Của cải vật chất không đảm bảo sự sống

Người mộn đệ Chúa Kitô phải đối diện như thế nào với vấn đề của cải và tài sản vật chất? Đó luôn là một trong những câu hỏi mà hơn một lần người tin phải đặt ra cho chính mình.

nguoigiau ngu dai

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 12,13-21) đưa ra cho chúng ta một câu trả lời (c.15), đặt giữa một phần dẫn nhập vắn gọn vào vấn đề (cc.13-14) và một dụ ngôn sống động (cc.16-21).

  1. “Thưa Thầy, xin bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”

Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (cc.13-14).

Một người khuyết danh giữa đám đông xin Đức Giêsu giải quyết vấn đề chia gia tài giữa hai anh em ông ta. Câu chuyện được dùng như phần dẫn nhập thú vị vào chủ đề mà Thánh Luca quan tâm.

Thánh Luca có vẻ không bận tâm đến nội dung chính xác của vấn đề mà người đàn ông khuyết danh nọ muốn Đức Giêsu giải quyết: anh trai ông ta muốn chiếm trọn gia tài? Hay người anh chưa muốn chia phần cho người em để buộc người em cứ phải lệ thuộc vào mình? Hay họ chia chác không đúng theo quy định của Luật?… Nội dung cụ thể của vấn đề xem ra không quan trọng đối với Thánh Luca.

Nhưng ẩn phía sau lời xin của người đàn ông khuyết danh nọ là một cách hiểu về vai trò của Đức Giêsu. Ông ta nghĩ Người là một rabbi, và như các rabbi thời ấy, Người không chỉ là một vị thầy và một nhà thần học, mà còn có vai trò của một người phân xử những vụ việc được quy định trong Luật (Ds 27,8-11; 36,7-9; Đnl 21,17).

Câu trả lời của Đức Giêsu rõ ràng là một sự từ chối thẳng thừng. Trước hết, Người hoàn toàn không muốn người ta hiểu sai về vai trò của Người, không muốn đám đông và các đồ đệ đang hiện diện giới hạn Người trong vai trò của một rabbi bình thường như những rabbi thời ấy. Người muốn mời gọi các đồ đệ ý thức về căn tính và về sứ mạng riêng biệt của Người. Người là vị Ngôn Sứ cánh chung.

Đàng khác, sự từ chối thẳng thừng đó cũng là một phản ứng quyết liệt của Đức Giêsu đối với tâm tính tham lam của cải vật chất mà con người ta thường có. Phản ứng này dẫn trình thuật vào chủ đề chính yếu, được trình bày ở câu 15.

  1. Của cải không bảo đảm sự sống con người

Rồi Đức Giêsu nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (c.15).

Thánh Luca đưa vào câu chuyện lời phê phán mạnh mẽ thói tham lam của con người. Nội dung mà ông nêu lên ở đây thực chất chỉ lặp lại lời dạy của giáo lý truyền thống trong Hội Thánh tiên khởi. Thí dụ: Mc 7,22; Rm 1,29; 2Cr 9,5; Ep 4,19; Ep 5,3; Col 3,5; 2Pr 2,3.14… Ngoài ra, tác giả Luca chia động từ “coi chừng” ở mệnh lệnh cách thời hiện tại, có ý mời gọi độc giả phải liên tục giữ mình khỏi mối nguy hiểm của sự tham lam của cải vật chất và của việc tìm sự bảo đảm của sự sống mình nơi những thực tại tạm bợ đó.

Thánh Luca không chỉ rõ “mạng sống” được nói đến ở đây phải hiểu theo nghĩa nào. Đó có thể là sự sống thế tạm, nhưng cũng có thể là sự sống vĩnh cửu. Có lẽ cách hiểu thích hợp nhất chính là hiểu theo cả hai nghĩa đó. Của cải vật chất không thể đảm bảo cho người ta được sống, dù là sự sống thế tạm, và nhất là sự sống vĩnh hằng.

  1. Dụ ngôn ông phú hộ dại dột

Sau đó Đức Giêsu nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!”. Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (cc.16-20).

