thời cũng cho biết rằng “có những chính phủ yếu kém, rất rất yếu kém, vẫn chưa thể mang lại hòa bình”.
Minh Tuệ (theo Crux)