Khi các quan chức y tế lên kế hoạch phân phối chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19, nhiều người tự hỏi việc từ chối chăm sóc dựa trên cơ sở tuổi tác hoặc khuyết tật có vi phạm các nguyên tắc đạo đức căn bản hay không? DOCAT sẽ nói gì về vấn đề đó?
Video này sẽ đề cập một loại tình huống khó khăn cụ thể mà chúng ta có thể sẽ phải đối diện.
Các chuyên gia dự báo, hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta sẽ sớm bị quá tải khi virus lây lan và chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và các thiết bị cần thiết như máy thở.
Chuẩn bị kịch bản xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19, các quan chức y tế và các bệnh viện phải quyết định xem ai sẽ được ưu tiên dành cho những sự chăm sóc quan trọng khi chúng ta thiếu nhân sự, giường bệnh, máy thở và các thiết bị khác.
Tại nhiều nơi trên thế giới, như tại Italia và Hoa Kỳ, các quan chức y tế được báo cáo là đã quyết định sẽ chăm sóc sức khỏe cho người dân dựa trên cơ sở tuổi tác, sức khỏe và khả năng sống sót.
Nhiều người tự hỏi việc từ chối chăm sóc dựa trên cơ sở tuổi tác hoặc khuyết tật có vi phạm các nguyên tắc đạo đức căn bản hay không?
Những người ủng hộ quyền của người khuyết tật và các nhà nghiên cứu về luân lý đã mạnh mẽ lưu ý rằng: không nên đặt những người khuyết tật, những người có trình độ học vấn hạn chế hoặc những người theo một tôn giáo nào đó ở cuối danh sách được hưởng các dịch vụ y tế trong trường hợp khẩn cấp.
Nếu việc chăm sóc sức khỏe được phân phối dựa các tiêu chuẩn đó, thì máy thở có thể bị từ chối đối với bệnh nhân COVID-19 vì họ trên 70 tuổi hoặc vì họ là người khuyết tật, hoặc đơn giản chỉ vì họ không phải là đảng viên cộng sản. Và như thế thì thực là tàn nhẫn.
Giáo huấn xã hội Công giáo bảo vệ phẩm giá bình đẳng của mỗi mạng sống con người khỏi chủ nghĩa thực dụng tàn nhẫn đó. Nhưng Giáo huấn chỉ cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc để suy tư và những tiêu chuẩn để nhận định, chứ không đưa ra những giải pháp kỹ thuật cụ thể.
Khi mọi thứ trở nên khó khăn, và khi đối mặt với các tình huống thực tiễn và với nhiệm vụ phải chọn lựa chữa trị, chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ dành quyền quyết định về giá trị của mạng sống của một ai đó.
Mặc dù việc xác định thứ tự ưu tiên chăm sóc sức khỏe có thể là một “thực tế” trong cuộc khủng hoảng, nhưng nó không thể được thực hiện trên cơ sở các phạm trù như tuổi tác hoặc khuyết tật, càng không thể dựa trên tiêu chuẩn chính trị, vì nguyên tắc nhân vị đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền sống.
Điều quan trọng là phải tránh cái bẫy đưa ra phán xét về giá trị cuộc sống của một người nào đó, rằng cuộc sống của họ không phải là cuộc sống đáng sống, hay rơi vào cái bẫy nghĩ rằng cuộc sống của lớp người này thì đáng giá và vượt trội hơn so với những người khác.
Chúng ta phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này, yêu cầu các quyết định chăm sóc bệnh nhân trong cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không phân biệt đối xử dựa trên khuyết tật hoặc tuổi tác, càng không dựa theo tiêu chuẩn “có công với cách mạng”.
Chúng ta cũng biết rằng, trong thực tế, phải nhanh chóng đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe quan trọng, khi đại dịch gia tăng, đặc biệt là tại các điểm nóng. Thật không may, các quan chức y tế và bác sĩ có thể sẽ phải chọn lựa chữa trị theo thứ tự ưu tiên, vì không đủ giường bệnh, phòng chăm sóc đặc biệt, máy thở và các thiết bị khác để điều trị cho tất cả các bệnh nhân bị nhiễm virus.
Không dễ dàng chọn một giải pháp đúng đắn.
Chúng ta hãy cầu nguyện để những người có trách nhiệm có thể làm tốt nhất trách nhiệm của họ.