ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER
VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (V)
Thiên Chúa của các triết gia thường là Thiên Chúa của các nguyên lý, nghĩa là Thiên Chúa được đồng hóa với các nguyên lý tối hậu, cứng đọng, không có tương quan. Còn Thiên Chúa của mạc khải Kinh Thánh thì hoàn toàn khác: Người là Thiên Chúa ngội vị, có tương giao nghĩa thiết với dân của Người.
Danh tánh Thiên Chúa gắn với lòng chạnh thương của Người
Thiên Chúa của mạc khải Kinh Thánh là Thiên Chúa thấy được nỗi khốn khổ của dân Người và lắng nghe được tiếng kêu cứu của dân Người: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng” (Xh 3, 7 – 8).
Trước cảnh Isarael phải làm thân tôi đòi khổ cực bên Ai Cập, Thiên Chúa đã không cầm lòng được, Người đã chạnh thương dân Người, Người đã quyết định nói ra danh tánh của Người, Người đã truyền cho Môsê đi nói cho dân chúng đang chịu cảnh lầm than biết về danh tánh của Người: “Ta là Đấng Hiện Hữu… Ngươi nói với con cái Israel thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em’” (Xh 3, 14).
Trong bối cảnh của nền văn hóa Do thái, một nền văn hóa nhấn mạnh đến tương giao hơn là nhấn mạnh đến lẽ khôn ngoan trong việc tìm kiếm chân lý như kiểu văn hóa, triết lý Hy Lạp, thì khi Thiên Chúa phán: Ta là Đấng Hiện Hữu, có nghĩa là Thiên Chúa muốn nói rằng: Ta đang ở với ngươi và vì ngươi; Ta ở với ngươi, đồng hành với ngươi và lắng nghe được tiếng ngươi kêu cứu trong nỗi khốn cùng của ngươi.
Tắt một lời, danh tánh Thiên Chúa được tỏ bày với dân Israel là danh tánh về một Đấng hằng chạnh thương dân khi dân chịu cảnh lầm than, vất vưởng nơi đất khách quê người. Thiên Chúa tỏ bày danh tánh của Người cũng đồng nghĩa với việc Người, với tất cả lòng chạnh thương, quyết định ở với dân Người, đồng hành với dân Người và giải thoát dân Người khỏi cảnh lầm than, khốn cực.
Công lý của Thiên Chúa được tỏ bày vì lòng xót thương
Tưởng rằng kinh nghiệm được lòng chạnh thương của Thiên Chúa giải thoát mình khỏi cảnh khốn cực bên đất Ai Cập, thì Irael sẽ một mực trung thành đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa, nhưng thực tế thì ngược lại: Israel chạy theo các thần ngoại bang và xa rời đường lối Thiên Chúa. Dân phản nghịch cùng Chúa và năm lần bảy lượt bất nghĩa bất trung với Chúa.
Ngược lại, về phía Thiên Chúa, Người vẫn một mực thành tín trong việc tỏ lòng xót thương của Người đối với dân Người. Công lý của Thiên Chúa xét theo lẽ tự nhiên con người thì dường như là đã bị đảo lộn, vì dân lỗi lầm, quay lưng lại với Chúa, thì lẽ ra Chúa phải trừng phạt họ, nhưng đằng này thay vì trừng phạt, Chúa lại “mủi lòng” mà công bố tình xót thương và ơn tha thứ cho dân Người (x. Hs 11, 8).
Có thể nói, công lý của Thiên Chúa thì khác hẳn với công lý của con người. Với quan niệm về công lý của con người, một khi người ta lầm lỗi thì dứt khoát phải bị trừng phạt. Nói cách khác, công lý theo lý lẽ của con người phải gắn liền với sự trừng phạt, giết chết kẻ có tội. Nhưng công lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác: Thay vì trừng phạt ngay tức thời lỗi lầm của dân, Thiên Chúa kiên nhẫn tìm cách lôi kéo dân ra khỏi tình trạng tội lỗi, bất nghĩa bất trung. Thiên Chúa chẳng vui thú gì khi thấy kẻ có tội phải chết. Nhưng Người vui mừng khi thấy kẻ có tội sám hối để được sống (x. Ed 18, 23; 33, 11). Do đó, công lý của Thiên Chúa là thay vì giết chết thì là cứu thoát, là chữa lành. Và như thế, công lý của Thiên Chúa làm sáng tỏ hơn nữa lòng thương xót của Người, chứ công lý không đi ngược với lòng xót thương của Người.
Nhận biết được lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Người nhẫn nại và trung tín tỏ tình thương cứu vớt ngay cả khi mình lỗi lầm, nên dân Chúa đã hát lên lời ca tụng, tri ân: “Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin” (Tv 86, 5).
Như thế, với sự trung tín và kiên nhẫn, công lý của Thiên Chúa đã vượt thắng trên tội lỗi của dân Người. Công lý của Thiên Chúa được thể hiện khi dân Chúa biết bỏ đường tà mà quay về với Chúa để được sống.
Nhưng cũng có lúc, trước tội ác của dân, Thiên Chúa đùng đùng nổi giận. Cơn giận của Thiên Chúa có lúc như thể lên đến đỉnh điểm, tới mức Người như muốn bỏ mặc dân Người, chẳng còn dủ tình xót thương họ nữa.
Tuy vậy, cơn giận của Thiên Chúa cũng chỉ là nhất thời. Chúa cũng chỉ vì đầy tình xót thương mà giận dữ. Và qua cơn giận dữ nhất thời của Thiên Chúa, qua việc Chúa như thể bỏ mặc dân Chúa trong một thời gian ngắn, dân Chúa có cơ hội nghĩ lại hành động gian ác của mình mà hoán cải và cậy trông lòng thương xót của Người. Qua miệng các ngôn sứ, Người phán với dân Người: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót” (Is 54, 7 – 8). Dù có giận dữ với dân cách mấy, thì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình xót thương dân Người: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54, 10).
Với lòng xót thương, Thiên Chúa ưu ái người nghèo
Trước một đám dân đến năm lần bảy lượt phản trắc lại với Thiên Chúa mà Thiên Chúa vẫn không quên xót thương họ, huống hồ là trước những kẻ nghèo hèn, khốn khổ, làm sao Thiên Chúa có thể lãng quên họ cho đành! Lòng chạnh thương của Thiên Chúa trước hết và trên hết hướng đến kẻ khốn khổ, nghèo hèn.
Xét trên bình diện cộng đoàn, sở dĩ giữa muôn vàn dân tộc, Thiên Chúa tuyển chọn Israel là dân riêng của Người vì họ là đám dân khốn khổ, nghèo hèn nhất giữa các dân. Nói cách khác, vì nghèo hèn, khốn cực nơi đất khách quê người mà Israel đã trở thành đối tượng đặc biệt của lòng thương xót Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, khi kinh nghiệm được lòng Chúa xót thương mình vì mình nghèo hèn, bơ vơ, khổ cực nơi đất khách quê người, thì Israel cũng được Thiên Chúa nhắc nhớ rằng dù sống ở mảnh đất nào, dù đi đâu thì dứt khoát họ phải có sự ưu ái cách đặc biệt với nhóm dân ngoại kiều, nhưng cô nhi quả phụ sống giữa họ (Xh 22, 20; Đnl 10, 19; 24, 22). Thiên Chúa đã tỏ tình thương xót với họ ra sao khi họ còn ở bên đất Ai Cập, thì bây giờ họ cũng phải tỏ lòng xót thương với nhóm dân ngoại kiểu sống giữa họ như vậy (Xh 22, 20 – 26).
Trên bình diện cá nhân, ngay cả những kẻ tội lỗi mà Thiên Chúa còn thương xót và mong muốn nó bỏ đường tà để được sống, thì làm sao Thiên Chúa lại có thể lãng quên những thân phận nghèo khó, khốn khổ cho đành?! Qua miệng các ngôn sứ, Thiên Chúa cảnh tỉnh và chỉ trích nặng nề kẻ áp bức người nghèo; Người sẽ không để yên cho kẻ bán đứng người nghèo; Người sẽ đánh phát kẻ gian ác để tìm lại công lý cho người nghèo (x. Am 2, 6 – 8; Is 1, 11 – 17; 58, 5 – 7; Ed 18, 7 – 9; Hs 4, 1 – 3; Mk 6, 6 – 8).
Một đàng Thiên Chúa đánh phạt kẻ áp bức người nghèo và tìm lại công lý cho người nghèo, đàng khác Người ưu ái, ủi an, vỗ về người nghèo (x. Is 14, 32; 25, 4; 41, 17; 49, 13; Gr 22, 16). Ai kêu cầu danh Chúa, với lòng xót thương, Chúa đều đáp lời. Đặc biệt, trước lời kêu cầu của kẻ nghèo hèn, Chúa tuyệt đối không bao giờ bỏ qua (x. Is 54, 7; 57, 16 – 19; 63, 7 – 64, 11; Gr 31, 20).
Hơn thế nữa, sứ điệp tình thương ơn cứu độ của Thiên Chúa trước hết phải được công bố cho người. Nói cách khác, người nghèo là người đầu tiên được đón nhận tin mừng tình thương cứu thoát của Thiên Chúa (Is 61, 1).
Tóm lại, Thiên Chúa trong mạc khải Cựu Ước là Thiên Chúa hằng tỏ bày lòng xót thương ngang qua hành động và lời nói của Người đối với dân Người. Cho dẫu dân Chúa bất tín bất trung, thì lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân Người vẫn không thay đổi. Với tất cả sự kiên nhẫn, Thiên Chúa tìm đủ mọi phương thế để tạo cơ hội cho những kẻ tội lỗi biết bỏ đường tà để được sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ ưu ái với kẻ có tội biết hối cải mà Người còn đặc biệt cúi xuống trên thân phận những con người khốn khổ, nghèo hèn và dứt khoát người nghèo phải được nghe loan báo tin mừng về lòng xót thương của Người. Bởi vậy, dân Chúa hằng vui mừng mà hát lên lời ca tụng lòng xót thương của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145, 8 – 9; x. Tv 86, 15; 103, 8; 116, 5).
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.