Con đường hướng tới sự hiệp nhất: Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất lễ kỷ niệm chung Công đồng Nicaea giữa Công giáo và Chính thống giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I tại Vatican, ngày 4 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I tại Vatican, ngày 4 tháng 10 năm 2021 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề xuất kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicaea I cùng với các nhà lãnh đạo Chính thống giáo, trong một lá thư cá nhân gửi cho Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Tòa Thượng phụ Constantinople.

Bức thư, được Vatican công bố hôm thứ Bảy, đã được Đức Hồng y Kurt Koch – người đứng đầu Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo – chuyển đến trong chuyến thăm Istanbul để tham dự lễ Bổn mạng của Giáo hội Chính thống giáo.

“Lễ kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết Nicaea I sắp diễn ra sẽ là một cơ hội nữa để làm chứng cho sự hiệp thông đang tiến triển vốn đã tồn tại giữa tất cả những người đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong thông điệp vào ngày 30 tháng 11.

Khi suy ngẫm về 6 thập kỷ đối thoại Công giáo-Chính thống giáo trong khi hướng tới những khả năng hiệp nhất trong tương lai, Đức Thánh Cha thừa nhận những tiến triển đã đạt được kể từ Sắc lệnh về Hiệp nhất Unitatis Redintegratio của Công đồng Vatican II đánh dấu sự gia nhập chính thức của Giáo hội Công giáo vào phong trào đại kết cách đây 60 năm.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp Nhất Kitô Giáo, phát biểu với các nhà báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican vào thứ Năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Hiệp Nhất Kitô Giáo, phát biểu với các nhà báo tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào thứ Năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Phát biểu với EWTN News về sự kiện kỷ niệm này vào ngày 21 tháng 11, Đức Hồng y Koch đã nhấn mạnh rằng những nỗ lực hiệp nhất phải tập trung vào “trung tâm sâu thẳm nhất của sự tự mặc khải nơi Chúa Giêsu Kitô”.

Vị Hồng y người Thụy Sĩ cũng đã nhấn mạnh điều mà ngài gọi là “chủ nghĩa đại kết bằng giá máu”, đồng thời lưu ý rằng “Các Kitô hữu không bị ngược đãi vì họ là tín hữu Công giáo, Luther hay Anh giáo, mà vì họ là Kitô hữu”.

Xây dựng hòa bình trong thời chiến

Trong khi tôn vinh “tình huynh đệ được đổi mới” đạt được kể từ Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý trong thông điệp của mình rằng sự hiệp thông trọn vẹn, đặc biệt là việc chia sẻ “chén Thánh duy nhất”, vẫn là một mục tiêu chưa được hoàn thành.

Trong một nhận xét sâu sắc về những căng thẳng toàn cầu đương đại, Đức Thánh Cha đã kết nối những nỗ lực đại kết với việc xây dựng hòa bình.

“Tình huynh đệ và chứng tá của các Kitô hữu cũng sẽ là thông điệp cho thế giới đang trong cảnh chiến tranh và bạo lực hoành hành”, Đức Thánh Cha viết, đặc biệt đề cập đến Ukraine, Palestine, Israel và Lebanon.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh sự tham gia gần đây của các đại diện Chính thống giáo tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào tháng 10.

Hoạt động thăm viếng qua lại truyền thống của các phái đoàn giữa Rôma và Constantinople diễn ra hai lần một năm, với các đại diện Công giáo đến Istanbul để dự lễ Thánh An-rê vào ngày 30 tháng 11, và các đại biểu Chính thống giáo đến thăm Rôma để dự lễ Thánh Phêrô và Phaolô vào ngày 29 tháng 6.

Đức Hồng y Koch dẫn đầu phái đoàn Vatican năm nay. Ngài được tháp tùng bởi Đức Tổng Giám mục Flavio Pace, Tổng Thư ký của Thánh Bộ Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo, Đức Ông Andrea Palmieri, phó Tổng Thư ký, và Đức Tổng Giám mục Marek Solczyński, Sứ thần Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phái đoàn đã tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ St. George, Phanar và thảo luận với ủy ban chịu trách nhiệm về quan hệ với Giáo hội Công giáo.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết