Cuộc bổ nhiệm đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong Giáo triều cho thấy sự tiếp nối định hướng về vai trò của phụ nữ

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp kiến Nữ tu người Ý Simona Brambilla, Tổng Trưởng Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, tại Vatican vào ngày 14 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp kiến Nữ tu người Ý Simona Brambilla, Tổng Trưởng Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, tại Vatican vào ngày 14 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Như thường thấy trong mỗi giai đoạn chuyển tiếp, sau khi Đức Thánh Cha Lêô XIV được bầu chọn, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về những ưu tiên trong triều đại Giáo hoàng mới, cũng như liệu ngài có tiếp tục thúc đẩy những định hướng và cải tổ của vị tiền nhiệm hay không.

Một trong những câu hỏi được đặt ra thường xuyên nhất cho đến nay, khi thế giới đang tìm hiểu về Đức Tân Giáo hoàng, là quan điểm của ngài về vai trò của phụ nữ, và liệu ngài có tiếp nối những nỗ lực tiên phong của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô nhằm tạo thêm không gian thực chất cho phụ nữ trong việc lãnh đạo và thẩm quyền, kể cả trong Giáo triều Rôma hay không.

Việc Đức Lêô sẽ hành xử như thế nào đối với những vấn đề như truyền chức Linh mục hoặc Phó tế phụ nữ vẫn còn là điều chưa rõ, tuy nhiên, ngài đã tham gia Thượng Hội đồng về Hiệp hành do Đức Phanxicô triệu tập — một tiến trình đã dẫn đến việc hình thành một số nhóm nghiên cứu chuyên đề, trong đó có nhóm nghiên cứu về các Thừa tác vụ và khả năng thiết lập chức Phó tế cho phụ nữ.

Vào đầu Thượng Hội đồng về Hiệp hành năm 2024, Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, người Argentina, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và là người phụ trách nhóm nghiên cứu về chức Phó tế dành cho phụ nữ, đã tuyên bố rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ quyết định nào về vấn đề này, và các cuộc nghiên cứu sẽ tiếp tục được tiến hành.

Rất có thể Đức Thánh Cha Lêô XIV sẽ không thực hiện bất kỳ động thái mạnh mẽ nào liên quan đến chức Linh mục hay Phó tế dành cho phụ nữ ngay trong giai đoạn đầu triều đại của ngài. Thay vào đó, ngài có khả năng sẽ chờ đợi kết quả từ các nhóm nghiên cứu, vốn dự kiến sẽ hoàn tất nhiệm vụ đầu tiên và đệ trình báo cáo tổng kết vào tháng 6 năm nay.

Ngay cả khi đó, cũng khó có khả năng ngài sẽ đi chệch khỏi đường lối của người tiền nhiệm về các vấn đề như việc truyền chức Linh mục cho phụ nữ, điều mà Đức Phanxicô đã nhiều lần khẳng định rằng cánh cửa đó đã “đóng lại một cách dứt khoát”.

Trong khi chờ đợi, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã đưa ra những tín hiệu đầu tiên cho thấy ngài sẽ duy trì nguyên trạng đối với những phụ nữ đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, và thậm chí có thể mở rộng hơn nữa vai trò của phụ nữ trong Giáo triều Rôma.

Chỉ vài ngày sau khi được bầu chọn, Đức Lêô đã có buổi tiếp kiến riêng với Nữ tu người Ý Simona Brambilla, người đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Bộ Tu sĩ vào tháng 1 — một cuộc bổ nhiệm mang tính lịch sử khi lần đầu tiên một phụ nữ được chọn đứng đầu một cơ quan của Tòa Thánh.

Việc bổ nhiệm này đã gây ra một số phản ứng trong giới chuyên gia Giáo luật theo chủ nghĩa nghiêm ngặt, do Nữ tu Brambilla không thuộc hàng giáo sĩ, trong khi một số trách nhiệm của vị Tổng Trưởng đòi hỏi phải đưa ra những quyết định có tính ràng buộc đối với các thành viên có chức thánh.

Lập luận của họ cho rằng các vị Tổng Trưởng của các Thánh Bộ chia sẻ quyền bính với Đức Giáo hoàng, điều hành nhân danh ngài và như một phần nối dài của quyền bính xuất phát từ chức thánh và sự kế vị Tông truyền — điều mà phụ nữ không thể lãnh nhận.

Tuy nhiên, trong những năm cuối triều đại của mình, Đức Phanxicô đã nỗ lực tách biệt quyền điều hành ra khỏi chức thánh, thông qua công cuộc cải tổ Giáo triều, bằng cách đặt những giáo dân có năng lực, bao gồm cả phụ nữ, vào các vị trí lãnh đạo.

