Liệu có cái gọi là “mô hình kinh tế Kitô giáo” hay không? Câu trả lời là: Không.
Trong thực tế, nói một cách tổng quát, Giáo hội ủng hộ một nền kinh tế thị trường bao gồm mọi người và mọi dân tộc, và được hướng dẫn bởi các nguyên tắc công bằng xã hội và bác ái.
Tuy nhiên, Giáo hội không đồng nhất mình với bất kỳ mô hình kinh tế hoặc đảng chính trị cụ thể nào. Giáo hội không đề xuất “các giải pháp kỹ thuật”; Giáo hội loan báo Tin Mừng.
Qua các thế kỷ, Giáo hội rút ra từ Phúc Âm một số nguyên tắc cho cuộc sống xã hội, như tôn trọng phẩm giá con người, liên đới và bổ trợ. Kitô hữu hoạt động trong lãnh vực kinh tế được kêu gọi áp dụng các nguyên tắc này theo một lương tâm được đào tạo kỹ.
Giáo huấn xã hội Công giáo không cung cấp những thông số của kinh tế và xã hội. Giáo huấn xã hội Công giáo không phải là một hệ thống ý thức hệ hay một hệ thống thực dụng nhằm định nghĩa và khai sinh ra các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội, mà là sự trình bày chính xác những thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người, với mục đích là để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử cho đúng. Trong lãnh vực kinh tế, Giáo huấn xã hội Công giáo cống hiến cho con người những nguyên tắc để suy tư và những tiêu chuẩn để phán đoán liên quan đến các mô hình kinh tế khác nhau.
Tóm lại, Giáo hội có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, và không tham dự vào cuộc thi đua giành giải nhất về các mô hình kinh tế và những giải pháp kỹ thuật tối ưu. Giáo Hội chỉ yêu cầu nền kinh tế phải phục vụ con người và công ích, và phải giữ đòi hỏi chính đáng này cho xứng với phẩm giá con người.