Coi chừng quyền bính thống trị

Từ quyền bính thống trị chỉ có sự áp bức và tình cảnh nô lệ, vốn là những thứ làm cho con người bị vong thân và bị tha hóa. Quyền bính đích thực là quyền bính phục vụ, không phải quyền lực trấn áp.

Đức Giêsu răn bảo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê!” (Mc 8,15).

Những người Pharisêu mong ước một vị vua-mêsia có quyền lực đem lại lợi thế cho Israel và chống lại các dân ngoại bang, bảo đảm cho Lề Luật Môsê được thực hiện và nhân danh Thiên Chúa mà thống trị mọi dân tộc. Họ ôm ấp một tham vọng quyền bính thống trị, dưới khía cạnh tôn giáo.

Những người thuộc phe Hêrôđê thì làm thành một liên minh chính trị – kinh tế. Họ cũng bị nung nấu bởi một tham vọng quyền lực thống trị, nhưng là dưới khía cạnh chính trị.

Những người thuộc phe Hêrôđê đã từng cấu kết với những người Pharisêu để chống lại Đức Giêsu (Mc 3,6: “Ra khỏi hội đường, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giêsu). Cả hai nhóm đều cảm thấy bị “đe dọa” bởi đạo lý mà Đức Giêsu đang rao giảng. Bởi lẽ cả hai nhóm đều chống lại quyền tự do và sự thăng tiến đích thực của con người. Cả hai nhóm đều có tham vọng mạnh mẽ về quyền lực, trong lãnh vực tôn giáo và/hoặc lãnh vực chính trị.

Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ của Người trước cả hai thứ tham vọng quyền lực đó.

Trong thực tế, thay vì đề cao tự do, tình liên đới và lòng tin tưởng lẫn nhau, rất nhiều khi người ta lại đề cao một thứ quyền bính thống trị.

Đối với Đức Giêsu, quyền lực thống trị là kẻ thù của sự sống và của sự thành toàn nhân loại.

Từ quyền bính thống trị, dù là quyền bính tôn giáo hay quyền bính chính trị, không thể có ơn giải thoát mà chỉ có sự áp bức và tình cảnh nô lệ, vốn là những thứ làm cho con người bị vong thân và bị tha hóa.

Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết