'COVID-19 không biết đến biên giới': Đức Giáo hoàng kêu gọi ngừng bắn toàn cầu

March292020

Đức Giáo hoàng ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn cầu, khi các quốc gia làm việc để bảo vệ dân chúng của họ khỏi đại dịch coronavirus.

“Tình trạng khẩn cấp hiện tại của COVID-19 không biết đến biên giới”, Đức Giáo hoàng nói hôm nay, Chúa Nhật ngày 29 tháng 3 trong buổi phát sóng Kinh Truyền tin của ngài.

Đức Giáo hoàng kêu gọi các quốc gia đang có xung đột hãy làm theo lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, vào ngày 23 tháng 3, về một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở tất cả các nơi trên thế giới, tập trung vào cuộc chiến thực sự đe doạ cuộc sống của chúng ta, trận chiến chống lại coronavirus.

Đức Giáo hoàng nói: “Tôi mời gọi mọi người ngăn chặn mọi hình thức thù địch chiến tranh, thúc đẩy việc tạo hành lang cho viện trợ nhân đạo, cởi mở với ngoại giao, chú ý đến những người đang ở trong những tình huống dễ bị tổn thương hơn cả”.

“Các cuộc xung đột không thể được giải quyết thông qua chiến tranh”, ngài nói thêm. “Cần phải vượt qua những đối nghịch và những khác biệt thông qua đối thoại và những nỗ lực mang tính xây dựng trong việc tìm kiếm hoà bình”.

Sau khi lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, coronavirus hiện đã lan rộng ra hơn 180 quốc gia.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói rằng lệnh ngừng bắn toàn cầu sẽ giúp tạo ra các hành lang cho viện trợ cứu sinh, và mang lại hy vọng cho những nơi dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19. Ông cho biết, các trại tị nạn và những cộng đồng dân chúng có điều kiện sức khỏe kém, hiện đang có nguy cơ bị tổn thất nặng nề nhất.

Guterres đặc biệt kêu gọi những chiến binh ở Yemen chấm dứt chiến sự, vì những nhà hoạt động nhân đạo của Liên Hợp Quốc lo sợ hậu quả tàn khốc của đại dịch COVID-19 đối với Yemen, bởi vì nước này đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Cả hai lực lượng do Saudi dẫn đầu và phong trào Houthi liên kết với Iran ở Yemen đều đáp ứng với lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc về lệnh ngừng bắn vào ngày 25 tháng 3, theo Reuters.

“Cam kết chung chống lại đại dịch có thể khiến mọi người nhận ra nhu cầu của chúng ta là phải tăng cường tình huynh đệ như là những thành viên của một gia đình duy nhất”, Đức Giáo hoàng nói.

Đức Giáo hoàng cũng kêu gọi các cơ quan chính phủ nhạy cảm với sự tổn thương của các tù nhân trong đại dịch coronavirus.

“Tôi đã đọc một bản ghi nhớ chính thức từ Ủy ban Nhân quyền nói về vấn đề nhà tù quá tải, có thể trở thành một thảm kịch”, ngài nói.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã đưa ra cảnh báo vào ngày 25 tháng 3 về những tác động tàn phá thảm khốc mà COVID-19 có thể gây ra trong các nhà tù quá đông và các trung tâm giam giữ chật cứng người nhập cư trên khắp thế giới.

“Ở nhiều nước, các cơ sở giam giữ quá đông đúc, trong một số trường hợp rất nguy hiểm. Mọi người thường bị giam giữ trong điều kiện mất vệ sinh và các dịch vụ y tế không đầy đủ hoặc thậm chí không tồn tại. Khoảng cách vật lý và tự cách ly trong điều kiện như vậy, thực tế là không thể”, bà Bach Bachet nói.

“Với sự bùng phát của dịch bệnh, và số ca tử vong ngày càng tăng đã được báo cáo tại các nhà tù và các tổ chức khác ở một số quốc gia, các chính quyền nên hành động ngay bây giờ để ngăn chặn sự mất mát thêm nữa của những người bị giam giữ và các nhân viên làm việc ở đó”, bà nói.

Cao ủy cũng kêu gọi các chính phủ thả tù nhân chính trị và thực hiện các biện pháp y tế tại các cơ sở khác, nơi mọi người phải ở cùng nhau, chẳng hạn như các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, viện dưỡng lão và trại trẻ mồ côi.

“Tại thời điểm này, tôi đặc biệt nghĩ đến tất cả những người phải chịu tổn thương khi bị buộc phải sống trong một nhóm”, Đức Giáo hoàng tâm sự.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết