Có hơn 65 triệu người tị nạn trên toàn thế giới

Số lượng người tị nạn trên toàn thế giới đã đạt đến con số 65,3 triệu người, bao gồm cả những người đang xin quyền tị nạn và những người bị buộc phải di tản trong nước.

Người tị nạn Syria

Người tị nạn Syria

Đây là những điều nổi bật trong bản báo cáo thường niên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), được công bố nhân dịp Ngày Tị nạn Thế giới, được tổ chức vào ngày 20/6 vừa qua. Con số trên 65 triệu người tị nạn là con số cao nhất từng được ghi nhận trước đây, với mức tăng ít nhất 5 triệu người kể từ năm ngoái.

Năm mươi phần trăm những người tị nạn đến từ những quốc gia bị chiến tranh tàn phá hoặc bất ổn như: Syria, Afghanistan, Somalia. Một phát hiện quan trọng đó là phần lớn những người tị nạn – ít nhất là 80% – được đón tiếp không phải ở các quốc gia giàu có, nhưng ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ông Filippo Grandi – người đứng đầu Cao ủy Liên Hiệp Quốc – lưu ý rằng do áp lực của những người tị nạn, hiện đang có một “xu hướng bài ngoại” đáng lo ngại và ngày càng phát triển ở châu Âu. Theo ông Grandi, kể từ tháng Giêng vừa qua tại trụ sở của tổ chức này, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải giải thích cặn kẽ hơn cho những người dân của họ rằng những người tị nạn phải trốn chạy khỏi những nơi nguy hiểm và họ “thực sự không phải là những mối nguy hiểm đối với chúng ta… Thực ra, họ đóng góp vào sự phát triển của xã hội”.

Theo Tổ chức quốc tế về những người di cư, năm 2015, đã có hơn 1 triệu người di cư đến Châu Âu bằng đường biển và 35.000 bằng đường đất liền. Hầu hết những người di cư này đều muốn đi đến các quốc gia giàu có chẳng hạn như Đức và Thụy Điển.

Tuy nhiên, làn sóng những người tị nạn đã giáng một đòn mạnh vào Liên minh châu Âu thay vì những hành động cộng tác, một số tiểu bang đã phải áp đặt những rào cản mới và kiểm soát biên giới trong khu vực Schengen.

Ông Filippo Grandi đã đến khu vực Trung Đông để giám sát các cuộc khủng hoảng của những người tị nạn Afghanistan. Đồng thời, ông cũng có lời biểu dương Iran vì đã đón tiếp hơn 3 triệu người nhập cư Afghanistan. Trong số đó, chỉ có 1 triệu người là thường xuyên.

Những gì đang được thực hiện ở Iran – ông cho biết – “Là một ví dụ chân thực đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như việc hỗ trợ kinh phí giúp cho các trẻ em có thể được đến trường”.

Hôm Chúa nhật vừa qua trong buôi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tín hữu rằng ngày 20/6 được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày Tị nạn Thế giới. “Những người tị nạn – Đức Thánh Cha cho biết – cũng là những con người như chúng ta, thế nhưng chiến tranh đã cướp đi nhà cửa, những người thân thuộc và bạn bè của họ. Các câu chuyện và những khuôn mặt đáng thương của họ mời gọi chúng ta hãy cam kết để cùng chung tay xây dựng hòa bình trong công lý. Vì vậy, chúng ta cần phải đến bên họ để gặp gỡ, đón tiếp và lắng nghe họ, để từ đó chúng ta có thể trở thành những người biết kiến tạo hòa bình theo Thánh ý của Thiên Chúa”.

Minh Tuệ

(Theo asianews)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết