Cơ quan cứu trợ Công giáo Scotland cảnh báo về 'cuộc chạy đua với thời gian' về vấn đề biến đổi khí hậu

một người mặc trang phục như Thủ tướng Anh Boris Johnson và một người mặc trang phục với chiếc đồng hồ nhằm thu hút sự chú ý về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu trong sáng kiến "Cuộc chạy đua với thời gian" Glasgow, ngày 16 tháng 8 năm 2021. (Nguồn: Colin Hattersley Photography / Courtesy SCIAF.)

Một người mặc trang phục như Thủ tướng Anh Boris Johnson và một người mặc trang phục với chiếc đồng hồ nhằm thu hút sự chú ý về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu trong sáng kiến “Cuộc chạy đua với thời gian” tại Glasgow, ngày 16 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: Colin Hattersley Photography/ SCIAF)

Cơ quan phát triển quốc tế Công giáo của Scotland đã đưa ra một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ Vương quốc Anh cam kết nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị về khí hậu quan trọng của Liên hợp quốc.

Hội nghị COP26 sẽ diễn ra tại Glasgow từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11.

Hôm thứ Hai, Quỹ Viện trợ Quốc tế Công giáo Scotland (SCIAF) đã tổ chức một cuộc chạy đua giữa một người mặc trang phục như Thủ tướng Anh Boris Johnson và một người mặc trang phục với chiếc đồng hồ nhằm thu hút sự chú ý về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu.

‘Cuộc chạy đua với thời gian’ diễn ra dọc theo Sông Clyde gần Trung tâm Khuôn viên Sự kiện Scotland, nơi sẽ tổ chức hội nghị COP26.

Một người mặc trang phục như Thủ tướng Anh Boris Johnson và một người mặc trang phục với chiếc đồng hồ nhằm thu hút sự chú ý về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu trong sáng kiến "Cuộc chạy đua với thời gian" tại Glasgow, ngày 16 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: Colin Hattersley Photography/ SCIAF)

Một người mặc trang phục như Thủ tướng Anh Boris Johnson và một người mặc trang phục với chiếc đồng hồ nhằm thu hút sự chú ý về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu trong sáng kiến “Cuộc chạy đua với thời gian” tại Glasgow, ngày 16 tháng 8 năm 2021 (Ảnh: Colin Hattersley Photography/ SCIAF)

“Chúng tôi đã đưa ra một bản kiến nghị mới kêu gọi Thủ tướng đưa ra những hành động táo bạo và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu đang hoành hành”, Tiến sĩ Geraldine Hill, giám đốc vận động của SCIAF cho biết.

“Biến đổi khí hậu đã và đang có tác động tàn khốc đối với các cộng đồng nghèo nhất trên thế giới và như chúng tôi đã trình bày hôm nay, thời gian đang vụt khỏi tầm tay của chúng ta”, bà Hill nói.

Kiến nghị 3 Đề nghị. 2 Tuần lễ. 1 Hành tinh. của SCIAF kêu gọi Thủ tướng Johnson:

1) Chi trả chi phí nhằm bảo vệ các cộng đồng nghèo nhất, đảm bảo cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi vấn đề biến đổi khí hậu để họ có thể thích ứng và phục hồi;

2) Hành động tức thì nhằm ngăn chặn vấn đề biến đổi khí hậu đang hoành hành bằng cách đảm bảo các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới ngưỡng “thảm khốc” 1,5 ° C do các chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc thiết lập;

3) Lắng nghe những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu và đảm bảo rằng những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng là trọng tâm của các cuộc thảo luận về vấn đề khí hậu.

“Trong khi phần lớn trọng tâm là giảm phát thải, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh sự hỗ trợ cần thiết để giúp các cộng đồng nghèo nhất trên thế giới thích nghi và phục hồi. Họ đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu”, Tiến sĩ Hill nói.

“Khi chúng ta tiến gần hơn đến Hội nghị COP26, không còn nghi ngờ gì nữa về những điều chúng ta cần làm. Hãy thể hiện sự ủng hộ của ngài bằng cách ký tên vào bản kiến nghị của chúng tôi. Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến với nhau với tư cách là một cộng đồng toàn cầu – những người nghèo nhất thế giới đang trông cậy vào chúng ta”.

COP26 dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại một năm vì đại dịch COVID-19. Nó đánh dấu lần cập nhật đầu tiên kéo dài 5 năm theo quy định của thỏa thuận Paris 2015, hiệp ước về biến đổi khí hậu toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên, được thông qua tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc COP21 ở thủ đô của Pháp.

Tuần trước, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã đưa ra một báo cáo cảnh báo “cần phải giảm mạnh và bền vững lượng khí thải carbon dioxide” nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khí hậu.

“Nhiều thay đổi được quan sát thấy trong khí hậu là chưa từng có trong hàng nghìn, nếu không phải hàng trăm nghìn năm, và một số thay đổi đã khởi động – chẳng hạn như mực nước biển tiếp tục dâng – không thể đảo ngược trong hàng trăm đến hàng nghìn năm”, IPCC cho biết.

“Báo cáo này là một kiểm chứng thực tế”, bà Valérie Masson-Delmotte của IPCC cho biết. “Giờ đây, chúng ta có một bức tranh rõ ràng hơn nhiều về khí hậu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, vốn hết sức cần thiết để hiểu chúng ta đang hướng đến đâu, có thể làm gì và chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào”.

Olivia McKibbin, một người ủng hộ SCIAF tham gia ‘Cuộc chạy đua với thời gian’ hôm thứ Hai cho biết rằng không còn thời gian để lãng phí nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường.

“Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta không hành động khẩn cấp về vấn đề biến đổi khí hậu thì chẳng có điều gì khác quan trọng cả. Những thứ mà chính phủ của chúng ta cho là quan trọng hiện nay sẽ trở nên vô giá trị khi chúng ta không thể hít thở bầu không khí xung quanh mình”, bà McKibbin nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp Laudato Si’ về sinh thái mang tính bước ngoặt trước thềm hội nghị tại Paris, và dự kiến sẽ thực hiện một chuyến đi ngắn đến Glasgow trong hội nghị về khí hậu vào tháng 11.

Trong thời gian ở Scotland, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ các Giám mục Scotland. Tuy nhiên, các quan chức cho biết sẽ không có bất kỳ sự tham gia nào của công chúng.

“Quan điểm của chúng tôi về điều này là không có kế hoạch về một Thánh lễ nào cả”, một phát ngôn viên của Giáo hội Công giáo phát biểu với BBC.

“Chúng tôi biết rằng sẽ lịch trình của Đức Thánh Cha Phanxicô cực kỳ chặt chẽ và sẽ có đủ thời gian để ngài gặp gỡ các nhà lãnh đạo toàn cầu, và khi phần chính thức kết thúc, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám mục, và chỉ có thế. Một Thánh lễ công khai không phải là điều mà Giáo hội mong đợi, vì thời gian hạn hẹp”.

Đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến Vương quốc Anh kể từ khi Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đến thăm cả Scotland và Anh vào năm 2010.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết