Cơ quan giám sát của EU báo cáo sự gia tăng đáng báo động trong cuộc đàn áp Kitô giáo

Đường chân trời của Vienna với Nhà thờ St. Stephen, Vienna, Áo (Ảnh: mrgb/shutterstock)

Đường chân trời của Vienna với Nhà thờ St. Stephen, Vienna, Áo (Ảnh: mrgb/shutterstock)

Nhân Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin tín ngưỡng (ngày 22 tháng 8), một tổ chức giám sát châu Âu đã cảnh báo về tình trạng bạo lực nghiêm trọng chống lại các Kitô hữu tại châu Âu và đồng thời kêu gọi các chính phủ bảo vệ những người cải đạo từ Hồi giáo nói riêng.

Trung tâm quan sát về sự không khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở Châu Âu (OIDAC Châu Âu) có trụ sở tại Vienna đã báo cáo rằng tội ác do thù hận chống lại các Kitô hữu đã tăng 44%.

Mặc dù Báo cáo thường niên 2022/23 của OIDAC Châu Âu cho biết phần lớn trong số 749 trường hợp tội ác do thù hận chống lại các Kitô hữu là hành vi phá hoại hoặc đốt phá, cơ quan giám sát tự do tôn giáo này đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các vụ tấn công bạo lực nhắm vào các cá nhân.

Giám đốc điều hành của OIDAC Châu Âu, Anja Hoffmann, cho biết các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với các Kitô hữu ở các quốc gia trên khắp Châu Âu là đáng báo động và không nên bỏ qua, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, đưa tin.

Kể từ đầu năm 2024, OIDAC Châu Âu đã ghi nhận 25 trường hợp bạo lực, đe dọa và cố ý giết người nhắm vào các Kitô hữu ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Áo, Ba Lan và Serbia.

Trong một số trường hợp, toàn bộ cộng đồng đã bị tấn công.

Vào tháng 6 năm nay, đã xảy ra một cuộc tấn công vào một cộng đoàn thuộc Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm tại Dijon trong một buổi cử hành nhà thờ. Vụ tấn công bằng hơi cay đã gây ra sự hoảng loạn và khiến 9 người bị thương, theo tuyên bố của cơ quan giám sát.

Sự bảo vệ cho những người cải đạo từ Hồi giáo

Bà Hoffmann cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và hỗ trợ các Kitô hữu cải đạo từ Hồi giáo, những người bị coi là “những kẻ bội giáo”.

Cơ quan giám sát đã trích dẫn ví dụ về một vụ án tại tòa án Anh đã kết án một người đàn ông tù chung thân vì cố giết Javed Nouri, một người Hồi giáo cải đạo sang Kitô giáo. Theo công tố viên, Alid coi Nouri là kẻ bội giáo và “do đó là kẻ đáng chết”.

Bà Hoffmann kêu gọi các chính phủ châu Âu hành động: “Quyền cải đạo là một yếu tố thiết yếu của tự do tôn giáo. Do đó, các chính phủ châu Âu phải nỗ lực làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ những người gốc Hồi giáo cải đạo theo Kitô giáo nói riêng, những người có nguy cơ bị bạo lực cao”.

Vị Giám mục Đức kêu gọi các quốc gia hành động

Trong thông cáo báo chí vào ngày 22 tháng 8, Hội đồng Giám mục Đức đã lên án tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng đối với các Kitô hữu và những người theo các tín ngưỡng khác.

Đức Giám mục Bertram Meier Địa phận Augsburg ở Bavaria, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, cho biết các chính phủ và cộng đồng tôn giáo phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn và cùng nhau hợp tác để kiềm chế sự gia tăng của bạo lực tôn giáo.

“Tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền và do đó cả quyền tự do tôn giáo. Khi điều này không xảy ra, hoặc khi chính nhà nước tấn công các quyền này, sự phân biệt đối xử và cuối cùng là bạo lực, đặc biệt là đối với các nhóm tôn giáo thiểu số, không còn xa vời nữa”, Đức Giám mục Meier nhấn mạnh.

Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin tín ngưỡng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập vào năm 2019.

Minh Tuệ (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết