Chuyến viếng thăm Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô là cơ hội để giới thiệu đức tin Công giáo

Một người biểu tình vẫy quốc kỳ Mông Cổ trên bậc thềm của Cung điện Nhà nước vào tháng 12 năm 2022 (Ảnh: Alexander Nikolskiy/AP)

Một người biểu tình vẫy quốc kỳ Mông Cổ trên bậc thềm của Cung điện Nhà nước vào tháng 12 năm 2022 (Ảnh: Alexander Nikolskiy/AP)

Các nhà truyền giáo ở Mông Cổ cho biết người dân địa phương “kinh ngạc” trước chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, và đồng thời xem đây là thời điểm thích hợp để giới thiệu đạo Công giáo với quốc gia Cộng sản cũ, nơi người Công giáo chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ bé và đức tin tương đối xa lạ.

Phát biểu với các nhà báo trong một cuộc thảo luận bàn tròn trên phương tiện truyền thông, Linh mục Jaroslav Vracovský thuộc Dòng Salêdiêng, Cha xứ Shuvuu ở Mông Cổ, cho biết người dân “kinh ngạc” trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

Là một quốc gia đa số theo Phật giáo, hầu hết mọi người “không biết Điáo hoàng là ai và tại sao ngài lại ở đây. Hầu hết không biết chuyện gì đang xảy ra hoặc tầm quan trọng của nó”, Cha Vracovský nói.

Theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Công giáo mang tên Viện trợ Giáo hội Đau khổ, Mông Cổ có 53% theo Phật giáo Mật tông, 39% theo chủ nghĩa vô thần, 3% theo Hồi giáo, 3% theo Shaman giáo và 2% theo Kitô giáo.

“Chúng tôi háo hức muốn có được kinh nghiệm này, và mong muốn Đức Thánh Cha lắng nghe các nhà truyền giáo và gặp gỡ họ trực tiếp. Nhiệm vụ của chúng tôi là giới thiệu với họ những gì đang diễn ra”, Cha Vracovský nói, đồng thời cho biết ngài hy vọng sẽ tận dụng chuyến viensg thăm này như “một dịp để giới thiệu những gì đang diễn ra: Đức Giáo hoàng là ai, vị Giáo hoàng này là ai? Tôi nhân cơ hội này để giới thiệu Giáo hội Công giáo là gì. Chúng tôi rất mong chờ điều đó”.

Tương tự, Cha Paul Leung, đại diện Dòng Salêdiêng tại Mông Cổ, cho biết không chỉ 1.500 tín hữu Công giáo Mông Cổ ngạc nhiên trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, mà tất cả mọi người đều ngạc nhiên.

“Mọi người chưa bao giờ nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm, họ chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, vì vậy giờ đây họ đang chuẩn bị để được gặp Đức Thánh Cha”, Cha Leung nói, đồng thời cho biết nền văn hóa du mục của Mông Cổ có truyền thống “rất chào đón,” và mọi người đang “háo hức” chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giáo hoàng.

Cha Leung cho biết chuyến Tông du của Đức Thánh Cha là một thời điểm quan trọng đối với người Mông Cổ, và là “cơ hội tốt để mở rộng tầm nhìn của các tín hữu Công giáo chúng tôi ở đây, bởi vì Mông Cổ là một quốc gia hoàn toàn khép kín. Nó bị bao bọc bởi Nga và Trung Quốc”.

 “Đó là một điều thực sự tích cực cho Giáo hội ở đây. Đối với người Mông Cổ nơi đây, dù không phải là người Kitô hữu nhưng họ rất ngạc nhiên và muốn biết Đức Thánh Cha là ai… Thậm chí, một số giáo dân còn hỏi, tại sao Đức Thánh Cha đến viếng thăm chúng tôi, với mục đích gì? Đó là một cơ hội tốt để giới thiệu Giáo hội Công giáo với họ”, Cha Leung nói.

Lịch trình chính thức của chuyến Tông du vẫn chưa được công bố, nhưng người ta cho rằng Đức Thánh Cha sẽ dành phần lớn thời gian của mình ở thủ đô Ulaanbaatar của đất nước.

Bằng việc lưu ý đến các vùng ngoại vi trên toàn cầu, năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Ulaanbaatar, lúc bấy giờ là Đức Giám mục Giorgio Marengo, làm Hồng y, trao cho ngài chiếc mũ đỏ và bổ nhiệm ngài làm thành viên của Bộ Loan Báo Tin Mừng của Vatican.

Ngoài lợi ích mục vụ khi đến thăm cộng đồng Công giáo nhỏ bé của Mông Cổ, nhiều người đã suy đoán rằng vấn đề địa chính trị khu vực là một động cơ khác cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, vì Mông Cổ có chung biên giới với cả Trung Quốc lẫn Nga, hai quốc gia hiện đang được Vatican đặc biệt quan tâm.

Trong một năm rưỡi qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham gia vào các nỗ lực hòa bình cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Đức Thánh Cha đã nhiều lần đề nghị Vatican đóng vai trò trung gian hòa giải, và Đặc phái viên hòa bình cá nhân của ngài gần đây đã kết thúc các chuyến thăm tới cả Kiev lẫn Moscow.

Trung Quốc cũng rất quan tâm đến Tòa Thánh, vôn đã ký một thỏa thuận tạm thời bí mật về việc bổ nhiệm Giám mục với Trung Quốc vào năm 2018. Mặc dù thỏa thuận gây tranh cãi đó đã được tranh luận gay gắt, nhưng nó đã hai lần được gia hạn, với việc các quan chức Vatican liên tục nhấn mạnh đến lợi ích lâu dài tiềm năng của cuộc đối thoại.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với xã hội Mông Cổ, Cha Leung nói rằng theo truyền thống, Trung Quốc và Mông Cổ là kẻ thù của nhau, “vì vậy thậm chí ngày nay nhiều người Mông Cổ không thích Trung Quốc”.

“Tất nhiên, họ là láng giềng của nhau, và Mông Cổ và Trung Quốc có quan hệ kinh tế với nhau, đặc biệt là Mông Cổ phụ thuộc vào Trung Quốc, điều đó đúng, nhưng đối với người Mông Cổ, nhiều người trong số họ không thích người Trung Quốc”, Cha Leung nói.

Bất chấp sự khác biệt về văn hóa kéo dài này, Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế và chính trị rõ ràng, nhưng khi nói đến đức tin, Trung Quốc không có ảnh hưởng gì, Cha Leung nói, nhưng bày tỏ sự xác quyết của mình rằng nhiều người Công giáo Trung Quốc có thể sẽ đến Mông Cổ để chào đón Đức Thánh Cha.

“Đây là cơ hội để các tín hữu Trung Quốc gặp gỡ Đức Thánh Cha, bởi vì đến Ý thì khó khăn hơn, nhưng đến Mông Cổ thì dễ dàng hơn đối với họ”, Cha Leung nói.

Nói về Nga và tác động của cuộc chiến của nước này với Ukraine, Cha Vracovský cho biết theo truyền thống, người Mông Cổ thân thiện hơn với Nga và mối liên hệ với nước này “vẫn còn bền chặt”.

Cuộc chiến Ukraine “hơi khác xa” với thực tế hàng ngày của họ, nhưng người Mông Cổ mong muốn hòa bình, Cha Vracovský nói, đồng thời cho biết nhiều người “không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Bất chấp sự ủng hộ chung của người Mông Cổ đối với Nga, “Tôi không thể nói rằng họ đang chống lại Ukraine”, Cha Vracovský nói, “mong muốn của họ là, hãy để hòa bình hiện hữu ở Ukraine. Chủ đề này xa vời với họ”.

Cha Vracovský cho biết ngài không biết liệu Đức Thánh Cha Phanxicô có đề cập cụ thể đến cuộc chiến Ukraine khi ngài ở Mông Cổ hay không, nhưng hy vọng Đức Thánh Cha sẽ đưa ra thông điệp hòa bình bất kể điều gì, như Đức Thánh Cha thường làm trong các chuyến Tông du và vì tiếng nói của ngài có trọng lượng trong cộng đồng quốc tế .

Cha Leung cho biết ngài mong muốn chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ tập trung nhiều hơn vào “những vấn đề mục vụ, đó là một chuyến viếng thăm mục vụ”.

Về mặt chính trị, Trung Quốc nắm giữ nhiều ảnh hưởng hơn Nga, Cha Leung nói, nhưng bày tỏ sự xác quyết rằng “chuyến viếng thăm Mông Cổ mang tính mục vụ hơn là chính trị”.

Hai Cha Leung và Vracovský cũng nói về Giáo hội Công giáo và mối quan hệ với các tôn giáo khác ở Mông Cổ, nơi chỉ có 1.500 tín hữu Công giáo địa phương, với một số ít người nước ngoài cũng hiện diện trong cộng đồng.

Cha Leung cho biết Công giáo đã có mặt ở Mông Cổ từ thế kỷ 13, nhưng nó đã trải qua “nhiều thay đổi”. Hiện tại, có khoảng 77 nhà truyền giáo đến từ 10 hội dòng phục vụ các tín hữu Công giáo trong nước, 3 trong số đó là các dòng nam và 7 hội dòng là nữ.

Vẫn còn thiếu linh mục, vì cần nhiều hơn nữa để cử hành Thánh lễ và các sự kiện phụng vụ khác. Leung cho biết bản thân các Salêdiêng có khoảng 10 người và có ba nhà cộng đồng trên khắp đất nước.

