Điểm xuất phát của người Pharisêu thật tốt lành, nhưng chính những điều tốt mà anh ta thực hiện được, lại đã đẩy anh ta đến chỗ tự tại nơi mình trước Nhan Thiên Chúa, ngạo mạn trong cái nhìn về tha nhân và mù quáng không nhận ra những lời mời gọi tích cực trong lệnh truyền và thánh ý của Thiên Chúa.
“Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:”Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,9-14).
Đức Giêsu kết án trực tiếp và mạnh mẽ một thái độ sai lầm của những người Pharisêu đối với Thiên Chúa.
Khác hẳn lời cầu nguyện của người thu thuế, lời cầu nguyện của người Pharisêu trong dụ ngôn được đặc trưng bởi hai yếu tố:
(1) sự thống lĩnh của yếu tố “tôi” xét như là chủ thể của mọi hành động
(2) sự thiếu vắng lời xin ơn tha thứ.
Người Pharisêu chỉ nghĩ đến chính mình, coi mình là trung tâm, ngay cả trong việc anh ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Anh ta chẳng hề xin ơn tha thứ vì anh ta không nghĩ rằng mình có tội; anh ta không cảm thấy mình nợ nần gì Thiên Chúa.
Anh ta, như thế, là nạn nhân của chính sự “sốt sắng đạo đức” của mình, một sự “sốt sắng đạo đức” đã đẩy anh ta đến chỗ đánh mất khả năng nhận ra mình là tội nhân và đánh mất khả năng hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa đích thật.
Điểm xuất phát của người Pharisêu thật tốt lành, nhưng chính những điều tốt mà anh ta thực hiện được, lại đã đẩy anh ta đến chỗ tự tại nơi mình trước Nhan Thiên Chúa, ngạo mạn trong cái nhìn về tha nhân và mù quáng không nhận ra những lời mời gọi tích cực trong lệnh truyền và thánh ý của Thiên Chúa.
Trái lại, điểm xuất phát của người thu thuế trong dụ ngôn là một điểm tiêu cực. Anh thật sự là một kẻ tội lỗi. Anh không thể biện minh cho hành động tội lỗi mà anh đã phạm. Và trong lời cầu nguyện cũng như trong thái độ của mình, anh đã diễn tả một cách đánh giá đúng đắn về con người và hành động của mình.
Là con người tội lỗi, anh ý thức sâu sắc về tình trạng tội lỗi của chính mình và mong mỏi, tìm kiếm sự hòa giải với chính Thiên Chúa.
Anh hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa, tuyên xưng rằng mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và van xin Người thương xót thứ tha.
Anh đã đặt mình vào trong một thái độ và cách hành xử đúng đắn, một cách hành xử tôn vinh Thiên Chúa vì cho phép Thiên Chúa có thể ban tặng chính mình Ngài cho anh một cách hoàn toàn nhưng không.
Chính vì thế, anh được trở nên công chính.
Rõ ràng có thể nói, đi xa hơn một thái độ trong khi cầu nguyện, bài Tin Mừng đề cập đến những thái độ sống của chúng ta trước Nhan Thiên Chúa và cho thấy đâu là yếu tố làm cho chúng ta được nên công chính thật sự.
“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).
Giuse Ngọc Huỳnh