Các giám mục, linh mục và các nữ tu từ hơn 50 quốc gia trên toàn cầu đã viết thư cho tổ chức từ thiện Công giáo hàng đầu đề nghị những buổi cầu nguyện để đối phó với đại dịch và đồng thời cảnh báo về thảm họa khi nó lan sang một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Từ Brazil tại Châu Mỹ Latinh cho đến Philippines ở Đông Nam Á, trải khắp Châu Phi, Trung Đông, khắp Đông Âu, bao gồm cả Ukraine và xa hơn nữa, các thông điệp cầu nguyện và liên đới đã được gửi đến từ các đối tác dự án của Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN) và các nhà hảo tâm của nó.
Viết qua email, nhiều giáo sĩ nhấn mạnh sự lo ngại rằng COVID-19 tất nhiên sẽ tạo ra sự tàn phá ở các nước đang phát triển, ảnh hưởng đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, nhiều người có nguy cơ bị nhiễm bệnh và phải vật lộn để có đủ miếng ăn do kết quả của các biện pháp phong tỏa cần thiết.
Thông điệp được đưa ra sau khi ACN công bố gói viện trợ trị giá 5 triệu euro (4,35 bảng Anh) cho các linh mục và nữ tu, nhiều người trong số họ hiện đang trên tuyến đầu chăm sóc các nạn nhân nhiễm coronavirus và gia đình họ.
Tại Kossogha, Burkina Faso, các nhân viên tại Chủng viện Thánh Phêrô và Phaolô đã báo cáo rằng họ và các chủng sinh đã bị cách ly sau khi Linh mục Giám đốc, Cha Justin Savadogo, 67 tuổi, qua đời vì COVID-19 vào thứ Năm (16 tháng Tư).
Bị mắc kẹt tại Uganda, do tất cả các chuyến bay đến Ý đều đã bị hủy bỏ, nhà truyền giáo thuộc Dòng Thánh Phanxicô thành Sales, Cha Thomas Varghesev đã viết: “Khi chúng ta nhấn thấy rằng hàng ngàn người ngã quỵ tại châu Âu và Hoa Kỳ, nơi mà các hệ thống y tế phát triển tột bậc, chúng ta đã nghĩ: tình hình sẽ như thế nào nếu coronavirus bám lấy các quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi có thể không có nổi 100 máy thở hoạt động trên cả nước? Điều đó sẽ trở thành thảm họa”.
Từ Miến Điện (Myanmar), một linh mục được yêu cầu giấu tên đã viết cho tổ chức từ thiện: “Chúng tôi cũng bị báo động bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu này và, cùng với nhau với tư cách là một cộng đồng nhân loại, chúng tôi cũng đang cầu nguyện cho sự thịnh vượng của toàn cộng đồng. Chúng tôi cũng nhớ tới tổ chức ACN của quý vị”.
Viết từ Aleppo, Syria, vị Linh mục Công giáo Armenia, Cha Antoine Tahhan, đã nhắn nhủ với ACN rằng, sau chín năm xung đột, người dân rất dễ bị tổn thương bởi virut, với nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng và nhiều bệnh viện và các trung tâm y tế khác đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần.
Mô tả các biện pháp phong tỏa rộng rãi tại Aleppo, bao gồm cả việc đóng cửa các nhà thờ, Cha Tahhan viết: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đang trạng thái mong manh và đây chính là căn nguyên của những lo ngại về việc virus có thể lây lan trong dân chúng”.
Mô tả tình hình tại một ngôi làng hẻo lánh ở Andhra Pradesh, đông nam Ấn Độ, Linh mục Anthony đã viết: “Tôi xin mọi người cầu nguyện cho chúng tôi. Các trường hợp dương tính với coronavirus đang tăng lên hàng ngày. Gần giáo xứ của tôi, có 19 trường hợp dương tính với loại vi rút này nên chúng tôi rất lo sợ”.
Tổ chức ACN đã thiết lập sáng kiến mang tên ‘Tiếng chuông cầu nguyện’, kêu gọi các Nữ tu trên khắp thế giới cầu nguyện trong đại dịch này và trong vòng 48 giờ, 35 Dòng tu từ 17 quốc gia – trong đó có Cameroon, Bangladesh, Peru và Bulgaria – đã phản hồi và tham gia sáng kiến.
Từ Dòng các Nữ tu Camêlô Đi Chân Đất ở Jalingo, Nigeria đã đưa ra thông điệp: “Cộng đoàn của chúng tôi rất biết ơn ACN và tất cả các nhà hảo tâm của quý vị vì tất cả những gì quý vị đã làm cho chúng tôi trong nhiều năm qua”.
“Chúng tôi luôn nhớ đến quý vị trong những lời cầu nguyện của chúng tôi, nguyện xin Thiên Chúa thương lắng nghe tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta nài van Người trong thời điểm khốn quẫn này”
Minh Tuệ (theo Zenit)