
Một trại tị nạn của người Rohingya ở Bangladesh (Ảnh: DFID).
Có gần 700.000 người tị nạn sống trong các khu vực dày đặc trong các khu định cư tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh, khiến họ dễ bị tổn thương khi đại dịch coronavirus (COVID-19) lan rộng.
Caroline Brennan, Giám đốc truyền thông khẩn cấp của Tổ chức Cứu trợ Công giáo (CRS), phát biểu với CNA rằng tại các khu vực nơi CRS đang phục vụ những người tị nạn, chẳng hạn như ở Bangladesh, họ đang điều chỉnh các chương trình của mình nhanh chóng hết mức có thể để chúng vẫn phù hợp và an toàn trong suốt bối cảnh đại dịch.
“Trong trường hợp này, khi chúng ta nhìn vào một chủng loại virus như coronavirus … có một sự dễ tổn thương cao như vậy trong các khu định cư này, nơi mà đông đảo dân chúng phải sống trong những môi trường đông nghẹt, và nơi mà các thành viên gia đình nhiều thế hệ đang sinh sống trong những khu vực thực sự chật hẹp”, bà Brennan nói.
Nhiều quốc gia đã áp dụng các chỉ thị yêu cầu công dân phải ở trong nhà và các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nghiêm ngặt để đối phó với virus. Đối với những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh, bà Brennan nói, và ở nhiều khu vực khác có người tị nạn, mọi người gần như không thể giữ khoảng cách với người khác theo cách này.
Có thể có tới 10 người sống trong một không gian nhỏ hẹp mà không có nơi nào để đi, bà Brennan nói, điều đó có nghĩa là việc tiếp cận không gian an toàn là một vấn đề, cũng như tiếp cận với các phương tiện để người tị nạn giữ vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, chính quyền Bangladesh lo ngại rằng mùa bão sắp tới sẽ khiến nước thải tràn vào các cơ sở trú ẩn mỏng manh và có thể lây lan coronavirus, tờ New York Times đưa tin trong tuần này.
Bà Brennan cho biết rằng CRS, cùng với các đối tác địa phương, đã cung cấp các trang thiết bị vệ sinh và vệ sinh cho các trại tập trung, cũng như cung cấp việc đào tạo và tài liệu cho các tổ chức y tế địa phương.
Một trong những ưu tiên lớn nhất, bà Brennan nói, chỉ đơn giản là truyền đạt thông tin về cách bảo vệ bản thân khỏi virus, nhưng làm như vậy trong các trại tập trung một cách an toàn.
“Hiển nhiên, chúng tôi không muốn quy tụ mọi người lại với nhau thành các nhóm đông người”, bà Brennan nói.
“Và đôi khi, đó là cách bạn tiến hành lập chương trình, tập hợp mọi người lại với nhau để đào tạo hoặc quy tụ trẻ em lại với nhau trong một lớp học”.
CRS đã phải thích nghi với việc sử dụng các áp phích lớn, được in bằng nhiều ngôn ngữ, để tuyên truyền thay vì tập hợp mọi người thành các nhóm để truyền đạt thông tin về cách tự bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm virus, bà Brennan nói.
Thực phẩm trong các trại tị nạn cũng thường được phân phối theo các nhóm lớn, bà Brennan nói. CRS đã thích nghi bằng cách phân phối thực phẩm nhiều hơn, nhưng với số lượng người ít hơn, phân tán xa hơn và với các trạm rửa tay được cung cấp để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Ở một số khu vực, những người tị nạn đã coi những người làm công việc nhân đạo với sự nghi ngờ rằng họ có thể là những người mang mầm bệnh. Bà Brennan cho biết rằng bà rất biết ơn vì CRS đã có mặt ở nhiều khu vực tị nạn trong suốt một khoảng thời gian dài, điều này giúp xây dựng lòng tin và cho phép CRS giao tiếp một cách hiệu quả hơn.
“Chúng tôi có thể truyền đạt thông tin vốn có thể được tiếp nhận với độ tin cậy và đó là điều cốt yếu”, bà Brennan nói.
Hoàng Thịnh (theo CNA)