
Một phụ nữ đi lấy nước để giặt giũ khi nước lũ bắt đầu rút đi sau cơn lốc xoáy năm 2019 gần Beira, Mozambique. Nhiều nhà khoa học về khí hậu đã liên hệ số lượng thiên tai ngày càng gia tăng và mức độ nghiêm trọng của chúng với vấn đề biến đổi khí hậu (Ảnh: Mike Hutchings / Reuters qua CNS)
YAOUNDÈ, Cameroon – Một báo cáo vào đầu tháng này của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của LHQ cho biết “rõ ràng là ảnh hưởng của con người đã làm cho bầu khí quyển, đại dương và đất liền nóng lên”.
Báo cáo ngày 9 tháng 8 được đưa ra trước thềm Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), diễn ra tại Glasgow từ ngày 1-12 tháng 11, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ tham dự.
Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo (CRS), cơ quan phát triển chính thức của các Giám mục Hoa Kỳ, đang kêu gọi “hành động mạnh mẽ về khí hậu” mà tổ chức này cho biết là đi kèm với “những lợi ích kinh tế to lớn”.
“Báo cáo của IPCC xác thực những gì chúng ta đã chứng kiến — rằng vấn đề biến đổi khí hậu đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về thời tiết với những hậu quả nghiêm trọng đối với con người”, bà Nikki Gamer, Giám đốc Quan hệ Truyền thông tại CRS, cho biết.
Châu Phi và các khu vực đang phát triển khác trên thế giới nhìn vào những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu với cảm xúc lẫn lộn, vì thế giới đang phát triển phải chịu những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu, nhưng cũng có lượng khí thải carbon nhẹ nhất.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi lo ngại bất kỳ thỏa thuận nào về biến đổi khí hậu sẽ khiến họ khó phát triển kinh tế hơn.
Bà Gamer cho biết rằng ngoài việc tham gia vào việc đổ lỗi cho nhau, “đã đến lúc cần phải đoàn kết với nhau”.
“Tất cả chúng ta phải cùng cộng tác với nhau nếu chúng ta muốn cứu lấy hành tinh — và cứu lấy nhau — khỏi thảm họa”, bà Gamer phát biểu với Crux.
“Với hành động khí hậu táo bạo sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Ví dụ, các quốc gia châu Phi có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực và đầu tư có phối hợp hơn trong việc khôi phục đất và quản lý tài nguyên thiên nhiên”, bà Gamer cho biết thêm.
Dưới đây là đoạn trích cuộc trao đổi qua email của bà Nikki Gamer, Giám đốc Quan hệ Truyền thông tại CRS, với Crux.
Crux: Báo cáo mới nhất của IPCC về vấn đề biến đổi khí hậu được mô tả là “nghiệt ngã”. Nó nghiệt ngã như thế nào?
Bà Gamer: Chắc chắn, bản báo cáo vẽ ra một bức tranh ảm đạm về điều kiện môi trường ngày càng tồi tệ. Như chúng ta đã thấy vào mùa hè này, các vụ cháy rừng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, các đợt nắng nóng ngày càng dữ dội hơn và tình trạng hạn hán kéo dài hơn. Do đó, ngày càng có nhiều người không đủ ăn. Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, nạn đói dự kiến sẽ gia tăng tại 23 điểm nóng trên toàn cầu trong vài tháng tới.
Báo cáo của IPCC xác thực những gì chúng ta đã chứng kiến – rằng vấn đề biến đổi khí hậu đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về thời tiết với những hậu quả đôi khi tàn khốc đối với con người. Giờ đây, chúng ta cũng biết rằng những thay đổi đó sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn trừ khi hành động khẩn cấp và tập thể được thực hiện nhằm giảm bớt tác động của chúng ta đối với môi trường.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với một lục địa như Châu Phi, vốn góp phần rất ít vào vấn đề biến đổi khí hậu?
Trớ trêu thay, trong số những nơi chịu nhiều tác động nhất bởi biến đổi khí hậu lại là những nơi đóng góp ít nhất vào vấn đề này. Ví dụ, Madagascar đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, nhưng lại là nguyên nhân gây ra một phần nhỏ lượng khí thải carbon toàn cầu khi so sánh với các siêu cường quốc như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng thay vì tập trung vào ai là người để đổ lỗi, đã đến lúc cần phải đoàn kết với nhau. Tất cả chúng ta phải cùng cộng tác với nhau nếu chúng ta muốn cứu lấy hành tinh – và cứu lấy nhau – khỏi thảm họa.
Báo cáo chỉ ra rằng có rất ít dữ liệu khi nói đến việc giám sát biến đổi khí hậu ở châu Phi. Bà nghĩ việc thiếu nghiên cứu này có thể ảnh hưởng thế nào đến khả năng thích ứng của lục địa này?
Đúng là việc thiếu nghiên cứu và giám sát sẽ là một thách thức. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) được công bố vào năm ngoái, “Mặc dù chiếm 1/5 tổng diện tích đất liền của thế giới, nhưng châu Phi có mạng lưới quan sát trên đất liền kém phát triển nhất so với tất cả các lục địa”. Câu chuyện về một trạm thời tiết ở Mali vốn đã từng đi vào hoạt động giúp minh họa những thách thức trước mắt, nhưng cũng có những thách thức còn vươn xa hơn. Trong cùng một báo cáo được công bố vào năm 2020, WMO lưu ý rằng “việc đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu sẽ đòi hỏi sự gia tăng đáng kể năng lực của các dịch vụ khí hậu châu Phi”.
Rõ ràng, cộng đồng toàn cầu nên tăng cường đầu tư vào khu vực này. Hiện trạng không chỉ dẫn đến những đau khổ không cần thiết, mà còn dẫn đến những chi phí cao hơn trong việc ứng phó khẩn cấp, đồng thời có khả năng gia tăng tình trạng di cư và xung đột.
Lục địa này có nên bận tâm về các cam kết giảm lượng khí thải carbon của mình hay không, với thực tế là họ hiện đang góp phần rất ít vào lượng khí thải toàn cầu?
Nhận thấy sự cần thiết phải hành động khẩn cấp, Nhóm LDC, vốn hình thành từ hơn 40 quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, bao gồm hơn 30 quốc gia ở châu Phi, đang thúc đẩy các quốc gia khác trên thế giới gia tăng tham vọng giải pháp khí hậu của họ. Các quốc gia này cũng phải theo đuổi sự phát triển và tiến bộ theo những cách thức duy trì ngôi nhà chung của chúng ta. Họ đang dẫn đầu bằng cách đưa ra những cam kết của riêng họ.
Trong Thông điệp mới nhất Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng một vai trò quý báu nếu tất cả chúng ta tham gia cuộc hành trình này ngay ngày hôm nay. Không phải ngày mai, nhưng chính ngay từ ngày hôm nay. Bởi vì tương lai được xây dựng ngay từ ngày hôm nay, và nó không được xây dựng một mình, mà là trong cộng đồng và trong sự hòa hợp”.
Có một số nhà lãnh đạo châu Phi đề nghị rằng nếu châu lục này muốn phát triển kinh tế, thì nó phải làm những điều phương Tây đã làm để phát triển: Phát triển nông nghiệp và công nghiệp hóa. Liệu các nhà lãnh đạo đó có sai lầm?
Chúng tôi nghĩ về điều đó theo cách này: Với hành động khí hậu táo bạo sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Ví dụ, các quốc gia châu Phi có thể hưởng lợi từ những nỗ lực và đầu tư có phối hợp hơn trong việc khôi phục đất đai và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tại CRS, chúng tôi đang mở rộng các chương trình nông nghiệp hỗ trợ phục hồi đất và cảnh quan cũng như cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên. Ở Ethiopia, chúng tôi đã chứng kiến việc những cách làm này đã giúp nông dân tăng sản lượng ngô lên tới 400% như thế nào!
Điều rõ ràng là sản xuất nông nghiệp có thể phát triển đồng thời chúng ta duy trì và bảo vệ đất. Sự phát triển phải được theo đuổi theo những cách thức mang lại sự tiến bộ kinh tế và sự bền vững với môi trường.
CRS cũng hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Chính xác thì CRS đã và đang làm gì trên khắp châu Phi để giải quyết thách thức của vấn đề biến đổi khí hậu?
Chúng tôi làm mọi thứ từ việc chuẩn bị đối phó với thiên tai cho đến việc phục hồi đất, một giải pháp giúp nông dân thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách quản lý nước và đất tốt hơn. Việc phục hồi đất bị suy thoái cũng mang lại lợi ích về việc giữ các-bon trong đất và cây cối. Quý vị có thể đọc thêm về những công việc CRS đang thực hiện liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách nhấp vào đây.
Ngoài chương trình của chúng tôi, chúng tôi có tiếng nói tích cực ở Washington để giúp ủng hộ lập pháp nhằm thúc đẩy các nỗ lực thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu ở các quốc gia đang phát triển, bao gồm vận động cho Quỹ Khí hậu Xanh.
Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và đức tin là gì? Đức Thánh Cha Phanxicô là một người ủng hộ môi trường không mệt mỏi.
Chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì ngài đã vận động không mệt mỏi về môi trường. Trên thực tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành một trong những nhà hoạt động môi trường có tầm ảnh hưởng nhất trong thời đại của chúng ta. Trong Thông điệp thứ hai Laudato Si’, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta với tư cách là những người Công giáo rằng trách nhiệm của chúng ta đó là phải chăm sóc Trái đất. “Mối tương quan của chúng ta với môi trường không bao giờ có thể tách rời khỏi mối tương quan của chúng ta với tha nhân và với Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho biết rằng: “Sự cam kết của các tín hữu đối với một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người bắt nguồn trực tiếp từ đức tin của họ vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, từ việc họ nhận ra những hậu quả của tội nguyên tổ và tội lỗi cá nhân, và từ sự xác tín rằng họ đã được Đức Kitô cứu chuộc. Sự tôn trọng đối với sự sống và phẩm giá của con người cũng mở rộng cho phần còn lại của tạo vật, vốn được mời gọi để cùng với con người ca tụng Thiên Chúa” (x. Tv 148: 96).
Chúng ta không thể đồng ý hơn nữa.
Minh Tuệ (theo Crux)