“Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan trong hoang địa” (Lc 3, 2b)

Hoạt động của ông Gioan được giới thiệu theo kiểu giới thiệu ơn gọi của ngôn sứ trong Cựu Ước: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Dacaria, trong hoang địa” (Lc 3,2b; x. Gr 1,1).

fullsizeoutput_298“Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan”

Ngay từ khi sinh ra, ông Gioan đã được dành riêng cho Thiên Chúa và được tràn đầy Thánh Thần (Lc 1,15-17). Bây giờ, ông được Thiên Chúa kêu gọi thực hiện sứ mạng đặc biệt. Sứ mạng của ông đến từ chính Thiên Chúa. Ông không hiện diện và hoạt động trong tư cách cá nhân, mà là trong tư cách của một người được Thiên Chúa sai đến, và vì thế, thẩm quyền của ông đến từ Trời. Sau này, nói về thẩm quyền ấy, Đức Giêsu sẽ hỏi các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do Thái: “Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?” (Lc 20,4). Chính Thiên Chúa phán với ông Gioan, và đó là yếu tố quyết định nhiệm vụ và giá trị của ông. Ông sẽ phải diễn tả tư tưởng và ý muốn của Thiên Chúa cho dân, để chuẩn bị dân đón nhận Đức Giêsu. Lời rao giảng của ông được liên kết với Thiên Chúa và ý định cứu độ của Người. Và giá trị của ông sẽ không được xác định bởi những tiêu chuẩn phàm trần. Sau này, dân chúng sẽ coi ông là một vị ngôn sứ (x. Lc 20,6), nhưng Đức Giêsu sẽ nói về ông: “Một vị ngôn sứ chăng? Đúng vậy, nhưng tôi bảo các người, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người đã được Kinh Thánh nói tới khi chép rằng: Này ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!” (Lc 7,26-27).

Như vậy, qua ông Gioan con ông Dacaria, Thiên Chúa bây giờ can thiệp vào lịch sử.  Không phải những nhân vật nắm giữ quyền lực chính trị và tôn giáo như Tibêriô, Philatô, Hêrôđê, Philipphê, Lyxanya, Khanna, Caipha… và những ý thức hệ cũng như những hệ thống chính trị – tôn giáo đam mê quyền lực của họ, sẽ làm thay đổi thế giới; nhưng chính Lời Cứu Độ của Thiên Chúa đi vào lịch sử và đi vào bên trong những thực tại nhân loại, sẽ làm nên cuộc thay đổi kỳ diệu số phận của toàn thể nhân loại.

Ngày nay cũng vậy, Thiên Chúa công bố Tin Mừng cứu độ của Người nhờ Hội Thánh và mỗi người chúng ta. Chúng ta không công bố sứ điệp Tin Mừng nhân danh con người hay tổ chức phàm trần của mình, mà là trong sứ mạng do chính Thiên Chúa trao phó. Và còn cao cả hơn cả sứ mạng của ông Gioan, sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh là sự tiếp nối sứ mạng cứu độ của chính Chúa Giêsu trên trần gian.

Vấn đề là chúng ta có dám để cho Lời Thiên Chúa “chộp lấy” như ông Gioan xưa hay không. Vấn đề là Lời Thiên Chúa có thể chiếm hữu và chi phối cuộc sống cũng như hoạt động của chúng ta hay không.

“Trong hoang địa”

Sự kiện “lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan con ông Dacaria” đã xảy ra “trong hoang địa”. Theo Lc 1,80 ông Gioan “sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel”. Có lẽ sẽ là vô ích nếu chúng ta tìm cách xác định nơi chốn cụ thể của “hoang địa” mà tác giả Luca viết ở đây. Đối với Luca, đó là nơi xảy đến ơn gọi của vị tiền hô. Ông phải đến từ nơi đó theo lời tiên báo của Isaia sẽ được trích ở câu 4, và chính ở nơi đó, vị ngôn sứ đã lớn lên trong sự gần gũi và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, trước khi ông được sai đi dọn đường cho Con Thiên Chúa đến.

Hoang địa là một nơi chốn cô tịch, trong đó, ông Gioan nghe được Lời mầu nhiệm của Thiên Chúa. Xa lánh những ồn ào thế gian, xa lánh cuộc sống náo nhiệt bị chi phối bởi những vọng động điên cuồng, đi vào trong cõi cô tịch và hoang vắng của lòng mình, sống trong sự hiện diện cận kề của Thiên Chúa, tôi sẽ có thể gặp được Lời Thiên Chúa phán với chính mình. Và chính ở đó, sự thay đổi của thế giới tôi đang sống sẽ bắt đầu, nhờ Lời Thiên Chúa. Đây có lẽ cũng là một điểm nhấn quan trọng của Mùa Vọng này.

Nguyễn  Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết