Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của phàm nhân và đường lối của Chúa không phải là đường lối của con người. Đức Giêsu dùng dụ ngôn Thợ làm vườn nho để cho thấy Nước Thiên Chúa là một ân huệ, không phải là phần thưởng dựa trên công trạng con người.
Người ta hay vội phê phán cách hành xử của Đức Giêsu trong dụ ngôn này là bất công, tùy tiện và kỳ quặc. Nhưng thật ra, dù xét trên góc độ công bằng xã hội và kinh tế, Đức Giêsu cho thấy sự hợp lý, hợp tình của Thiên Chúa về cách trả lương cho những người thợ làm vườn, nhằm đề cao tấm lòng yêu thương cao cả của Thiên Chúa, Ông Chủ vườn nho.
Tình tiết Ông Chủ vườn nho mấy lần ra mướn thợ, từ tảng sáng tới chiều với hợp đồng rõ ràng, tiền công là một quan tiền cho ngày công, hoặc với lời hứa hợp lẽ công bằng, với đám thợ lúc giờ thứ mười một, lúc trời đã về chiều, chỉ với hy vọng vào lòng tốt và sự chiếu cố của ông.
Trừ những người thợ vào làm lúc tảng sáng, những người thợ khác có lẽ hiểu “hợp lẽ công bằng”, dù không bằng một quan, sẽ tương xứng với công sức họ bỏ ra. Còn những người được mướn vào giờ sau cùng, có thể họ không đặt vấn đề công sức hoặc công bằng, mà tùy thuộc vào tấm lòng của ông chủ.
Vấn đề nảy sinh lúc lúc trả lương, ông chủ bảo người quản lý trả lương cho những người làm giờ cuối cùng trở lên, mỗi người được một quan tiền.
Những người thợ làm từ đầu giờ nghĩ rằng, họ sẽ được nhận nhiều hơn, vì đã làm việc nặng nhọc, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. Họ cho rằng ông chủ đối xử bất công khi trả lương cho họ như những người được gọi làm sau.
Nhưng ông chủ vườn cho thấy cách cư xử của ông là công bằng, dựa trên sự thỏa thuận. Ai cấm ông có quyền trên của cải của mình và ban phát cho ai tùy ý, dựa trên lòng tốt của mình? Phải chăng chính vì sự ghen tức do cái nhìn hạn hẹp đã thúc đẩy những người thợ đầu tiên nhìn sai, nên phản đối ông?
Như thế, nếu xét trên sự công bằng của Thiên Chúa, như cách cư xử của ông chủ vườn nho đối với những người thợ là công bằng, nếu xét theo quyền tự do định đoạt trên tài sản mình, như đối với những người thợ giờ cuối cùng, là do ân huệ, do lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Thiên Chúa công bằng và giầu lòng nhân ái. Không ai có thể đưa ra bất cứ chuẩn mực nào để đòi Thiên Chúa phải hành xử “công bằng, tốt lành” theo ý mình.
Dụ ngôn Thợ làm vườn nho như vừa biện minh cách hữu lý, hợp tình cho thái độ, cách ứng xử của Đức Giêsu đối với mọi hạng người mà những người “đạo đức” thời ấy khó chịu, xét nét và phê phán.
Là Khuôn Mặt của Thiên Chúa Từ Bi Nhân Hậu và giầu lòng Thương Xót, Đức Giêsu tìm đến những kẻ tội lỗi, bảo vệ những người hèn mọn, dốt nát, binh đỡ những người vì nhiều lý do, đã vi phạm Lề Luật, những người bịnh hoạn, tật nguyền, bị khinh khi, bị loại khỏi xã hội.
Nếu có “thiên vị”, thì vì Người thường chiếu cố đến những tội nhân và cho họ có cơ hội trở về đường ngay, nẻo chính. Người không bỏ sót mọi nỗ lực ăn ở ngay lành của bất kể là ai, hoặc dù đó là lòng sám hối, sự xấu hổ với tội lỗi đã phạm, sự chuyển cầu, hoặc lời cầu xin của những người ngoại đạo.
Đức Giêsu tự do trong việc thi thố quyền bính của mình để bày tỏ tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa, minh chứng cho tư cách Thiên Sai và những mầu nhiệm Người sẽ thực hiện. Những gì Đức Giêsu làm hay ban tặng cho con người, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người.
Mọi người đều bình đẳng trước mặt Người, trước cơ hội tham gia và cống hiến, không có chuyện một số người được “bình đẳng” hơn. Không ai có thể áp đặt cho Người bất cứ quy tắc nào về ân thưởng, giới hạn đường lối thực thi lòng nhân lành của Thiên Chúa.
Chủ nghĩa ưu tuyển nhờ công trạng, so đo, ghen tỵ về các ân huệ của Thiên Chúa, sự trách cứ Người bất công và cả thái độ ỷ lại, tính toán trước cơ hội Người mở ra, là một sự xúc phạm tới lòng nhân lành hay thương xót của Chúa
Đừng quên những bổn phận phải chu toàn và đón nhận ân ban với lòng biết ơn. Hãy có tấm lòng của Thiên Chúa để mừng vui và tạ ơn khi thấy những dấu chỉ lòng nhân lành của Người cho con người, hôm nay.
Jos Ngô Văn Kha CSsR