Dại gì mà nói về công lý với chính quyền, nhỡ họ hiểu lầm mình chống họ. Thôi thì cứ nói về những thảm thương dân tộc thì chính quyền bớt lo toan?
· Thảm thương về tai nạn giao thông: Mỗi ngày theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 2012 có khoảng hơn 30 đám tang các nạn nhân tai nạn giao thông.
· Thảm thương về dịch nhiễm HIV/AIDS, cùi, lao, phong đòn gánh, bệnh dại, sốt xuất huyết do muỗi, thương hàn, sốt rét…
· Thảm thương về mất đất đai, oan sai, tù đầy, thất nghiệp…
· Thảm thương trên rừng dưới biển, trong thành phố ngoài miền quê.
Nhưng xin thưa cùng những người đang co rúm vì sợ hãi, bàn về những thảm thương, trong nhiều trường hợp, vô hình chung là đề cập đến vấn đề công lý. Chuyện thảm thương là chuyện thương cảm – yêu thương và cảm động trước thảm cảnh và bi kịch của tha nhân. Trong nhiều trường hợp, những thảm cảnh như vậy là do thiếu vắng công lý, công bằng.
Theo sách Tóm lược Học thuyết xã hội số 201, 202 và 583, một cái nhìn toàn diện về công lý xem công lý bao hàm những phẩm từ sau đây:
· “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân”
· “nhìn nhận người khác là một ngôi vị”
· “những tiêu chuẩn mang tính quyết định cho biết giá trị luân lý của một hành vi trong quan hệ liên chủ thể và xã hội”
· “phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội”
· “phù hợp với BẢN CHẤT SÂU XA CỦA CON NGƯỜI“
· “nền tảng tự nhiên của tình yêu”
Không thể nói đến yêu thương bác ái mà tránh né vấn đề công bằng, công lý được. Công bằng là trả lại cho tha nhân điều thuộc về họ. Điều này phải thực hiện trước, rồi mới đến việc yêu thương họ, nghĩa là trao ban cho tha nhân những gì thuộc bản thân mình. Công lý là chặng đường đầu, là “mức tối thiểu” của tình yêu (Thông điệp Yêu thương trong Sự thật, 6).
Người Công giáo cũng nói về những thảm thương nhưng không tuyệt vọng vì với sự Phục sinh của Chúa Kitô, những thảm thương – kể cả cái chết – không còn là tiếng nói cuối cùng có tính quyết định. Người Công giáo nói về công lý nhưng không sợ hãi vì có Chúa ở cùng và hỗ trợ mạnh mẽ: “Này Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Công đồng Vatican II khuyên ta thực thi công lý của Chúa bằng cách nhìn nhận chân lý căn bản này: “Mọi người đều có quyền đòi chúng ta phải kính trọng và yêu thương họ” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 28).
Góp phần giảm thiểu những thảm thương trên quê hương, xây công lý trên các vùng miền địa lý, phải chăng nên khởi đầu từ chỗ “làm cho mình trở nên giống Đức Kitô… Cảm thấy khao khát mãnh liệt được nếm trước ngay trong thế giới này, trong bối cảnh các mối quan hệ của con người, điều sẽ là hiện thực trong thế giới chắc chắn sẽ đến”? (Tóm lược HTXHCG, 58).
“Thế giới chắc chắn sẽ đến” chính là “Trời mới, Đất mới” Thiên Chúa đã hứa trong sách Khải huyền. “Điều sẽ là hiện thực” trong thế giới đó, chính là sự ngự trị Công lý và Hòa bình. Trên con đường thiên lý tiến tới đích điểm đó, công lý phải là dặm đường thứ nhất mà bạn và tôi phải đi.
Đăng Đan
Nguồn: Tập san GHXH số 10