Nhìn vào tấm hình những học sinh đang vô tư tung tăng trong sân trường những ngày thi Tốt nghiệp, tôi nghĩ về tương lai các em, tương lai xã hội. Sau kỳ thi, sẽ có những đứa được cha mẹ đẩy đi du học ngay lập tức, có đứa chấm dứt con đường học tập cũng ngay lập tức, để lao vào đời bươn chải, vì cha mẹ không còn khả năng bao bọc. Cơ hội phát triển của từng cá nhân thật vô cùng khác nhau!
Tất cả là vì Chúa đã giao cho người thì năm nén, người khác chỉ một nén, nên con người có của ăn của để khác nhau và có cơ hội phát triển bản thân là khác nhau? Như vậy sự “bất bình đẳng” về hoàn cảnh, về khả năng là điều đã hiện diện ngay từ đầu của tạo dựng? Kéo theo sự “bất bình đẳng” ban đầu này, đương nhiên sẽ là một xã hội bất bình đẳng, bất an như chúng ta thấy hôm nay?
Trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 6/12/2015, chuyên gia kinh tế Phạm Chí Dũng cho biết: Theo con số công bố không chính thức thì 1% số người giàu ở Việt Nam đã chiếm 40% tổng tài sản toàn quốc.
Vậy có thật là số 1% con người ấy Chúa ban cho họ gần một nửa cái bánh và 99% con người còn lại Chúa chỉ để cho họ chia nhau nửa cái bánh? Một xã hội gồm một số ít thừa mứa vật chất, nắm hết cơ hội phát triển, còn đại đa số nghèo nàn, thiếu hụt điều kiện phát triển. Một xã hội chắc chắn thiếu bình an và thiếu niềm vui.
Đọc tiếp đoạn Tin Mừng: “Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: ‘Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác’. Ông chủ bảo người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn”. Chúa đòi người đã được ban năm nén – là những cơ hội thuận lợi do hoàn cảnh mang lại, là tài năng Chúa ban cho hơn người khác- phải sinh lợi cho Chúa tương ứng phần Chúa trao.
Chúa là chủ nhân của những điều thiện hảo, năm nén Chúa giao là năm nén thiện hảo, sinh lợi cho Chúa là sinh ra thêm những điều thiện hảo. Xã hội loài người theo ý Chúa phải ngày càng nhiều điều thiện hảo.
Nếu con người trong xã hội, với những khác biệt ban đầu, làm được theo điều Chúa muốn: Người được ban bao nhiêu thì sinh lợi cho Chúa bấy nhiêu, kết quả phải là “ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”, từ người được ban năm nén đến người chỉ được ban một nén. Như vậy đó không phải là một xã hội thiếu bình an và thiếu niềm vui, nó là một xã hội mọi người đều phát triển hết tiềm năng của mình và được hưởng niềm vui.
Muốn đạt được một xã hội trong đó mọi người phát triển, bình an và nhiều niềm vui, cơ cấu xã hội phải có “hình dạng” như thế nào? Vì trong thiết kế của Thiên Chúa con người luôn ở trong một xã hội, chịu tác động của cơ cấu xã hội và tác động ngược lên cơ cấu xã hội, khi phát triển bản thân mình.
Để từng con người có thể phát triển tiềm năng, điều kiện đầu tiên là phải có một cơ cấu xã hội biết và công nhận Phẩm Giá của từng người, từ đó tôn trọng Tự Do của con người. Kế tiếp, hệ thống xã hội ấy phải có tính hỗ trợ, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ giúp các sáng kiến của cá nhân hay của những nhóm nhỏ; tức là hệ thống hoạt động theo nguyên tắc Bổ Trợ. Điều này chúng ta thấy rất rõ, khi so sánh kết quả giáo dục, về mức độ tiềm năng được phát triển, của một người trẻ học ở Việt Nam và khi người trẻ ấy được đi ra nước ngoài, đến với các môi trường giáo dục tiến bộ
Không chỉ là tiềm năng phát triển mà còn phải sinh ra những điều thiện hảo. Muốn vậy, xã hội phải được tổ chức sao cho có tính Liên Đới, nó giáo dục, khuyến khích sự tự nguyện, sự quyết tâm của các cá nhân, cả chính nó, phải đóng góp cho những Thiện Ích Chung.
Và rất quan trọng, phải hiểu cho đúng thế nào là thiện ích, thiện hảo, tốt đẹp.
Ra luật cho phép phá thai để giải thoát ai đó khỏi rắc rối- giảm số phá thai bằng cách dạy cho người trẻ biết ngừa thai- hợp thức hoá hôn nhân giữa hai người cùng giới tính, các việc ấy có phải là điều thiện hảo?
Một chính sách, một công việc được coi là thiện hảo, trong con mắt của Giáo hội Công giáo, phải là một chính sách, một công việc mang trong mình nó những giá trị cốt lõi: Là Sự thật, phù hợp với bản chất sâu xa của con người – Là thực hành Công lý, tức trả lại cho Chúa và tha nhân những gì mắc nợ Chúa, mắc nợ tha nhân – Là thể hiện Tình yêu giữa những cành xuất phát từ cùng một cây.
Như thế, một hệ thống xã hội cho phép giết mấy trăm ngàn thai nhi mỗi năm, chăm chăm xây dựng kế hoạch dạy người trẻ ngừa thai, hay ra luật công nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới – nhân danh lòng “nhân đạo”, sự tiến bộ – không phải là một xã hội thiết kế cho sự phát triển của con người. Vì giết người không thể là nhân đạo, không thể là sự tiến bộ thật sự của nhân tính; kết hợp giữa hai người cùng giới không phải là một sự bổ sung khách quan phù hợp bản chất sâu xa của con người. Sự nhân danh đó chỉ là một sự lừa gạt.
Hay một xã hội mà chính quyền bỏ mặc, bao che, tiếp tay cho tham nhũng hoành hành, không phải là một xã hội tạo được điều kiện cho con người phát triển để sinh ích lợi “trả nợ” cho Chúa, trả nợ cho tha nhân. Khi chính quyền cấm đoán sự tham gia của người dân vào việc ra những quyết định liên quan đến định mệnh của chính họ, là một xã hội thiếu công lý. Khi chế độ an sinh ưu tiên cho người nghèo không hề tồn tại, hoặc tồn tại nhưng không có thực chất, vì mọi của cải đã bị bòn rút, chia chác bởi tham nhũng, là một xã hội không mang trong mình nó giá trị Tình Yêu.
Kết quả hiển nhiên phải là: 1% số người ở chóp đỉnh xã hội chiếm hữu gần một nửa ổ bánh, sử dụng thừa mứa và phung phí, chừa cho 99% còn lại chỉ một nửa ổ bánh.
Vậy, tạo ra một xã hội bất an, ẩn chứa đầy sự giận dữ và thiếu sự phát triển là do xã hội đã bị điều khiển đi không đúng con đường Chúa dạy, chứ không phải vì sự khác biệt do Chúa ban cho năm nén hay chỉ một nén giữa các cá nhân trong xã hội.
Can Đê