Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh A (Ga 14,1-12) đặt cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu trong một cuộc hành trình nhiệm mầu, bắt đầu với việc Đức Giêsu đi dọn chỗ cho các đồ đệ trong nhà của Cha (cc.1-3) và điểm đến là mạc khải về sự duy nhất Cha – Con (cc.7-11). Con đường mà cộng đoàn các môn đệ phải đi theo, là chính Đức Giêsu, vì Người là con đường, là sự thật và là sự sống (cc.4-6). Các môn đệ đi trên con đường đó với điều kiện duy nhất là lòng tin, một thực tại có sức mạnh lớn lao (c.12).
Đức Giêsu đi dọn chỗ trong nhà của Cha (cc.1-3)
Trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Đức Giêsu nói với các ông: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (13,33). Lời từ biệt đó chắc chắn đã khiến cho các môn đệ hoang mang, lo sợ, xao xuyến. Vì thế, mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Người nói với họ:“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (c.1). Người kêu gọi các ông xây dựng cuộc sống trên nền tảng vững chắc không lay chuyển trong Thiên Chúa và trong chính Người.
Sở dĩ Người kêu gọi hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào chính Người, đó là bởi vì Người và Chúa Cha là một (10,30.38; 14,11.20; 17,21-23). Trong Ga 12,44, Người đã lớn tiếng quả quyết: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi”. Bây giờ Người đi về cùng Đấng ấy. Nhưng đó không phải là một sự ra đi vĩnh viễn, mà là sự ra đi nhằm đưa các môn đệ đến chỗ nên một với Người. Đó là cuộc trở về nhà của Chúa Cha.
Vì thế, Người nói tiếp:“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (c.2). Cách nói “nhà Cha Thầy” một trật vừa chỉ “nơi chốn” vừa chỉ cộng đoàn sự sống. Trong đó, có chỗ cho tất cả mọi người được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Giêsu.
Các môn đệ đầu tiên đã từng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (1,38). Bây giờ, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng họ sẽ được sống ở nơi mà chính Người sống: “trong nhà Cha Thầy”. Người là Con Thiên Chúa (5,19; 10,36; 11,4.27…). Người về nhà của Cha là để dọn chỗ cho họ, tức là để thực hiện điều đã được nói trong lời tựa: “Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (1,12). Cái chết thập giá lại chính là “cuộc ra đi” để thực hiện điều đó.
Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (c.3). Các môn đệ có thể đến được nơi Người ở. Những “người Do Thái” thì khác. Họ đã bị Đức Giêsu tuyên bố là không thể đến được nơi Người ở: “Các ông sẽ tìm tôi mà không gặp, và nơi tôi ở, các ông không thể đến được” (7,34). Nhưng ở 12,26, Đức Giêsu nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”. Các môn đệ sẽ được thuộc về gia đình sự sống của Thiên Chúa, vì các ông ở trong tư thế phục vụ Đức Giêsu, tức là quan tâm thực hiện lời của Người.
Đức Giêsu, con đường đến cùng Cha (cc.4-6)
Sau khi trấn an các môn đệ, Đức Giêsu nói về con đường đưa các ông đến cùng Chúa Cha.
Trước tiên, Người nói với các môn đệ: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (c.4).
“Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (c.5). Lần đầu tiên ông Tôma xuất hiện trong Ga là ở trình thuật Đức Giêsu cho ông Ladarô sống lại (11,16). Ở đó, ông đã sẵn sàng chết cùng với Đức Giêsu.
“Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c.6). Trước tiên, Đức Giêsu cho thấy đâu là con đường, rồi sau đó, Người cho thấy đích đến của con đường. Đức Giêsu chính là con đường, bởi vì Người là sự thật và là sự sống. Con đường này đưa đến Chúa Cha. Và đây là con đường duy nhất.
Đức Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giêsu (cc.7-11)
Đích đến của con đường là Chúa Cha, nhưng Chúa Cha hiện diện nơi Đức Giêsu. Các môn đệ đã từng biết Đức Giêsu, và vì thế, họ cũng biết Chúa Cha nơi Người. Vì thế, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (c.7). Nhưng sự biết này cũng là một quá trình. Nó đạt đến mức tròn đầy và viên mãn trong sự sống đời đời. “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (17,3).
“Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (c.8). Câu hỏi của ông Philípphê cho thấy ông chưa hiểu đúng về Đức Giêsu. Được Đức Giêsu mời gọi đi theo Người, ông đồng hoá Đức Giêsu với hình ảnh Đấng Mêsia mà Sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói tới (1,43-45). Vì thế, ông không hiểu chiều sâu thật của con người và sứ mạng của Đức Giêsu (x. 1,14.17). Phản ứng của ông trong câu chuyện Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều (6,5-7) cho thấy ông đã không hiểu gì về sự mới mẻ của vương quốc Mêsia đích thực. Ông vẫn còn đứng trong cách nhìn của giao ước cũ, chỉ nhìn thấy Đức Giêsu là đại diện của Thiên Chúa, có nhiệm vụ thực hiện những lời hứa xưa. Ông không biết rằng Đức Giêsu là chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong trần gian.
“Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? (c.9). Đức Giêsu có vẻ trách ông Philipphê. Rồi Người nói tiếp:
“Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm” (cc.10-11). Sự hiện diện của Chúa Cha nơi Đức Giêsu luôn luôn là một thực tại năng động. Nơi Đức Giêsu, Chúa Cha thực hiện những hoạt động của chính Người. Những lời Đức Giêsu nói với các môn đệ phản ánh những khía cạnh của một thực tại duy nhất là hoạt động tình yêu của Chúa Cha nơi Đức Giêsu. Những hành động của Đức Giêsu diễn tả chính Chúa Cha. Cha thực hiện công trình của Người nơi Đức Giêsu, và nhờ những lời / việc mà Đức Giêsu thực hiện, Người bày tỏ tình yêu và làm những việc của Người nơi trần gian và cho trần gian.
Sức mạnh của lòng tin trên con đường đi về với Chúa Cha (c.12)
Đức Giêsu ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giêsu. Nhưng đồng thời, Đức Giêsu là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha. Điều kiện để được đi trên con đường này là đức tin. Chỉ với những ai có lòng tin vào Người, Đức Giêsu mới là con đường cho họ. Và Người khẳng định: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c.12).
Các môn đệ có thể làm được những việc lớn lao, thậm chí là lớn lao hơn cả những công việc của Đức Giêsu. Tại sao? Thưa, bởi vì từ thực tại mới mẻ trong cảnh vực thần linh sau khi đã thực hiện cuộc Vượt Qua của mình, Người sẽ tiếp tục hoạt động với họ và trong họ. Cái chết của Người không phải là thực tại đặt dấu chấm hết cho những gì Người đã khởi đầu, và cuộc tôn dương Người trong vinh quang vĩnh cửu của Cha không có nghĩa là Người sẽ chẳng quan tâm gì đến trần gian nữa. Các môn đệ không hề đơn độc trong hoạt động và trong hành trình. Nhờ Đức Giêsu, tình yêu của Chúa Cha tiếp tục được diễn tả trong việc trợ giúp các môn đệ thực hiện sứ mạng của họ.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
- :“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (c.1). Nền tảng duy nhất giúp chúng ta sống đức trông cậy đích thực thì không nằm ở phía chúng ta hay ở nơi bất cứ thực tại nào khác ngoài chính Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô.
- Đức Giêsu là con đường đưa chúng ta đến chính Thiên Chúa. Và là con đường duy nhất: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Chúng ta không thể đạt đến Chúa Cha nhờ bất cứ ai khác hay bất cứ thực tại nào khác, cho dù đó là những việc đạo đức thiêng liêng hay những vị lãnh đạo tôn giáo thời danh. Trong thực tế, rất nhiều khi chúng ta không sống thật sự nghiêm chỉnh xác tín này.
- Cộng đoàn các môn đệ phải đi trong một cuộc hành trình. Ẩn dụ hành trình nàydiễn tả tính chất năng động của sự sống, là thực tại luôn tiến triển và biến đổi.
- Đức Giêsu luôn luôn đồng hành với những kẻ thuộc về Người trong cuộc hành trình đó. Và Người bảo đảm rằng họ sẽ làm được những điều vĩ đại, nếu họ tin vào Người. Chúng ta được mời gọi sống xác tín đức tin này một cách thực chất và mạnh mẽ.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.