Nhiều nhà quan sát đã tự hỏi liệu Đức Thánh Cha Lêô có giữ lại Nữ tu Brambilla và Nữ tu người Ý Raffaella Petrini, Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Quốc gia Thành Vatican, trong bối cảnh về những tranh luận liên qua đến vấn đề Giáo luật như vậy hay không. Hiện tại, có vẻ như Đức Lêô không những quyết tâm giữ nguyên hiện trạng, mà còn đẩy mạnh hơn nữa việc đưa phụ nữ vào các vị trí hàng đầu trong Giáo triều.

Ngay từ đầu, Đức Thánh Cha đã quyết định giữ nguyên tất cả các vị Tổng Trưởng và người đứng đầu các cơ quan Tòa Thánh trong nhiệm vụ hiện tại, trong khi ngài tìm hiểu và tiếp nhận các báo cáo tổng kết về công việc của họ.

Không những tiếp kiến riêng với Nữ tu Brambilla gần như ngay lập tức, trong buổi Tiếp kiến chung công khai đầu tiên vào ngày 21 tháng 5, gần như toàn bộ các giáo dân đọc bài Tin Mừng và phần tóm lược bài chia sẻ Giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đều là phụ nữ, ngoại trừ người đọc sách tiếng Ả Rập.

Trước đây, các vai trò này thường được dành cho nam giới, đặc biệt là giáo sĩ. Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã bắt đầu thay đổi truyền thống này, cho phép giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, tham gia công bố Lời Chúa trong các buổi tiếp kiến chung.

Vào ngày thứ Năm, 22 tháng 5, Đức Lêô XIV đã thực hiện cuộc bổ nhiệm đáng chú ý đầu tiên trong Giáo triều: chọn Nữ tu người Ý Tiziana Merletti, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô Người Nghèo, làm Tổng Thư ký Bộ Tu sĩ — điều này có nghĩa là hai vị trí cao nhất trong Thánh Bộ này hiện do phụ nữ đảm nhiệm.

Xen giữa hai Nữ tu là Đức Hồng y Ángel Fernández Artime người Tây Ban Nha, được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Đồng Tổng Trưởng cùng với Nữ tu Brambilla, một động thái mà nhiều người coi là tín hiệu rõ ràng rằng Nữ tu Brambilla mới là người đứng đầu, trong khi chữ ký của Đức Hồng y Artime sẽ giúp tránh những tranh cãi về tính hợp lệ của các quyết định do Trưởng cùng với Nữ tu Brambilla, một động thái mà nhiều người coi là tín hiệu rõ ràng rằng Nữ tu Brambilla đưa ra.

Nữ tu Merletti, vốn là một chuyên gia Giáo luật, là người phụ nữ thứ ba được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký một Thánh Bộ của Tòa Thánh, sau khi Nữ tu Brambilla từng giữ chức vụ này trước khi được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng, và Nữ tu Alessandra Smerilli hiện đang giữ chức Tổng Thư ký Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện.

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông hiến Praedicate Evangelium cải tổ Giáo triều Rôma, đã cho phép giáo dân — bao gồm cả phụ nữ — đảm nhiệm vai trò đứng đầu các cơ quan Tòa Thánh, thay vì chỉ dành cho nam giáo sĩ như trước đây.

Sinh tại Pineto, miền trung nước Ý, vào năm 1959, Nữ tu Merletti khấn dòng lần đầu trong Dòng Phanxicô Người Nghèo vào năm 1986. Trước đó, Nữ tu Merletti đã tốt nghiệp ngành luật vào năm 1984 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Antonianum ở Rôma vào năm 1992. Hiện tại, Nữ tu Merletti làm việc với tư cách chuyên viên Giáo luật tại Liên hiệp Quốc tế Bề trên Tổng quyền (UISG) — tổ chức đại diện cho các Nữ tu trên toàn thế giới.

Dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, tỷ lệ phụ nữ làm việc tại Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican đã tăng từ 19,2% lên 23,4%, với nhiều người đảm nhiệm các chức vụ có thẩm quyền.

Nếu những bước đi ban đầu là chỉ dấu, có thể nói rằng Đức Thánh Cha Lêô XIV, bên cạnh việc tiếp nối những ưu tiên về xã hội của Giáo hội, cũng đang quyết tâm củng cố vai trò và tiếng nói của phụ nữ tại những vị trí cao nhất trong bộ máy điều hành toàn cầu của Giáo hội Công giáo.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết