Cơ quan giám sát Kitô giáo kêu gọi Hoa Kỳ công nhận cuộc đàn áp các Kitô hữu ở Nigeria

Một phụ nữ Kitô giáo đứng cạnh dây phơi quần áo khi trú ẩn trong trại tập trung dành cho những người di tản trong nước (IDP) tại Trường Tiểu học Thí điểm sau khi nhà của họ bị phóng hỏa do xung đột tôn giáo ở Mangu vào ngày 2 tháng 2 năm 2024, sau nhiều tuần bạo lực giữa các cộng đồng và tình trạng bất ổn ở bang Plateau (Ảnh: KOLA SULAIMON/AFP via Getty Images)

Một phụ nữ Kitô giáo đứng cạnh dây phơi quần áo khi trú ẩn trong trại tập trung dành cho những người di tản trong nước (IDP) tại Trường Tiểu học Thí điểm sau khi nhà của họ bị phóng hỏa do xung đột tôn giáo ở Mangu vào ngày 2 tháng 2 năm 2024, sau nhiều tuần lễ bạo lực giữa các cộng đồng và tình trạng bất ổn ở bang Plateau (Ảnh: KOLA SULAIMON/AFP via Getty Images)

Một nhóm ủng hộ nhân quyền Kitô giáo đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ công nhận cuộc đàn áp lan rộng đối với các Kitô hữu ở Nigeria trong một báo cáo ghi nhận tình trạng bạo lực có động cơ tôn giáo, các vụ bắt cóc, tra tấn, tấn công tình dục, hôn nhân cưỡng bức, luật báng bổ và các hình thức ngược đãi khác ở đất nước đó.

“Tiếng la thét của các Kitô hữu Nigeria đang bị bỏ ngoài tai. Đã đến lúc Hoa Kỳ phải đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của họ”, Tổ chức “Quan Tâm Kitô Giáo Quốc Tế” (International Christian Concern – ICC), một nhóm đại kết Kitô giáo, phi đảng phái ủng hộ nhân quyền cho các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số trên khắp thế giới, cho biết trong báo cáo tháng 7 “Một trường hợp về quốc gia cần quan tâm đặc biệt của Nigeria”.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định các quốc gia “cần đặc biệt quan tâm” nếu họ dung túng hoặc tham gia vào các hành vi vi phạm nghiêm trọng chống lại tự do tôn giáo như tra tấn, giam giữ kéo dài mà không bị buộc tội, các hành vi bắt cóc và các vụ vi phạm nhân quyền khác.

Báo cáo của ICC bao gồm lời khai trực tiếp từ chuyến thăm của nhân viên ICC tới Nigeria vào tháng 3 năm 2023 cũng như nghiên cứu nguồn mở và thông tin thực tế được nhân viên hiện trường của ICC thu thập.

“Thật không may, trong gần hai thập kỷ, quyền tự do tôn giáo đã nhanh chóng xuống cấp ở quốc gia Tây Phi Nigeria”, báo cáo cho biết. “Sau sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố Hồi giáo vào năm 2009, cộng đồng Kitô giáo ở Nigeria nói riêng đã phải đối mặt với bạo lực cực đoan với tốc độ gia tăng nhanh nhất”.

“Từ đó đến nay, hơn 50.000 Kitô hữu đã bị tàn sát bởi các nhóm nổi dậy bạo lực – và sự im lặng của các quốc gia phương Tây đối với vấn nạn diệt chủng này thật kinh khủng”.

Bạo lực có động cơ tôn giáo

Các nhóm đằng sau bạo lực “bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tôn giáo”, báo cáo lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng Boko Haram, vốn nhắm vào hoạt động “phi Hồi giáo”, Nhà nước Hồi giáo Tây Phi (ISIS-Tây Phi hoặc IS-WA), đặc biệt nhắm vào các cộng đồng Kitô giáo và các thành viên cấp tiến của những người du mục Fulani.

Các nhóm này tham gia vào việc tra tấn, tấn công tình dục, bắt cóc, giết người hàng loạt và các hình thức bạo lực khác, tài liệu báo cáo cho biết.

Boko Haram là một nhóm nổi dậy đã “gây ra sự tàn phá ở Nigeria, đánh bom và đốt phá các nhà thờ, giết hại hàng loạt các Kitô hữu và những người không theo đạo Hồi, đồng thời nhắm mục tiêu vào bất kỳ cá nhân nào mà nhóm này cho là đang tham gia vào hoạt động ‘phi Hồi giáo’”.

Từ năm 2009 đến 2014, Boko Haram chịu trách nhiệm đối với việc bắt cóc 22.000 Kitô hữu cũng như phóng hỏa 13.000 nhà thờ và 1.500 trường học Kitô giáo. Chỉ riêng năm 2023, nhóm này đã giết hại khoảng 500 Kitô hữu Nigeria.

IS-WA, “tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất ở Nigeria”, đã tách khỏi Boko Haram vào giữa những năm 2010 và từ đó đã cam kết trung thành với ISIS. IS-WA đã công khai hành quyết các Kitô hữu đốc vì đức tin của họ vào năm 2019; đánh bom một nhà thờ Công giáo, giết hại 40 giáo dân vào năm 2022; và đánh bom một khu chợ vào năm 2022 vì bán rượu.

Những kẻ cực đoan của nhóm Fulani, vốn là một nhóm chăn nuôi du mục theo truyền thống, đã chịu trách nhiệm giết hại ít nhất 5.000 Kitô hữu chỉ riêng trong năm 2023.

Báo cáo lưu ý rằng Fulani “nhắm mục tiêu chiến lược vào các cộng đồng Kitô giáo”, tham gia vào việc chặt chân tay, tra tấn và cưỡng hiếp các nạn nhân. Fulani cũng chịu trách nhiệm về các vụ tấn công vào đêm Giáng Sinh năm 2023 nhằm vào hàng loạt 21 ngôi làng Kitô giáo.

Báo cáo cho thấy chính phủ Nigeria thường không bảo vệ được các cộng đồng Kitô giáo. Báo cáo lưu ý rằng 37 cuộc gọi cấp cứu đã được thực hiện tới các quan chức an ninh để cảnh báo về các vụ tấn công vào đêm Giáng Sinh, nhưng chính phủ đã không bảo vệ các cộng đồng này.

Ở phía đông bắc Nigeria, người dân báo cáo rằng lực lượng an ninh Nigeria “cố tình né tránh phản ứng trước những cảnh báo về tình trạng bạo lực cho đến khi các vụ tấn công diễn ra”.

“Chủ nghĩa khủng bố không được kiểm soát đã dẫn đến đại dịch bắt cóc ở Nigeria”, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng vào năm 2023, ít nhất 4.700 Kitô hữu đã bị bắt cóc, 281 người trong số họ bị bắt cóc vì đức tin của họ.

12 trong số 36 bang của Nigeria thi hành luật báng bổ, nơi tội báng bổ có thể bị phạt tù hoặc tử hình, theo bộ luật Hồi giáo, luật Sharia. Điều này đi ngược lại hiến pháp Nigeria, vốn hạn chế các tòa án Sharia trong các vấn đề liên quan đến luật cá nhân.

Ở bang Kano, Solomon Tarfa, người điều hành trại trẻ mồ côi Kitô giáo Du Merci cùng với vợ là Mercy, đã bị bắt khi trại trẻ mồ côi bị cảnh sát đột kích mà không có lệnh bắt giữ. Trại trẻ mồ côi đã bị đóng cửa.

Hầu hết trẻ em đã bị đưa đến trại trẻ mồ côi Hồi giáo, nhưng 16 trẻ em vẫn bị chính phủ giam giữ, nơi các em cho biết đã bị lạm dụng và bị bỏ rơi. Trong một trường hợp, báo cáo cho thấy bức ảnh chụp một cậu bé 16 tuổi bị bỏng cấp độ ba ở bàn tay và cánh tay trong thời gian bị chính quyền giam giữ.

Luật Sharia cũng đã dẫn tới việc cưỡng ép kết hôn và cải đạo các bé gái và phụ nữ Kitô giáo, báo cáo lưu ý. “Chính quyền các bang miền Bắc thường xuyên từ chối bảo vệ các gia đình Kitô giáo khỏi tình trạng ngược đãi này”, báo cáo cho biết, đồng thời liệt kê một số trường hợp bắt cóc mà chính quyền địa phương chấp thuận các cuộc hôn nhân cưỡng ép hoặc chẳng hành động gì cả.

Báo cáo lưu ý rằng Hoa Kỳ hiện vẫn chưa chỉ định Nigeria là Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt về đàn áp tôn giáo, mặc dù Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), cơ quan tham vấn tự do tôn giáo cao nhất trong nước, đã khuyến nghị điều này kể từ năm 2009.

Năm 2020, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo lần đầu tiên chỉ định Nigeria là CPC, nhưng chỉ định này đã bị xóa bỏ vào năm sau dưới thời Ngoại trưởng Antony Blinken, người cho rằng bạo lực là do các nguyên nhân khác.

“Thật đáng buồn, có vẻ như việc chỉ định CPC đã bị chính trị hóa”, tài liệu viết. “Thay vì được sử dụng như một công cụ để thúc đẩy tự do tôn giáo ở nước ngoài, các chính quyền đang né tránh việc chỉ định này để tránh các vấn đề chính trị”.

Báo cáo khuyến nghị Hoa Kỳ thực hiện một loạt các bước để buộc Nigeria phải chịu trách nhiệm và giải quyết các vấn đề, bao gồm bổ nhiệm đại sứ tại Nigeria, chọn đặc phái viên để báo cáo về bạo lực và phân tích việc phân phối viện trợ của Hoa Kỳ cho Nigeria.

“Cuối cùng, Hoa Kỳ cần hiểu và truyền tải bản chất thực sự của bạo lực ở Nigeria”, báo cáo kết luận. “Việc giảm thiểu bạo lực đối với các vấn đề thứ yếu như ‘xung đột giữa nông dân và những người chăn nuôi gia súc’ hoặc ‘biến đổi khí hậu’ sẽ ngăn cản Hoa Kỳ giải quyết đầy đủ nguồn gốc của bạo lực”.

“Việc Hoa Kỳ không buộc Nigeria phải chịu trách nhiệm về những vi phạm quyền tự do tôn giáo của mình đã cho phép chính phủ Nigeria hoạt động mà không bị trừng phạt, kéo dài bạo lực do các chủ thể phi nhà nước gây ra và cho phép việc đàn áp tiếp tục xảy ra ở cấp tiểu bang”, tài liệu lưu ý.

“Bạo lực và phân biệt đối xử không được kiểm soát đã dẫn đến sự thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng, đặc biệt là các Kitô hữu, và cuộc xung đột tiếp tục làm suy yếu chính phủ Nigeria, đe dọa an ninh quốc gia và gây ra thiệt hại đáng kể về kinh tế”, báo cáo cho biết.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết