Nếu như tội cắt đứt mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, sự cắt đứt, tuyệt giao đó là do con người khởi xướng, thì sự hòa giải là do sáng kiến của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa.
Tự bản chất, con người không thể được hòa giải với Thiên Chúa mà con người đã xúc phạm vì tội lỗi của mình. Nhưng sở dĩ con người được hòa giải với Thiên Chúa là do chính Ngài đã có sáng kiến, đã khởi xướng nhờ Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô (x. 2Cr 5, 18). Thiên Chúa đã yêu thương con người ngay khi con người còn là “kẻ thù” của Ngài (x. Rm 5, 10), và cũng chính từ lúc này mà Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô đến để “chịu chết cho chúng ta” (x. Rm 5, 8).
Vì thế, từ nay Thiên Chúa không còn cầm giữ tội lỗi con người nữa, vì sự hòa giải đã đổi mới tất cả những ai biết sẵn sàng mở lòng ra đón nhận lòng xót thương mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi chính Người Con Một của mình là Đức Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, cũng cần phải biết rằng mặc dầu Thiên Chúa là tác giả chính trong cuộc hòa giải, nhưng không phải vì thế mà con người hoàn toàn thụ động và bị buộc phải đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa; ân huệ và lòng xót thương của Thiên Chúa chỉ hữu hiệu đối với những ai muốn sẵn sàng mở lòng ra đón nhận bằng đức tin, chứ không phải do một sự ép buộc.
Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã hé mở cho thấy, chính Ngài sẽ thực hiện sáng kiến về sự hòa giải sau khi con người sa ngã (x. St 3, 15). Lòng nhân từ và xót thương của Thiên Chúa mà con người đã phản bội cuối cùng sẽ toàn thắng, Thiên Chúa đã thắng sự gian ác bằng sự thiện (x. Rm 12, 21).
“Thiên Chúa trung thành trong kế hoạch đời đời, cả khi con người bị Thần Dữ thúc đẩy (x. St 2, 24) và bị tính kiêu ngạo lôi kéo, đã thay vì sử dụng tự do mà Chúa đã ban cho để yêu mến và đi tìm điều thiện một cách quảng đại, con người lại từ chối vâng phục Chủ Tể và Cha của mình. Thiên Chúa trung thành cả khi con người thay vì dùng tình yêu để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, lại đối đầu với Người và coi Người như một đối thủ và đã tự lừa dối mình, cậy dựa vào sức riêng mình, mà cắt đứt mối quan hệ với Đấng đã tạo nên mình. Bất chấp lỗi phạm về phía con người, Thiên Chúa vẫn ‘trung tín với Tình Yêu’… Thiên Chúa, “Đấng giàu lòng từ bi” (x. Ep 2, 4)… không đóng lòng lại với bất cứ đứa con nào. Người chờ đợi, tìm kiếm và đến gặp họ ở chính nơi mà sự từ chối hiệp thông đã khép chặt họ trong cô lập và phân ly. Người mời gọi họ tụ họp quanh bàn tiệc với niềm vui của buổi lễ mừng sự tha thứ và hòa giải.
Sáng khởi này từ phía Thiên Chúa đã được thực hiện cụ thể và hiển nhiên trong công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô và rộng tỏa khắp thế giới nhờ tác vụ của Giáo Hội” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Sám Hối Và Hòa Giải – 1998, # 10).
Sự hòa giải và tha thứ luôn luôn là một ân ban xuất phát từ Thiên Chúa và được Ngài ban cho nhân loại ngang qua người Con Một duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Chính vì Thiên Chúa đã cho Đức Giê-su sống lại, nên Ngài đã trao ban cho nhân loại sự hòa giải và tha thứ ( 24, 47; Cv 2, 38; 5, 21).
Trong sách Công vụ Tông Đồ, tác giả thánh Lu-ca nói cho chúng ta biết sự hòa giải và tha thứ là ân huệ của Thiên Chúa. Chính trong Đức Giê-su Ki-tô mà sự hòa giải và tha thứ được trao ban cho Ít-ra-en: “Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm Thủ Lãnh và Đấng Cứu Độ, để ban cho Ít-ra-en ơn hối cải và ơn tha thứ” (Cv 5, 31). Và sau khi ông Co-nê-li-ô người Rôma trở lại, các người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem đã phải kêu lên: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban ơn cho các dân ngoại ơn hối cải để được sự sống” (Cv 11, 18). Hoán cải là điều kiện cần phải có của con người trong vấn đề hòa giải và tha thứ, nhưng điều kiện này không phải do sáng kiến của con người; đó là ân sủng, hồng ân Thiên Chúa ban.
Sự hòa giải là một hành vi được định vị trên bình diện thiêng liêng, nó chỉ có từ Thiên Chúa. Hòa giải là đỉnh cao của tình yêu vì tình yêu là từ Thiên Chúa mà đến, tình yêu là chính Thiên Chúa.
Hòa giải là tái tạo điều mà con người đã phá hủy trước đó; đó là một sự phục sinh, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng tái tạo, phục sinh. Hòa giải là một cuộc trở về với sự sống, “con ta đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15, 24), là một tiến trình cởi mở, phục hồi, đón nhận ân sủng.
Hòa giải là câu trả lời của Thiên Chúa trước sự gian ác của thế gian, và lòng từ bi, nhân hậu, xót thương của Thiên Chúa luôn tác động đến đời sống chúng ta, chính sự tác động đó sẽ thiết lập lại đời sống chúng ta. Hòa giải luôn đến từ Thiên Chúa, nhưng chúng ta trực tiếp liên lụy đến tiến trình ấy và được mời gọi tham dự vào. Chính sự tự do của chúng ta chấp nhận hay từ chối sự hòa giải của Thiên Chúa được sinh hoa kết quả. Đức Giê-su đưa chúng ta về nguồn mạch của sự hòa giải, đó chính là Thiên Chúa Cha. Đức Giê-su không chỉ rao giảng về sự hòa giải, nhưng đi xa hơn Ngài đã sống chính điều đó trong sứ vụ của mình, điều ấy trở nên rõ, khi Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã gây nên cái chết cho Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (23, 34). Điều ấy cho thấy: hòa giải là một Lễ Vượt Qua. Vượt qua cái chết để đến với sự sống.
“Dụ ngôn “người cha nhân hậu” (15, 11 – 32), luôn trở thành hiện thực, mỗi khi có tội nhân ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa. Sở dĩ Thiên Chúa đến với tội nhân biết sám hối ăn năn, vì Ngài luôn khao khát, đợi chờ giây phút đó của tội nhân. Thiên Chúa không dùng sức mạnh đẩy cửa tâm hồn tội nhân để vào, nhưng Thiên Chúa luôn khao khát đợi chờ; khi tội nhân mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa thì Ngài sẽ cư ngụ trong tâm hồn người ấy, bởi vì sức mạnh vô biên tình thương đã thúc đẩy Ngài. Thiên Chúa không chút chậm trễ, Ngài phá tan mọi hậu quả do tội gây nên, và ban cho tội nhân mọi ân huệ của một người con, cho họ hưởng tình thân mật trọn vẹn với Thiên Chúa. Trước khi tha thứ, Thiên Chúa không đòi tội nhân cần có thời gian để thử thách, nhưng ngay lúc tội nhân có ý định muốn thay đổi cách sống và từ bỏ tội lỗi quá khứ là họ được tha thứ ngay… Thiên Chúa không muốn khơi lại những gì đã qua, chẳng muốn nhấn mạnh vào chúng hay nhớ đến chúng. Thiên Chúa là Đấng muốn chôn vùi vĩnh viễn những lỗi lầm của tội nhân mà Ngài đã tha thứ, những lỗi lầm ấy đã được xóa sạch nhờ tấm lòng xót thương của Ngài… Bởi thế, những gì còn lưu lại nơi Ngài chỉ là những kỷ niệm của niềm vui” (Jean Galot).
Đình Tộ