
Bệnh viện Thánh Gioan Vianney ở Dhaka, Bangladesh, đã phục vụ hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 kể từ khi virus tấn công đất nước này vào tháng 3 năm 2020. Ít nhất 700 bệnh nhân đã phải nhập viện tại cơ sở do Gióa hội Công giáo điều hành kể từ khi đại dịch bắt đầu (Ảnh chụp màn hình CNS / UCAN qua YouTube)
Khi tình hình COVID-19 trở nên tồi tệ hơn ở Bangladesh, cộng đồng Công giáo nhỏ bé trong nước đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại sự bùng phát, mặc dù nguồn lực hạn chế.
Bệnh viện Thánh Gion+an Vianney do Giáo hội điều hành, bắt đầu hoạt động vào tháng 11 năm 2019, đã phục vụ hàng nghìn bệnh nhân do coronavirus kể từ khi virus này tấn công đất nước này vào tháng 3 năm 2020. Khoảng 700 bệnh nhân đã phải nhập viện tại đây.
Linh mục Kamal Corraya, Giám đốc bệnh viện, phát biểu với ucanews.com rằng 20 giường bệnh của bệnh viện đã được dành cho các bệnh nhân COVID-19.
“Chúng tôi có một cơ sở oxy trung tâm cho 20 bệnh nhân nhưng vẫn chưa bố trí Khu Chăm sóc Tích cực (ICU) cho bệnh nhân, vì chi phí rất cao. Chúng tôi nhận thấy ICU rất khẩn cấp đối với chúng tôi”, Linh mục Corraya phát biểu với ucanews.com.
Khi tình hình COVID-19 tiếp tục trở nên tồi tệ, với việc nhiều bệnh nhân không được điều trị, bệnh viện đã quyết định điều trị hết múc có thể với chi phí tối thiểu, Linh mục Corraya nói.
“Khi chúng tôi tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân nguy kịch nào, chúng tôi sẽ giới thiệu họ đến các bệnh viện khác để họ được chăm sóc tích cực. Trong những trường hợp tối đa, chúng tôi thành công trong việc sắp xếp các giường ICU thông qua các kết nối của chúng tôi tại các bệnh viện khác nhau. Trở ngại lớn nhất của chúng tôi là đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi đang bị ảnh hưởng, vì vậy chúng tôi phải thuê nhân viên mới và tốn rất nhiều chi phí để điều trị cho họ”, Linh mục Corraya cho biết thêm.
Kishore Gomes, 36 tuổi, một người Công giáo đã được điều trị COVID-19 tại bệnh viện và hồi phục gần đây, phát biểu với ucanews.com rằng anh đánh giá cao các dịch vụ của họ.
“Có thể nói bệnh viện này không có đầu óc kinh doanh và ưu tiên việc phục vụ. Chi phí thấp hơn nhiều so với các bệnh viện tư nhân khác”, anh Gomes nói.
Đại dịch đã tấn công cộng đồng Công giáo nhỏ bé, ước tính khoảng 400.000 người ở quốc gia đa số theo Hồi giáo hơn 160 triệu người.
Không có dữ liệu chính xác về số lượng người Công giáo đã không chống cự nổi virus. Đức Tổng giám mục Moses Costa Địa phận Chittagong đã qua đời vì COVID-19 vào tháng 7 năm 2020. Ít nhất hai Linh mục khác cũng đã qua đời vì COVID-19.
Đức Giám mục Sebastian Tudu Địa phận Dinajpur cho biết 10 Linh mục và khoảng 20 Nữ tu thuộc Giáo phận đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, nhưng tất cả đều đã bình phục sau khi điều trị.
“Các Linh mục của chúng tôi cần phải chạy đến các ngôi làng để làm công việc mục vụ của họ, và tôi thiết nghĩ đó là lý do tại sao họ bị nhiễm bệnh”, Đức Cha Tudu cho biết thêm.
Hiệp hội các bác sĩ Công giáo của Bangladesh đã và đang cung cấp các dịch vụ y tế từ xa miễn phí.
“Trên thực tế, việc đến các bệnh viện là rất rủi ro vì đại dịch COVID-19. Chúng tôi đã triển khai dịch vụ y tế từ xa này để bất kỳ ai cũng có thể nhận được dịch vụ từ nhà đối với bất kỳ loại bệnh tật nào trong khi họ phải vật lộn để di chuyển”, Tiến sĩ Edward Pallab Rozario, Chủ tịch của hiệp hội, phát biểu với ucanews.com.
Trong khi đó, tám văn phòng khu vực của tổ chức từ thiện Công giáo Caritas đã tiếp cận những người dễ bị tổn thương mà sinh kế của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo James Gomes, Giám đốc chương trình tại Caritas Bangladesh, tính đến tháng 6, Caritas đã huy động số tiền tương đương 4,55 triệu đô la cho các can thiệp khẩn cấp COVID-19.
“Kể từ khi bắt đầu vào giữa tháng 3 năm 2020, Caritas đã hỗ trợ khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng thông qua việc huy động vốn từ các dự án giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục hồi và phát triển hiện có với sự chấp thuận trước của các nhà tài trợ, huy động các ngân quỹ mới từ các tổ chức thành viên của Tổ chức Caritas Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc gia, và các nhà tài trợ tư nhân”, ông Gomes phát biểu với ucanews.com.
Ông Gomes cho biết cơ quan mong muốn các dự án tạo thu nhập thay thế cho những người mất việc làm, đào tạo các thanh thiếu niên có được công ăn việc làm tốt hơn và bảo vệ người nghèo thông qua mạng lưới an sinh xã hội, nhưng việc thiếu vốn cho các dự án đó và các kế hoạch sinh kế dài hạn đặt ra nhiều thách thức.
Trong khi đó, các nhóm thanh thiếu niên Công giáo như Giới trẻ Sinh viên Kitô giáo, Phong trào Sinh viên Công giáo Bangladesh và một số tổ chức ở Giáo xứ đã đi trước để giúp đỡ những người nghèo khổ tại địa phương của họ.
Bangladesh đã phải vật lộn để kiềm chế đợt đại dịch thứ ba gây chết chóc trong những tuần lễ gần đây do sự bùng phát của biến thể Delta.
Cả nước đã ghi nhận 1,4 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 25.500 ca tử vong. Chính phủ đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà trên toàn quốc và giới hạn độ tuổi sử dụng vắc-xin đã được hạ xuống còn 25 tuổi.
Minh Tuệ (theo Crux)