Vào thời điểm sự chú ý của thế giới tập trung vào sự bùng phát của coronavirus, các tín hữu Công giáo không nên sợ hãi mà thay vào đó nên quan tâm đến bản thân và những người khác, kể cả bằng phương tiện cầu nguyện, theo Đức Cha Broderick Soncuaco Pabillo, Giám mục Phụ tá Địa phận Manila.
Trong một thông điệp được đăng tải hôm 4/2 trên phương tiện truyền thông xã hội, vị Giám chức, chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Philippines (CBCP), lưu ý rằng: “Sự lo lắng, tuy nhiên, không có nghĩa là sợ hãi, chưa kể đến là cảm thấy bất lực. Thông tin thích hợp, kịp thời và đúng thời điểm là hết sức cần thiết để tránh điều này. Những tin tức sai lệch, một mặt, có thể gây hoảng loạn, và mặt khác nó cũng có thể tạo ra sự tự mãn”.
Đức Giám mục Pabillo thừa nhận rằng “tình hình quả là hết sức nghiêm trọng”, nhưng các bước đã được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Sau khi chia sẻ cho mọi người biết phải làm gì để tránh lây nhiễm, vị Giám chức nhấn mạnh rằng, “Thiện ích chung và sự an toàn của người dân phải là sự cân nhắc hàng đầu của các chính phủ và các tổ chức, chứ không phải là các động cơ chính trị, chưa kể đến những mối bận tâm về lợi nhuận”.
Vì lý do này, “những thông tin đúng đắn và kịp thời phải được cung cấp cho tất cả mọi người. Điều này không chỉ bao gồm mức độ lây lan và những cái chết đã gây ra, mà còn bao gồm những người đã hồi phục và các phương pháp chữa trị đang được phát hiện”.
Trên thực tế, “Chúng ta không chỉ cần những tin xấu mà còn cần cả những tin thức tốt lành, và những tin vui mừng này thì cũng rất nhiều”. Thật vậy, “Điều quan trọng đó là thông tin được đưa ra về các sáng kiến được thực hiện để thể hiện sự lien đới và quan tâm đến tất cả mọi người”.
Ví dụ như, “Quả thực vô cùng ấm lòng khi Vatican, một quốc gia nhỏ bé như vậy, đã gửi hơn 600.000 khẩu trang y tế đến các tỉnh Hồ Bắc, Chiết Giang và Phúc Kiến [. . .] Những cử chỉ truyền cảm hứng như thế này sẽ nhân lên và tạo ra sự liên đới toàn cầu”.
Đức Giám mục Pabillo cũng kêu gọi các Kitô hữu tạo ra sự đóng góp của họ thông qua việc cầu nguyện. “Trong suốt lịch sử, chúng ta đã nhận thấy rằng các trận dịch bệnh đã bị ngăn chặn không chỉ thông qua các phương tiện y tế mà còn qua những lời cầu nguyện và những hành động từ thiện bác ái cao đẹp”.
“Dù cho chúng ta ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ trạng thái nào, đau yếu bệnh tật hay khỏe mạnh, tất cả chúng ta cũng đều có thể cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu khẩn Thiên Chúa Toàn Năng bảo vệ chúng ta, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chữa lành những người bị truyền nhiễm, đón nhận linh hồn những người đã qua đời và an ủi gia quyến của họ. Đây chính là một nguồn an ủi to lớn mà các Kitô hữu chúng ta có – sức mạnh của sự liên đới trong tinh thần cầu nguyện và trong đức ái”.
Trong khi đó sáng hôm 5/2, Bộ Y tế Philippines (DOH) đã xác nhận trường hợp thứ ba bị lây nhiễm vi rút 2019-nCoV. Hiện tại, 133 người đang được kiểm tra để xác định xem họ có nhiễm virus hay không. Philippines là quốc gia đầu tiên có người tử vong vì vi rút này sau Trung Quốc.
Về phần mình, HĐGM Philippines đã ban hành thông tư vào ngày 29 tháng 1 cho tất cả các Giáo phận với các hướng dẫn về cách thức chống lại sự lây lan của virus.
HĐGM Philippines cũng bắt đầu một “Oratio Imperata” (lời cầu nguyện buộc đọc) đối với những người bị ảnh hưởng bởi virus và để ngăn chặn dịch bệnh toàn cầu. Bắt đầu từ Chúa nhật tuần trước, lời cầu nguyện này được đọc trong Thánh lễ vào các ngày trong tuần và cuối tuần sau khi Rước lễ, và mọi người cùng quỳ gối.
Minh Tuệ (theo Asia News)