Covid-19: vấn đề vắc-xin

72.Fonte_www.tio_.ch_-1024x456

(từ Blog của Học viện Alphonsianum)

Covid-19, gây ra bởi coronavirus Sars-CoV-2, đã lan rộng khắp thế giới như một trận lũ lụt không thể ngăn cản. Vẫn chưa có liệu pháp điều trị hiệu quả. Người ta đã tập trung rất nhiều vào việc phát triển vắc-xin, và vì thế, các phòng thí nghiệm quan trọng nhất và các công ty sản xuất thuốc đa quốc gia mạnh nhất đã tham gia vào lĩnh vực này.

Bên cạnh mong muốn nhân đạo ngăn chặn đại dịch, lợi nhuận kinh tế to lớn sẽ đến với những người có khả năng sản xuất vắc-xin an toàn và hiệu quả, là điều không thể bỏ qua. Tại Hoa Kỳ, công ty công nghệ sinh học Moderna đã nhận được khoản tiền ấn tượng 2,5 tỷ đô la từ chính phủ, nhưng bù lại phải đảm bảo cung cấp 100 triệu liều, trong đó 15 triệu liều trước cuối năm nay. Sự gia tăng của Pfizer trên thị trường chứng khoán sau thông báo rằng họ đã hoàn thành việc thử nghiệm vắc-xin, cho thấy một ý tưởng về nhóm lợi ích đằng sau nghiên cứu này. Việc phân phối vắc xin ở các nước nghèo đã kích hoạt hợp tác quốc tế, và về phía các nhà sản xuất vắc-xin, cuộc chiến về giá đã bắt đầu.

Nhu cầu nhanh chóng tiêm vắc-xin có thể dẫn đến việc tuân thủ ít nghiêm ngặt hơn các quy tắc và thủ tục quản lý việc thử nghiệm. Nếu theo quy trình thông thường, việc phát triển vắc-xin kháng virus mới phải mất ít nhất mười năm, nhưng để có vắc-xin kháng Sars-CoV2 trong một năm, các giai đoạn thử nghiệm trên người và trên hết là giai đoạn cuối, cái gọi là giai đoạn III, đã bị rút ngắn. Tạp chí Y khoa uy tín của Anh đã nhiều lần đưa ra những phản đối nghiêm trọng đối với dữ liệu được công bố cho đến nay, rằng người ta sẽ không trả lời được tất cả các câu hỏi về chất lượng và hiệu quả bảo vệ của vắc-xin.

Một khía cạnh khác là vấn đề đạo đức gây tranh cãi của một số vắc xin. Việc chủng ngừa diễn ra bằng cách đưa các tác nhân gây bệnh hoặc các bộ phận đã bị giết hoặc giảm độc lực của chúng vào cơ thể, và để làm được điều này, ần phải có một lượng lớn vi khuẩn hoặc virus. Để nhân lên các virus, phải sử dụng môi trường nuôi cấy tạo thành từ các tế bào có nguồn gốc động vật hoặc con người. Một số virus gây bệnh truyền nhiễm phổ biến, chẳng hạn như rubella, sởi và viêm gan A, chỉ phát triển hoặc phát triển tốt hơn trên tế bào người, và môi trường tế bào người thích hợp để sản xuất các virus này được hình thành từ các dòng tế bào thai nhi bị nạo phá thai, được tích trữ từ hậu bán thế kỷ trước. Việc sử dụng vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng các dòng tế bào này luôn đặt ra vấn đề lương tâm cho những người không muốn làm gì liên quan đến phá thai, dù là gián tiếp.

Vấn đề đã được giải quyết vào năm 2005 trong một tuyên bố của ‘ Học viện sự sống, mà các kết luận được lấy lại vào năm 2008 trong Dignitas Personae số 35. Rõ ràng việc sử dụng vắc-xin như vậy không làm cho việc thực hiện nó trở thành một sự hợp tác trực tiếp vào việc phá thai, mà sự hợp tác gián tiếp và từ xa đối với việc phá thai, vì những lý do nghiêm trọng, phải được coi là hợp pháp. Cảm giác khó chịu vì việc lợi dụng một hành động hoàn toàn vô đạo đức vẫn còn, nhưng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và trách nhiệm xã hội sẽ biện minh cho việc sử dụng vắc-xin loại này, miễn là không có sẵn các lựa chọn thay thế hợp lệ và không ảnh hưởng đến nghĩa vụ chứng tỏ không đồng ý phá thai càng nhiều càng tốt và nghĩa vụ yêu cầu các hệ thống y tế cung cấp các loại vắc xin khác. Một Lưu ý 2017  của Học viện sự sống cũng đưa ra kết luận tương tự , trong đó vấn đề hợp tác, tuy nhiên, đã bị hạ thấp đáng kể. Lập trường này đã được xác nhận, liên quan đến vắc-xin chống Covid, bởi một Lưu ý từ Bộ Giáo lý Đức tin được xuất bản vào ngày 21 tháng 12 năm 2020.

