“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc, 12 51).
Dicdok. Con băn khoăn vì sao Đức Giêsu lại nói “phũ phàng” như thế hả?
Con người luôn sống trong cảnh lầm than, khổ đau dưới nhiều hình thức; ước mơ muôn đời của con người là có được sự bình an cho bản thân, hoà bình cho đời sống, hoà hợp trong gia đình… Thế mà Đức Giêsu lại nói Người đến để đem lại sự chia rẽ và chống đối!
Đừng nôn nóng vì kiểu nói của Đức Giêsu. Cứ “từ từ rồi nó cũng nhừ” mà con. Ta hỏi con. Có hai người cùng ăn mỳ, nhưng một người khen tấm tắc còn người kia chê dở. Tại sao?. Con bảo vì nó hợp hay không hợp khẩu vị à? Thế khẩu vị là gì? Là vừa miệng, là hợp với sở thích ăn uống của mình hả?.
Ta nói thật với con, cả hai người đó chưa chắc họ đã biết thế nào là ăn, mà họ chỉ xác nhận lại cái họ “đã ăn”, hoặc về thứ họ đã yên trí là ngon hay không ngon. Nhưng thế nào là ngon hay không ngon?. Đó là do thói quen ăn sâu vào tâm trí. Họ được dạy như thế, hoặc bởi đã có ấn tượng ngon hay dở từ ban đầu. Như người ăn chay trường, chỉ thoáng ngửi những đồ ăn mặn thôi cũng cảm thấy sự “tanh tưởi” của chúng. Con nhớ chuyện anh chàng mất khứu giác ăn mắm tôm chứ. Người ta khen ngon, anh cũng tán thành, chê mắm hôi, anh ta cũng đồng ý.
Ta nhớ trong chuyến du lịch vịnh Hạ long vừa qua, đang khi cả đoàn cũng chăm chú chiêm ngưỡng và tấm tắc về vẻ đẹp thiên nhiên này thì những người dân địa phương tại đấy lại bàng quan. Vì họ quá quen nên họ không còn thấy nó đẹp và hùng vỹ nữa, chỉ thấy đó là nơi thuận tiện để buôn bán làm ăn.
Con thấy đó. Mọi vật vẫn thế. Nó luôn là nó, đẹp hay xấu, ngon hay dở, quý giá hay tầm thường không phải vì chúng là thế, nhưng vì các giác quan, các quan niệm, ý thích, sự hiểu biết, cảm nhận của ta yếu kém, hạn chế, bất toàn, nên ta thường đánh giá mọi sự theo cái chuẩn “bất toàn” ấy mà không biết.
Những môn đệ theo Đức Giêsu khi xưa cũng cưu mang nhiều ảo vọng, tham vọng chứ không buông bỏ tất cả những ý riêng của mình để đón nhận chân lý từ lời Đức Giêsu dạy bảo. Hôm nay cũng vậy. Có ai theo Đức Giêsu mà hiểu được, thực hành được những lời Người dạy, tỷ như việc “từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo”, và thấy đó là cứu cánh cho sự giải thoát của mình, đem lại cho mình sự bình an, sống thanh thoát và thánh thiện?
Vì thế con cần trang bị cho mình thứ “tuệ nhãn” là đức tin, là ân ban của Chúa để có cái nhìn của Chúa, tâm tình của Chúa, suy nghĩ của Chúa. Đức tin cho ta một góc nhìn mới và chuẩn về vạn vật, con người và các biến cố, như Chúa đã nhìn, đã thấy.
Thiếu đức tin con vẫn sống, nhưng như người bị cận thị nhìn mọi vật cứ nhạt nhòa, mù mịt; thiếu đức tin, con cứ tưởng mọi thứ là thế, mọi người cũng chỉ thấy có thế, không có gì khác lạ, chẳng ý nghĩa gì, chẳng hấp dẫn, chỉ có sự buồn chán của kiếp sống.
Đức tin đòi ta phải bỏ đi những “cái xà” là những cách nhìn cũ, lối giải thích cũ và hiểu biết cũ (x.Ep 5,15-20). Đức tin đem lại cho mọi sự sự thay đổi, hấp dẫn, mới lạ, mang đầy ý nghĩa tốt đẹp, cuộc sống trở nên đáng sống, vì ta đã có cái nhìn sự vật giống như Thiên Chúa để nhìn, để nhận biết và giải quyết mọi vấn đề.
Dicdok, giả như có một người bị tai nạn giao thông mất một chân. Nếu bi quan, anh ta sẽ dìm mình và cuộc sống mình trong sự tiếc thương cái chân suốt đời; nếu lạc quan và thực tế, anh ta thấy mình vẫn còn một chân để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, anh biết mình đã học được bài học gì, hội ra ý nghĩa của biến cố ấy và cuộc sống anh sẽ thay đổi ra sao.
Nếu có đức tin, con sẽ nhìn thấy mọi sự xung quanh con, mọi biến cố xẩy ra cho con đều chứa đựng thánh ý Chúa muốn về con. Chúng là sứ giả, là dấu chỉ tình yêu Chúa dành cho con, là cách thế giúp con vươn lên và tiến bộ trong ơn thánh, bằng không, con sẽ nhìn chúng dưới khía cạnh quy về mình, và thường là vậy. Con chẳng bao giờ thấy chúng có giá trị hướng dẫn con tìm kiếm thánh ý Chúa để hiểu, để giải quyết và để sống. Rồi con trở nên bất mãn, hay kêu ca phiền trách: tại sao là tôi chứ không phải người khác phải khổ vì điều này, người kia, vật nọ?…
Với cái nhìn thiển cận, không có đức tin đó, con luôn mất bình an, chán nản, hoặc trốn chạy, trơ lỳ. Con chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa của chúng và tìm ra lời giải thích thỏa đáng được.
Thánh Kinh cho thấy mọi sự Thiên Chúa làm ra rất tốt đẹp và công trình cứu chuộc còn tốt đẹp hơn, đang khi ta thấy chúng rất mất trật tự, hỗn độn, bế tắc (x.2Pr 3, 4). Phải nhìn mọi sự với con mắt của Chúa trong kế hoạch của Chúa, để thấy đàng sau những bức xúc, khốn khổ của ta, những tăm tối của thế gian này là gì.
Cám dỗ và ảo tưởng bao đời nay của các chủ thuyết, các thể chế độ xã hội là việc họ ngộ nhận rằng, với sự khôn ngoan của mình, với chân lý sáng ngời mình đang nắm giữ, với quyền lực và các phương tiện sẵn có, họ có thể tạo lập được một thế giới tốt đẹp hơn những gì Thiên Chúa đang làm, đang điều khiển. Họ tự mình nắm vận mệnh của mình và nhân loại .
Hãy gỡ bỏ “cái xà trong mắt” là lối nhìn thiển cận và ngạo mạn ấy đi. Đừng tưởng chú bán vé số, bà mua ve chai… là những người không có giá trị. Có thể họ đang hy sinh chính mình cho con cái, anh em họ có được cơ hội học hành, tiến thân và đổi đời. Ngay cái nhìn về tội nhân cũng thế, người ta hay ghê tởm, thất vọng về họ, đang khi Chúa lại bảo: Ta đã tạo nên nó, thương yêu nó, tìm kiếm nó, đã chết cho nó và có một kế hoạch phục hồi nó. Dicdok con ơi, để cái nhìn của con trùng hợp với cái nhìn của Chúa, con phải xác tín như thánh Phaolô: “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).
Con thử hỏi một số người thuộc mọi thành phần, mọi tuổi tác ở các nơi khác nhau, con sẽ thấy đa số có điểm chung là luôn than phiền, bất mãn về những cảnh khổ của mình, nào cống rãnh, chợ búa, thuế má, đường xá, y tế, trường học… chê trách người này, đả kích người kia và mong ai đó quan tâm, thấu hiểu giúp đỡ. Rất ít người nói những điều tích cực, phấn đấu, hoặc cám ơn, hài lòng với đời sống hiện tại.
Đi đâu cũng thấy hộp thư góp ý, văn phòng khiếu nại, cũng chỉ vì kẻ gây ra nguyên nhân và người lãnh hậu quả đều quy về mình. Người tín hữu thì khác, dưới cái nhìn đức tin, vũ trụ này không có chỗ cho sự góp ý, cho là mình tài hơn Chúa, giải quyết tốt hơn Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa, ai đã làm cố vấn cho Người; ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men” (Rm 1133-36).
Dân Do thái xưa đã chuốc án phạt vì chẳng bao giờ hài lòng về những gì đang có, lại hay kêu ca trách móc Chúa (x.1Cr 10, 10). Tính hay kêu ca, bất mãn dẫn ta đến chỗ tự làm khổ mình vì chống lại thực tại, vì ta muốn tách mình khỏi dòng chảy của kiếp nhân sinh này và muốn xếp đặt mọi sự lại theo ý ta.
Đức Giêsu dạy chúng ta đừng xét đoán, vì khi xét đoán, không những ta vi phạm giới luật mà còn xấc xược xét đoán cả Chúa (x.Mt 7, 1-5). Con người đâu có thể “ngang tầm” với Chúa được. Nhưng nếu chúng ta có cái nhìn đức tin, cái nhìn của Chúa hơn thói quen lý luận, ta sẽ tiến tới địa hạt của an bình và khôn ngoan, hòa giải tâm trí với các biến cố trong đời sống. Đó không phải là sự lười biếng, buông xuôi, nhưng định hướng mọi hành động theo sự chỉ dẫn của Lời Chúa. Đức tin sẽ chữa lành và loại bỏ những thái độ phản kháng, chống đối, bất mãn đối với mọi sự, kể cả với bản thân mình.
Con người không thể tạo nên bầu khí lành mạnh cho linh hồn, cho đời sống và cho mọi hành vi nếu không có sự tín thác, như trẻ thơ trong lòng mẹ nó. Câu chuyện về cô Mátta và Maria cho thấy thế nào là một người có đức tin vào Chúa, tâm trí họ sẽ không còn bận tâm lo âu phiền muộn về mọi chuyện, vì có Chúa ở đó và Người quan phòng, an bài mọi sự cách khôn ngoan. Không thể có người không tin vào Chúa mà lại có được sự bình an sâu lắng, thanh thản trước mọi biến cố và làm chủ được mọi tình thế, họ chỉ là con mồi béo bở cho mọi nỗi lo toan do hoàn cảnh chi phối (x. Lc 10, 41).
Dicdok, con hãy nhớ, việc cầu nguyện, suy niệm, chiêm ngắm phải đạt được cấp độ này. Nó là môi trường cho đức tin phát triển, để “tuệ nhãn” được khai thông, cần dỡ bỏ cái xà. Đức tin được sinh ra trong sự cầu nguyện. Đức tin cho thấy con chỉ là một chi thể trong muôn vàn chi thể khác của mầu nhiệm “Thân Thể Đức Kitô”. Phải học cho biết cách lắng nghe “Thân Thể mình”, trân trọng với chính “Thân thể mình”, đối chiếu với những lợi ích khác của “Thân Thể mình”, chứ không quy về cái tôi với những lợi ích riêng mình (x. Rm 12, 3-8/ Pl 2, 3t).
Nếu có sự gì vướng mắc hãy hỏi “Đầu của Thân Thể”, và “Đầu” sẽ nói ta biết vì sao các chi thể lại cần có những chức năng riêng biệt mà vẫn ăn khớp với tổng thể, và nếu không có trật tự hòa điệu này, sự nhịp nhàng phối hợp sẽ không còn, phát sinh bao bịnh tật, ốm yếu (x. 1Cr 12, 12-30).
Trong mọi sự, hãy đi hỏi Chúa để tìm hiểu ý định, kế hoạch, mục đích của Chúa về con, và hãy hài lòng với công việc của mình, đời sống mình; hãy nhân ái với chính bản thân để thăng tiến bản thân và thánh hóa bản thân. Khi ấy, con sẽ thấy con không còn lẻ loi, cô độc, nhưng là đồng sự đáng tin với Chúa trong việc thực hiện ý Chúa Cha, và biết cộng tác với những người khác với một tinh thần mới, một cái nhìn mới.
Dicdok, giữa những lo toan bận rộn của công việc, của đời sống, con hãy thường xuyên đến gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể với sự tín thác để tâm sự, trao đổi, hỏi han, để lắng nghe và thi hành, để có cái nhìn của Chúa trong mọi sự (Rm 8, 28-30). Nhờ đó con không còn gắt gỏng, đổ lỗi, trốn chạy và bắt Chúa phải làm theo ý mình như trước. Con sẽ tìm được tinh thần mới, nghị lực mới, cùng sự giải thoát để làm mới con dù mọi sự như thể “vẫn như cũ”. Đức tin là quà tặng Chúa ban chứ không phải do sức con người.
Dikdok, cứ dụi mắt hoài là sao? Con bị “toét mắt cấp” hả con?.