Cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo hội thời hậu coronavirus

unnamed

Đây có thể là một cơ hội tuyệt vời để hồi tưởng lại và làm sâu sắc thêm sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.

Trong sự cô độc của những ngày bị cách ly hoặc những giờ phút tĩnh lặng khi thực hiện các biện pháp nhằm giữ khoảng cách xã hội, bắt buộc cần phải suy ngẫm về điều mà những người Công giáo sẽ làm một khi họ được tự do quay trở lại nhà thờ và cử hành Thánh lễ.

Liệu họ có tiếp tục cách thực hành đức tin trước đây, liệu họ có đổi mới thói quen đóng góp tài chính và tiếp tục tham gia vào các hội đoàn trong Giáo xứ?

Có thể họ sẽ tiếp tục những cách truyền thống với sức sống mới, gặp gỡ Chúa Kitô trong sự đau khổ của Ngài trong Tuần Thánh với tinh thần cầu nguyện và đón nhận thông điệp về sự sống và tình yêu mới.

Hoặc có khả năng, như một số người đã gợi ý, việc giãn cách xã hội do coronavirus sẽ mang đến cho các tín hữu Công giáo cơ hội (hoặc lý do) để giải thoát họ khỏi một Giáo hội đã bị rạn nút và thất bại mà họ không còn nhận thấy như là cộng đồng tín hữu mà Chúa Giêsu đã thiết lập.

Có lẽ sự xa cách về thể lý sẽ mang lại ánh sáng mới cho sự khôn ngoan khi rút khỏi một tổ chức thất bại. Liệu có thể chúng ta sẽ quên lời hứa mà Chúa Giêsu đã đưa ra để tiếp tục ở lại với Giáo hội của Người cho đến thời sau hết?

Khi các cánh cửa nhà thờ được mở trở lại, liệu các giáo sĩ và các nhà lãnh đạo giáo dân có mong đợi sự quay trở lại ngay lập tức của một tín hữu trung thành đang lo lắng muốn nối lại đời sống Bí tích của Giáo hội? Hay là một kỳ vọng khác thích hợp?

Một sự thức tỉnh

Rõ ràng đây chính là thời gian để nhận ra và biết ơn vì một lời cảnh tỉnh cấp thiết, một cơ hội to lớn được Thiên Chúa ban cho Giáo hội để tiếp cận với Dân Chúa.

Paul Collins đã viết trên tờ La Croix International cách đây gần một năm trước rằng Công đồng Vatican II (1962-65) đã “phác thảo một tầm nhìn Tân Ước đáng chú ý về Giáo hội trong hai chương đầu của tài liệu Lumen Gentium” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội).

Nhưng ông tiếp tục cho biết rằng: “Chúng ta đã không theo đuổi và kết hợp triệt để tầm nhìn đó trong thực hành mục vụ, quản trị, các cấu trúc của Giáo hội và Giáo luật sửa đổi năm 1983”.

Hầu hết giáo dân không quen thuộc với nhiều cơ hội bị bỏ lỡ này. Tại sao?

Đã có rất nhiều bình luận thần học phong phú về tầm nhìn của Công đồng Vatican II, nhưng có rất ít ứng dụng trực tiếp của tầm nhìn này. Ít nhất là cho đến khi Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu, theo cách thức riêng của mình, để phản ánh một số mơ ước của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

Những người Công giáo đã được rửa tội thậm chí còn có ít lý do hơn để đánh giá cao rằng đề nghị của Đức Phaolô VI về ‘Lex Ecclesiae Fundamentalis’ (Luật nền tảng của Giáo hội) đã bị bỏ qua một cách hiệu quả.

Tầm nhìn của Vatican II đối với Giáo hội

Những hình ảnh năng động của Giáo hội mà Hiến Chế ‘Lumen Gentium’ phác thảo trong hai chương đầu tiên vẫn còn hết sức quan trọng.

“Mầu nhiệm của Hội Thánh được thể hiện trong chính nền tảng của nó”, tài liệu viết. “Thiên Chúa thiết lập nó bằng cách rao giảng Tin Mừng”.

Lumen Gentium chấp nhận hình ảnh của Thánh Augustinô rằng “Giáo hội giống như một người xa lạ ở một vùng đất xa lạ, được thúc đẩy tiến về phía trước giữa những cuộc bách hại của thế giới và sự an ủi của Thiên Chúa”.

Các Nghị phụ tại Công đồng không bao giờ có thể biết Giáo hội cần bao nhiêu sự an ủi cho nỗi thống khổ mà nó mang lại cho chính nó cũng như đại dịch hiện đang gây ra đau khổ cho thế giới.

“Giáo hội được diễn tả như một cộng đoàn, một đoàn dân của Thiên Chúa đang trong cuộc lữ hành, được quy tụ bởi Chúa Thánh Thần và được ban tặng để phục vụ và hành động như những người đại diện cho Chúa Kitô”, ông Collins nói.

Giáo hội là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang hoạt động trên thế giới, được tượng trưng bởi những người khao khát kiếm tìm công lý, nỗ lực làm việc vì sự chính trực và tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại của con người.

Trọng tâm trong cả hai chương của Hiến Chế ‘Lumen Gentium’ là về Giáo hội địa phương, được dự tính là được xây dựng từ bên dưới, từ cộng đoàn.

Chúng ta không thể thay đổi nguồn gốc quân chủ của Giáo hội hoặc đổi mới Giáo luật theo cách thức mà Đức Gioan XXIII đã dự định một sớm một chiều, nhất là vì bản sửa đổi không đầy đủ cuối cùng mất đến 20 năm để hoàn thành.

“Công nghị tính” đã bắt đầu nhưng còn một chặng đường dài như vậy. Lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô từ chối chủ nghĩa giáo sĩ trị không phải là chỉ nói chiếu lệ cho xong.

Nhưng chúng ta có thể thực hiện một số bước thực tế trên cuộc hành trình này để đến với Dân Chúa và thực sự nhận ra cộng đồng và cuộc lữ hành của nó, được trao quyền bởi Chúa Thánh Thần.

Một số lựa chọn để tiến về phía trước

Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách không tự động cho rằng giáo dân sẽ quay trở lại. Chúng ta có thể nghĩ rằng đức tin sâu sắc tồn tại, nhưng có những giáo dân đã rời bỏ Giáo hội hoặc lầm lạc, bị tổn thương do mang trong mình sự tổn thương lâu dài hoặc do sự cô lập xã hội tạm thời. Họ cần được ôm ấp như Chúa Giêsu đã quy tụ họ.

Nhờ phép Thanh Tẩy, tất cả các Kitô hữu được xức dầu để trở thành “Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế”. Giáo hội là Giáo hội của họ. Đó không phải là một địa điểm nào ở đâu đó, ở Roma hoặc những nơi khác. Không. Họ chính là Giáo hội.

Và nếu sự thực là như vậy, tại sao họ cần phải được chào đón? Tại sao nó không phải là điều hiển nhiên?

Bởi vì Hiến Chế ‘Lumen gentium’ đã không bao giờ được áp dụng đúng cách.

Các tín hữu đã được rửa tội không bao giờ thực sự được coi như là Dân Chúa như Hiến Chế về Giáo hội tiên kiến và tầm nhìn đó không thực sự là một phần trong cách diễn đạt cơ bản của chúng ta.

Làm sâu sắc hơn khái niệm hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau

Chúng ta cần một khái niệm nâng cao hơn nhiều về Giáo hội như một sự hiệp thông.

Ở cấp độ chiều dọc, đó chính là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và chúng ta. Ở cấp độ chiều ngang, đó chính là sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau, được gắn kết với nhau trong Chúa Kitô Phục sinh, được đổ đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cần phải tiếp cận với Dân Chúa và ôm lấy họ, đưa họ ra khỏi những ngôi mộ của họ như những con người đã được Phục sinh để gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh, bước đi trên con đường tiến về Emmaus với sự kinh ngạc và đáp lại Lời Chúa.

Chúng ta phải cam kết với sự trưởng thành liên tục trong đức tin và cam kết với công lý xã hội/ sinh thái. Nói cách khác, chúng ta cần tái tham gia theo những cách thức mới và sáng tạo, chứ không chỉ đơn giản là áp dụng lại hiện trạng.

Chúng ta cũng phải tìm những cách thức để hồi tưởng lại sự hiệp thông sau thời gian giãn cách xã hội và cho phép những người mà kinh nghiệm đã được biến đổi để giải quyết sự khao khát của họ đối với tôn giáo theo nghi lễ.

Các Giáo xứ riêng lẻ chắc chắn sẽ có những ưu tiên khác nhau để thể hiện sự tiếp cận của họ. Chẳng hạn, họ có thể có một lễ kỷ niệm “Lễ Phục sinh muộn” với nghi thức làm phép ngọn nến Phục sinh hoặc cử hành Thánh lễ cho những người đã qua đời hoặc những người đã được chôn cất một cách vội vàng hoặc không có sự hiện diện của gia đình.

Một số Giáo xứ có thể chọn tổ chức một buổi lễ tạ ơn trang trọng cho cộng đoàn để cầu nguyện cho đội ngũ nhân viên và tất cả những người đã hỗ trợ chúng ta vượt qua đại dịch này.

Đối với những Giáo xứ khác, đó có thể là một buổi cử hành phụng vụ Hòa giải, một buổi chầu Thánh Thể kéo dài để tôn vinh Mình và Máu Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta trong lễ Phục sinh đầu tiên, với những khúc nhạc và những bài hát hân hoan để cầu nguyện hai lần như Thánh Augustinô đã khích lệ chúng ta.

Có lẽ, có những Giáo xứ sẽ thiết lập một địa điểm mới để cử hành Phụng vụ các Giờ kinh (cho tất cả các thành viên của Giáo hội).

Một dân tộc mới đã được Phục sinh 

Trên đây là tất cả mọi khả năng có thể xảy ra. Và chúng ta phải đáp ứng với cơn khao khát mà nhiều giáo dân đang mang trong mình để hiểu rõ hơn về Kinh Thánh.

Các thành viên của cộng đồng, bao gồm cả những người hiệp thông với chúng ta, ngày càng lựa chọn tổ chức các nghi lễ hôn nhân ngoài trời – thường là trên bãi biển hoặc trong công viên.

Vì Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào có từ hai người trở lên, nên thời gian qua chúng ta đã trở nên linh hoạt hơn về các đám cưới ngoài trời. Sự thay thế thường là không có hôn nhân Bí tích.

Mặc dù Nhà Cầu nguyện là nơi lý tưởng cho các nghi thức Phụng vụ thiêng liêng, nhưng không thể phủ nhận rằng mọi người được làm cho trở nên phấn chấn bằng một Thánh lễ được tổ chức hợp lý ở ven biển, đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn.

Thánh lễ tại gia được dành cho những người ốm yếu, chứ không dành cho những người không ở yên một chỗ hoặc những người chỉ muốn quy tụ như một cộng đoàn thờ phượng nhỏ hơn đôi khi nên là chuẩn mực. Chúng ta dường như quên rằng Bữa Tiệc Ly đã diễn ra ở một căn phòng ở tầng trên.

Trong mọi trường hợp, lời mời gọi phải được gửi đến toàn thể Dân Chúa để đến và tham dự như một sự hiệp thông, với Thiên Chúa và với nhau, như một Dân tộc mới đã được Phục sinh, một phần mật thiết trong Thân thể Chúa Kitô và Giáo hội như là Bí tích.

Justin Stanwix

** Justin Stanwix là Chủ tịch của Nhóm Phụng vụ tại Giáo xứ Đức Mẹ Sao Biển thuộc Giáo phận Wollongong (Úc).

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết