Bộ Khoa học và Công nghệ đã không được thẩm định công nghệ sản xuất mà Công ty Formosa sử dụng ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Trớ trêu: Bộ Công thương thẩm định công nghệ
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học Công nghệ sáng 5/6, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ của bộ này cho biết: Tại thời điểm Formosa đầu tư, cơ quan chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt đầu tư là UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo quy định, tỉnh Hà Tĩnh gửi công văn kèm theo Báo cáo tiền khả thi cho Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 2008) xin ý kiến. Với nội dung thông tin trong báo cáo tiền khả thi, đó là báo cáo sơ bộ, chưa có nội dung đầu tư.
Toàn bộ quá trình tiếp theo, nhất là việc thiết kế xây dựng nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Bộ KHCN không thẩm định mà lại do Bộ Công thương thẩm định, theo Luật Đầu tư 2005.
Ông Nam giải thích, khi luật Đầu tư 2005 được ban hành, hợp nhất luật đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, phần giải trình về công nghệ đã được đơn giản hóa. Việc đơn giản hóa thủ tục để rút ngắn thời gian cấp phép dự án đồng nghĩa với việc không có đủ thông tin về công nghệ để xem xét, thẩm định ở giai đoạn cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Theo Luật Đầu tư năm 2005, việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư là do UBND tỉnh. Thiết kế sản xuất của Formosa là do Bộ Công thương phê duyệt. Hiện nay, các công nghệ vào Việt Nam hầu như chưa được kiểm soát vì chúng tôi chỉ biết về mặt hồ sơ. Khi xảy ra vấn đề, người ta mới hỏi đến Bộ Khoa học và Công nghệ. Đó là một trong những vấn đề mà tôi cho là kẽ hở trong pháp luật hiện nay của chúng ta”, ông Nam nói.
Thả gà ra đuổi
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Hoài Nam cũng cho biết, đối với những dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng như Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải hỏi ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi cấp phép. Khi đó (2008), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn xin ý kiến kèm theo báo cáo tiền khả thi dự án.
Tuy nhiên, trong báo cáo tiền khả thi, Formosa chỉ nêu công nghệ mà họ sử dụng là công nghệ lò cao truyền thống chứ không hề có thông tin chi tiết về thiết kế kỹ thuật. Vì thế, trong văn bản trả lời, Bộ KHCN chỉ khẳng định, đây là công nghệ được sử dụng phổ biến trong các nhà máy luyện gang thép và không phải là công nghệ mới.
Mới đây, trả lời báo chí, Bộ trưởng TN&MT cho biết, sắp tới sẽ yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ cũ sang công nghệ thân thiện với môi trường.
Và, ông Nam cho rằng, tới đây, khi Formosa bị yêu cầu phải thay đổi công nghệ thì vẫn phải chịu sự giám sát của Bộ Công thương, chứ không phải Bộ KHCN.
Điều đáng nói là, lẽ ra khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải đưa ra các phương án công nghệ để lựa chọn phê duyệt thì Luật Đầu tư 2005 lại cho phép đơn giản hóa các thủ tục ban đầu mà hy vọng vào việc hậu kiểm.
Khi sự đã rồi, Formosa đã lợi dụng được kẽ hở của luật pháp VN, đưa vào sử dụng công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Hậu quả, chưa chính thức đưa vào vận hành nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp trên 4 tỉnh miền Trung, khiến cá chết hàng loạt, hàng triệu người dân rơi vào cảnh lầm than.
Không hiểu Bộ Tài – Môi sẽ làm thế nào để có thể buộc Formosa chuyển sang sử dụng công nghệ mới, hiện đại hơn. Trong khi, như Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc nói với các nhà báo: “Trong bộ máy Nhà nước, mỗi cơ quan, đơn vị có một chức năng nhất định, không thể làm thay được”.
Cách làm việc của nhà nước VN, chẳng khác gì thả gà ra đuổi.
Teresa Nguyễn