Trong số khoảng 120 loại vắc-xin đang được nghiên cứu cho Covid-19, nhiều loại liên quan đến việc sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ nạo phá thai được thu mua, và trong số các loại vắc-xin này có vắc xin do Đại học Oxford phát triển sắp được đưa vào sử dụng. Khả năng có một chiến dịch tiêm chủng với loại vắc-xin này đã làm dấy lên phản ứng từ các phong trào Phò sinh và một số giám mục ở Hoa Kỳ, Canada, Úc. Vấn đề trở nên tế nhị vì các loại vắc-xin dòng mới không yêu cầu truyền qua môi trường tế bào có nguồn gốc bào thai, chẳng hạn như Pfizer, cũng đã được cung cấp. Nó là một loại vắc-xin được đưa vào cơ thể, thông qua các hạt nano lipid, RNA thông tin cần thiết cho virus để tạo ra gai đặc trưng. Sau khi tiêm chủng, RNA thông tin của virus được đọc bởi các tế bào của chúng ta, tế bào này bắt đầu tạo ra các protein gai và do đó hệ thống miễn dịch của chúng ta nhạy cảm với chúng.

Loại vắc-xin nào là an toàn nhất và hiệu quả nhất, điều này không thể được thiết lập trên cơ sở đạo đức. Một loại vắc-xin không gây ra các vấn đề đạo đức trong quá trình sản xuất chỉ có thể được ưu tiên sử dụng hơn một loại vắc-xin khác trong cùng điều kiện lâm sàng. Chúng tôi cũng lưu ý rằng, mặc dù có nhiều loại vắc-xin khác nhau trên thị trường, nhưng chỉ có một loại vắc-xin có thể được cung cấp ở một quốc gia nhất định, do đó, về mặt đạo đức, không thể sử dụng đến cái gọi là vắc-xin phù hợp đạo đức.

Về nghĩa vụ luân lý của việc tiêm chủng, một số suy tư cần được thực hiện. Rõ ràng, không có nghĩa vụ phải tiêm phòng bất kỳ bệnh nào, nhưng, khi tính đến tình hình của đại dịch, theo quan điểm của chúng tôi, đó là một nghĩa vụ đạo đức ngay lập tức bắt nguồn từ nghĩa vụ bảo đảm sức khỏe của chính mình và sức khỏe của người khác. Xét vì một bộ phận người dân – do nhiều lý do khác nhau như các dạng suy giảm miễn dịch hoặc dị ứng nghiêm trọng với chính vắc-xin – không thể tiêm chủng, nên những người có thể nhận vắc-xin phải làm như vậy, ít nhất là vì những người không thể. Lưu ý gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin đã không tuyên bố việc tiêm chủng là bắt buộc ngay cả trong tình huống đại dịch, nhưng – sử dụng thuật ngữ trong các tài liệu của các hiệp hội y tế – “khuyến cáo” điều đó.

Chúng tôi không tham gia vào cuộc tranh cãi về y tế và văn hóa của những người phản đối vắc-xin, cái gọi là No-Vax, và những người thậm chí phủ nhận rằng có một đại dịch, Deniers. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nêu vấn đề của những người, vì lý do lương tâm, phản đối việc sử dụng loại vắc-xin mà trong một số giai đoạn nhất định có sử dụng các dòng có nguồn gốc từ tế bào thai nhi.

Lưu ý gần đây nêu rõ rằng “tất cả các loại vắc-xin được công nhận là an toàn và hiệu quả về mặt lâm sàng đều có thể được sử dụng với lương tâm trong sáng” và do đó, sẽ không có lý do gì để không tuân theo luật dân sự yêu cầu tiêm chủng hoặc để đòi hỏi miễn trừ vì lý do lương tâm của bất kỳ yêu cầu tiêm chủng nào.

Đáp lại yêu cầu của một số mục tử và tín hữu, Ghi chú của Thánh bộ thừa nhận việc không tiêm chủng vì lý do lương tâm, nhưng nhắc lại, chính vì những lý do bác ái nghiêm túc đối với người lân cận, những người từ chối tiêm chủng có nghĩa vụ phải “cố gắng tránh, bằng các biện pháp dự phòng khác và các hành vi thích hợp, trở thành phương tiện truyền tác nhân truyền nhiễm. Trên thực tế, những người từ chối tiêm chủng, miễn là nguy cơ đại dịch vẫn còn, phải đeo khẩu trang, tránh tụ tập, kể cả các buổi cử hành phụng vụ, giữ khoảng cách với xã hội, cách ly bản thân nếu các triệu chứng đáng ngờ xuất hiện.

Tính đến sự khó khăn khi thực hiện những hành vi đó, theo chúng tôi, về nguyên tắc, không ai có thể tiêm chủng mà lại nên từ chối tiêm chủng, cho dù việc tiêm chủng có được luật pháp nhà nước áp đặt hay không. Bởi vì người ta có thể liều lĩnh sức khỏe của chính mình vì những lý do lý tưởng, tuy nhiên, người ta không được phép gây nguy hiểm cho sức khỏe của người khác, và trên hết là của những người dễ bị tổn thương nhất.

Maurizio P. Faggioni, OFM

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết