Đại dịch coronavirus là một kinh nghiệm chung đối với tất cả mọi cư dân trên thế giới, nhưng nó không phải là cùng một kinh nghiệm đối với tất cả mọi người.
Andrew Cuomo, thống đốc New York, đã gọi Covid-19, là “đòn cân bằng tuyệt vời” trong một dòng tweet được đăng tải vào ngày 31 tháng 3, và ông nói rất đúng rằng bệnh tật và cái chết, cuối cùng, không tôn trọng kẻ quyền thế hay được đặc quyền đặc lợi. Điều này không có nghĩa là những sự bất bình đẳng xã hội không còn quan trọng. Trong trận đại dịch cúm năm 1918, tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều đối với những người dân ở các khu dân cư nghèo, đông đúc hơn và đã có bằng chứng cho thấy coronavirus lan truyền nhanh hơn ở các hộ gia đình có thu nhập thấp và đặc biệt là người Mỹ da đen.
Đối với một số người Mỹ, những khía cạnh khó khăn nhất của đại dịch đó là việc bị cuồng chân tù túng trong nhà và thuật ngữ “giữ khoảng cách xã hội”, một cụm từ với những ý nghĩa rõ ràng mang tính phi Kitô giáo. Đối với nhiều triệu người Mỹ khác, việc giữ khoảng cách xã hội hoàn toàn không phải là một lựa chọn. Các nhân viên y tế phải ở lại chiến tuyến chống lại virus và các quan chức an toàn công cộng phải cảnh giác hơn bao giờ hết. Đội ngũ nhân viên của các cửa hàng tạp hóa và các nhà thuốc, cũng như đội ngũ nhân viên giao hàng bằng xe tải hoặc xe đạp, vẫn phải đang làm việc, phải dành nhiều thời gian để làm sạch mọi thứ họ hoặc khách hàng của họ chạm vào.
Những người này và những người lao động thiết yếu khác tập trung ở những khu vực nghèo hơn, và tờ New York Times gần đây đã báo cáo rằng mặc dù tổng số người đi tàu điện ngầm ở thành phố lớn nhất quốc gia này đã giảm 87%, nhưng chỉ giảm một nửa ở một số trạm được sử dụng bởi những người lao động có thu nhập thấp. Việc làm việc tại nhà đơn giản không phải là một lựa chọn cho hầu hết những người may mắn vẫn có việc làm.
Nhiều người trong số những người lao động thiết yếu này đều có con nhỏ và không thể dành nhiều giờ mỗi ngày để kèm cặp việc học tại nhà hoặc đảm bảo rằng con cái của họ theo kịp các bạn bè đồng trang lứa của chúng. Trẻ em, thành phần không thể bị bỏ mặc không được quan tâm chú ý, có thể được gửi nhờ ở nhà bạn bè hoặc người thân của họ trong suốt thời gian đi làm trong ngày, làm tăng nguy cơ lây lan vi-rút.
Hàng triệu người Mỹ khác sống trong môi trường đông người nơi mà họ có ít hoặc không kiểm soát được có bao nhiêu người ở gần họ. Đầu tiên, có 1,5 triệu cư dân trong các viện dưỡng lão, chẳng hạn như căn hộ ở Tiểu bang Washington, nơi hàng chục người chết vì coronavirus trong một trong những vụ bùng phát coronavirus sớm nhất ở Hoa Kỳ.
Ngoài ra còn có hơn hai triệu người trong các cơ sở cải huấn tại bất kỳ thời điểm nào và khoảng 200.000 người ra vào các nhà tù mỗi tuần. Thêm vào đó là nửa triệu sĩ quan cải huấn và các viên chức luật pháp, và không có gì lạ khi các nhà tù đã trở thành điểm nóng của coronavirus, khiến Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các nhà chức trách “nhạy cảm với vấn đề nghiêm trọng này”.
Ngoài ra, khoảng 1,3 triệu người là quân nhân tại chức, nhiều người trong tình trạng đông đúc như những người trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt, người đã bị sa thải sau khi viết thư đồng thời cho nhiều cấp trên với cảnh báo rằng virus đã lây lan trong số phi hành đoàn của mình.
Kế đến, có nửa triệu người vô gia cư ở Hoa Kỳ phải nắm lấy cơ hội của họ trong các bếp ăn từ thiện quá đông người và các cơ sở trú ẩn cho người vô gia cư.
Virus coronavirus cũng là một mối đe dọa toàn diện đối với hàng ngàn người xin tị nạn và những người di cư khác bị mắc kẹt trong các trung tâm giam giữ và trong các trại tập trung tạm thời ở phía bên kia biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Tại Hoa Kỳ, những người di cư không có giấy tờ có lý do chính đáng để lo sợ về việc tìm kiếm sự chăm sóc sức khỏe và có nguy cơ bị trục xuất. Những người thuộc diện DACA (Chương trình Tạm hoãn Hành động Trục xuất đối với Trẻ em đến Hoa kỳ tờ thuở thơ ấu), nhiều người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phải lo lắng về cả đại dịch lẫn khả năng Tòa án Tối cao sẽ giữ nguyên quyết định của chính quyền Trump để hủy bỏ chương trình này và xóa bỏ tư cách pháp lý của họ.
Các nhóm khác đã thêm phần khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thậm chí trong việc có được thông tin chính xác về đại dịch, bao gồm cả những người không có khả năng truy cập internet và những người không nói tiếng Anh. Những người khuyết tật sợ bị phân biệt đối xử nếu họ cần chăm sóc y tế, đặc biệt là nếu như cảnh tượng kinh hoàng của việc “khẩu phần ăn” nảy sinh. Những người dân Mỹ có nguy cơ bị mất bảo hiểm y tế do nhà tuyển dụng tài trợ vì mất việc – một nhóm tăng 3,5 triệu người chỉ sau hai tuần lễ theo ước tính – lo sợ sẽ bị quên lãng nếu như họ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Mục đích ở đây không phải là để chế nhạo những người đang cố gắng giữ sự cách ly tốt nhất và thực hiện việc giữ khoảng cách xã hội, cho dù bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, học cách nướng bánh mì hay cố gắng thi đua với Shakespeare, người được cho là đã vượt qua khoảng thời gian cách ly trong thời gian dịch bệnh bằng cách viết tác phẩm “King Lear” (Vua Lia). Nhưng hầu hết mọi người không thể tiếp cận với coronavirus như một cơ hội để suy ngẫm hoặc tự cải thiện mình.
Hãy ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa nếu gia đình bạn vượt qua điều này, nhưng đừng cho rằng tất cả mọi người đều may mắn, hoặc đại dịch đã qua khi một số người trong chúng ta có thể thực hiện các bước hướng tới cuộc sống bình thường. Hãy nhớ những điều mà Linh mục Arturo Sosa, Bề trên Tổng Quyền Dòng Tên, gần đây đã nói về cuộc khủng hoảng: “Chúng ta là một nhân loại …. Mỗi người trong chúng ta đều là một thành viên trong đó; không ai bị bỏ rơi; không ai trong chúng ta có thể làm gì mà không cần có người khác”.
Minh Tuệ (theo America)