Dụ ngôn trên đây minh họa cho lời nói của Đức Giêsu ở cuối câu 15: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Nhưng nội dung của dụ ngôn phản ánh tư tưởng khôn ngoan Cựu Ước, chứ tự nó chưa cho thấy được những đường nét đặc sắc Kitô giáo. Cựu Ước đã có những suy tư rất sâu sắc về tính cách phù vân của thân phận con người và của của cải vật chất đặt trong tương quan với cái chết. “Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng” (Tv 39,6c-7; x. Tv 49,7-11.17-20). “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ” (Gv 2,21).

Người phú hộ trong dụ ngôn không bị kết án vì cách làm giàu của ông ta. Tác giả Tin Mừng không nói ông ta đã làm giàu như thế nào: ngay chính hay bất chính. Chỉ biết rằng ông ta ngày càng giàu có và sản nghiệp của ông cứ gia tăng liên tục với một tốc độ chóng mặt. Ông không gặp vấn đề về việc làm giàu, mà là về việc cất giữ những của cải ông có được.

Có vẻ tác giả Luca đã quên mất chủ đề về sự tham lam của cải của con người ta!?

Nhưng chúng ta hãy tiếp tục đọc dụ ngôn. Một khi đã trở nên giàu có hết mức, ông phú hộ nghĩ đến việc thụ hưởng trong tương lai một cách thoải mái những gì mình có được. Ông quyết định sẽ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi. Ông nghĩ đến một tương lai xán lạn và an nhàn trước mặt.

Và dụ ngôn nguyên thủy kết thúc như sau: “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (c.20). Chủ đề sự chết sẽ làm lộ rõ bản chất phù vân của những thứ người ta có thể làm ra và thu tích. Người phú hộ bị coi là ngốc không phải vì ông tham lam, cũng không phải vì những tính toán quản lý khối tài sản ông có được, cũng không phải vì ý muốn thụ hưởng những tiện ích do vật chất đem lại. Ông không bị chê trách là bất chính hay vô luân trong cách làm giàu hay thụ hưởng. Nhưng ông bị coi là ngốc, vì đã không tính đến một yếu tố căn bản: sự chết. Nếu ông có ý thức đầy đủ về tính cách phù vân của phận người, hẳn ông sẽ hướng về Thiên Chúa mà hỏi “Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa?” (Tv 39,8a). Và giải pháp sẽ là “Hy vọng của con đặt ở nơi Ngài” (Tv 39,8b).

Tác giả Luca muốn nhấn mạnh một sứ điệp tích cực, nên thêm: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (c.21). Và câu này đã làm thay đổi viễn tượng của dụ ngôn nguyên thủy. Điểm nhấn bây giờ là sự đối nghịch và không thể hòa hợp, giữa một bên là sự chiếm hữu của cải cho mình và bên kia là sự làm giàu trước mặt Thiên Chúa, tức là làm giàu trong ý thức và trải nghiệm về sự hiện diện cánh chung của Nước Thiên Chúa và quyền năng của Nước ấy, là sử dụng của cải mình làm ra theo chương trình của Thiên Chúa về mình, về nhân loại và về Hội Thánh.

Như thế của cải vật chất tự nó không hề bị coi là xấu xa, trái lại, còn có thể là thực tại tốt lành. Của cải chỉ trở nên không tốt khi vì chiếm hữu nó mà người ta từ chối chương trình của Thiên Chúa về họ. Nhưng người thu tích của cải trong tư thế “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” sẽ không bị coi là ngốc, tức là sẽ được kể là người khôn ngoan.

Chính sự “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” này là điều làm cho dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay vượt xa hẳn so với tư tưởng khôn ngoan Cựu Ước.

Gợi ý suy niệm

  1. Chúng ta đến với Chúa Giêsu vì Người là Đức Chúa, hay chỉ đơn giản vì mong Người giải quyết các vần đề liên quan đến tài sản vật chất của chúng ta?
  2. Chúng ta không thể tìm được bảo đảm cho sự sống mình, nhất là sự sống vĩnh cửu, nơi tài sản vật chất. “Đức Giêsu nói: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (c.15).
  3. Chúng ta được dạy phải “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (c.21). Và đó chính là câu trả lời cho câu hỏi “Người mộn đệ Chúa Kitô phải đối diện như thế nào với vấn đề của cải và tài sản vật chất?”. Điều quan trọng là những của cải vật chất, một khi “đụng” vào chúng ta, có trở thành phương tiện cứu độ trần gian theo chương trình của Thiên Chúa hay không.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết