
Ảnh: Brian McGowan/ Unsplash
Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã từng đọc một bài viết trên tờ tạp chí Công giáo Catholic Digest của mẹ tôi về một vị Thánh lúc nào cũng nghĩ về Thiên Chúa. Điều đó đúng: hầu như lúc nào cũng vậy. Tôi không nhớ vị Thánh đó là ai hay bất cứ điều gì khác trong câu chuyện về cuộc đời họ, nhưng tôi vẫn có thể nhớ lại sự pha trộn giữa những kinh ngạc, hoài nghi và thách thức mà một ý tưởng như vậy đã khuấy động trong tôi. Trong những ngày đại dịch và sống cách ly xã hội này, tôi đã trở lại với ý tưởng này khi một điều gì đó khác cạnh tranh để thống trị cuộc sống, cả bên ngoài lẫn bên trong.
Về vẻ bề ngoài của nó, việc liên tục nghĩ về Thiên Chúa dường như không chỉ là không thể, mà còn là điều không mong muốn. Chúng ta biết một cách tự nhiên rằng việc luôn luôn ám ảnh về một điều gì đó không phải là một cách sống lành mạnh. Những nỗi sợ hãi và lo lắng do COVID-19 gây ra cung cấp bằng chứng rõ ràng về điều này, nhưng chúng ta cũng biết sự vô ích của việc tự nói với bản thân rằng đừng nghĩ về điều gì đó.
Một trong những lý do khiến cho đại dịch đã thống trị phần lớn cuộc sống của chúng ta đó là nó dường như nó có mặt khắp nơi. Nó đã thấm nhập và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống và ý thức của chúng ta, từ việc làm việc ở nhà và việc học tập từ xa cho đến giờ ‘happy hour’ trong ứng dụng Zoom với bạn bè. Nhưng việc nói rằng nó có mặt ở khắp nơi là tạo cho nó một đặc tính chỉ thực sự áp dụng cho Thiên Chúa, nghĩa là biến nó trở thành một thần tượng. Chắc chắn, cần phải thận trọng và cần thiết phải điều chỉnh cuộc sống hàng ngày của chúng ta để giảm thiểu tác động của virus và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Điều này không có nghĩa là nó phải chiếm giữ tâm trí của chúng ta mọi lúc và sai khiến cuộc sống của chúng ta một cách hoàn toàn. COVID-19 không phải là Thiên Chúa, và chắc chắn không đáng phải chú ý hơn Thiên Chúa.
Làm thế nào chúng ta có thể quay lưng lại với việc tôn thờ virus thông qua sự chú ý và sợ hãi thường xuyên của chúng ta? Từ việc biến nó trở thành một thần tượng mà chúng ta lúc nào cũng nhớ đến mà không cần đến sự trợ giúp, như thể nó thực sự có mặt ở khắp nơi? Câu trả lời phải là hãy noi theo gương của vị Thánh trong cuốn tạp chí của mẹ tôi: hãy nghĩ về Thiên Chúa.
Mặc dù việc liên tục suy nghĩ về Thiên Chúa không phải là không có rủi ro – chúng ta có nguy cơ chỉ đơn thuần là đặt ra một thần tượng ở vị trí khác. Đôi khi chúng ta có thể có những hình ảnh sai lệch và không có ích về Thiên Chúa, cho dù đó là “vị thần Santa Claus”, người biết rằng chúng ta xấu hay tốt và tuyên thưởng hay trừng phạt tùy theo đó, hay một “Thiên Chúa xa cách”, người hiếm khi bận tâm đến những vấn đề của con người. Nếu chúng ta bám vào một hình ảnh giới hạn về Thiên Chúa, ngay cả khi nó nắm bắt được một phần chân lý về thần linh, nó sẽ bóp nghẹt chúng ta nếu chúng ta chỉ dành những suy nghĩ của mình cho nó. Những hình ảnh này về Thiên Chúa cũng có thể trở thành những thần tượng sai lệch trong cuộc sống của chúng ta.
Thiên Chúa siêu việt thực sự của Kitô giáo không hiện diện ở khắp mọi nơi như là một kẻ xâm lược xa lạ, cũng không phải là một tấm chăn ngột ngạt bao trùm tất cả mọi thứ, mà đúng hơn là Thiên Chúa ở khắp nơi như không khí hoặc trọng lực. Thiên Chúa là mặt đất bên dưới chúng ta nâng chúng ta lên.
Việc liên tục suy nghĩ về Thiên Chúa không có nghĩa là giới hạn ý thức của chúng ta, nhưng giải phóng nó. Không có gì bạn có thể nghĩ về điều đó mà không liên quan đến Thiên Chúa. Tất cả mọi thứ tồn tại đều tốt đẹp, một món quà từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta luôn luôn nghĩ về Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, chúng ta chỉ là đang suy nghĩ một cách thực sự, nhận ra thực tế cơ bản này của sự tồn tại.
Trên thực tế, nỗi sợ hãi coronavirus có thể tạo cho chúng ta cơ hội để hướng về Thiên Chúa thực sự hiện diện ở khắp mọi nơi để được an ủi. Mỗi khi tôi nghĩ đến virus hoặc đọc các tin tức liên quan, tôi cố gắng có ý thức hướng những suy nghĩ của mình về Thiên Chúa, hoặc cầu xin sự trợ giúp cho những người cần giúp đỡ. Việc suy nghĩ về Thiên Chúa, cùng với việc chăm sóc sức khỏe về thể chất, xã hội, tâm lý của chúng ta, sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta về mặt tâm linh trong những thời điểm ngoại thường này.
Mặc dù có vẻ như coronavirus hiện đang có ở khắp mọi nơi, nhưng thực tế là Thiên Chúa mới hiện diện ở khắp mọi nơi. Và ở giữa tất cả những điều này, Thiên Chúa đang yêu thương tìm kiếm bạn. Hãy suy nghĩ về điều đó.
Brendan Gottschall, SJ
Minh Tuệ (theo The Jesuit Post)