Hiện vẫn còn thiếu linh mục, vì cần có thêm nhiều linh mục hơn nữa để cử hành Thánh lễ và các sự kiện phụng vụ khác. Chính các tu sĩ Dòng Salêdiêng, Cha Leung cho biết, có khoảng 10 người và có 3 nhà cộng đoàn trên khắp đất nước.

Về mối quan hệ với các cộng đồng đức tin khác, Cha Leung cho biết, “Không bao giờ có bất kỳ xung đột nào”.

Hầu hết người Mông Cổ là người vô thần, Cha Leung nói, đồng thời lưu ý rằng đất nước này đã sống dưới chế độ cộng sản trong 70 năm, những tác động của nó vẫn có thể cảm nhận được, đặc biệt là khi nói đến cảm xúc về tôn giáo nói chung.

Những người vô thần “giữ khoảng cách với chúng tôi…ngay cả những tôn giáo khác cũng gặp vấn đề tương tự”, Cha Leung nói, đồng thời cho biết hầu hết những người có đức tin đều là Phật tử Tây Tạng, nhưng đối với nhiều người Mông Cổ, “tôn giáo là một chuyện, còn đời sống xã hội là một chuyện khác. Đó là ảnh hưởng của hệ thống cộng sản”.

Các tôn giáo khác thường giữ quan điểm giống như người Công giáo, Cha Leung nói,  đồng thời cho biết rằng họ “phải hợp tác, đặc biệt là đối với một số vấn đề xã hội”.

Cha Vracovský cho biết cũng có nhiều người Mông Cổ theo Shaman giáo và mối quan hệ giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau “khá tốt”.

Đối với cộng đồng Công giáo, “chúng tôi không chỉ mong muốn thúc đẩy đức tin Công giáo và Chúa Giêsu Kitô, mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Giúp dân nghèo được học hành, giúp đỡ dân làng. Thông qua dịch vụ xã hội, chúng tôi được đón nhận”, Cha Vracovský chia sẻ.

Nhiều người nhận được sự trợ giúp từ Giáo hội Công giáo đã tìm hiểu về đức tin, đồng thời lưu ý rằng việc thực hành tôn giáo đối với người Công giáo Mông Cổ khác với người Công giáo ở Châu Âu hoặc các nơi khác trên thế giới.

“Bên ngoài Mông Cổ, người Công giáo chỉ đi lễ. Nó không giống như Mông Cổ, bởi vì chúng tôi phải có một cái gì đó sau đó. Nếu bạn đến một Giáo xứ nhỏ, bạn có một số hoạt động trước Thánh lễ: một số hoạt động dành cho thiếu nhi, thậm chí ngay cả cho người lớn. Sau Thánh lễ là chương trình ẩm thực”, Cha Vracovský chia sẻ.

Nhiều người không ăn trưa trong ngày, vì vậy các Giáo xứ cung phát súp sau Thánh lễ và tổ chức các hoạt động cho cả người lớn lẫn trẻ em, Cha Vracovský nói, đồng thời lưu ý rằng nhiều người đến đây hiện vẫn chưa được rửa tội, nhưng họ đánh giá cao sự hỗ trợ và các hoạt động.

Những người không Công giáo đến đây có thể “nắm bắt được một chút đức tin”, Cha Vracovský nói, vì vậy với tư cách là mục tử, “chúng tôi đồng hành cùng họ để họ tìm hiểu và được rửa tội, đồng hành cùng họ trong việc học hành, nhưng đồng hành cùng họ suốt chặng đường không phải là điều dễ dàng” do sự thưa thớt dân số của Mông Cổ, nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người và là nơi gia súc đông hơn con người với tỷ lệ gần 20 trên 1.

Cha Leung cho biết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng sẽ là một kinh nghiệm học hỏi tốt cho chính phủ Mông Cổ và các nhà lãnh đạo chính trị của họ, vì nhiều người không quen thuộc với Giáo hội Công giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được mời đến thăm Mông Cổ trong Công nghị Hồng y năm ngoái, khi Đức Giám mục Marengo được Đức Thánh Cha trao mũ đỏ. Cha Leung cho biết một phái đoàn nhỏ từ chính phủ Mông Cổ đã hội kiến riêng Đức Thánh Cha tại Vatican nhân dịp này và trình thư mời chính thức.

“Tất nhiên, đối với họ, có thể họ không thực sự rõ ràng rằng họ mời Đức Thánh Cha cũng với tư cách là một nhà lãnh đạo tôn giáo…họ mời Đức Thánh Cha chủ yếu với tư cách là nhà lãnh đạo của một quốc gia, người đứng đầu Thành quốc Vatican, đến thăm”, Cha Leung nói.

Để đạt được mục đích này, Cha Leung nói rằng trong quá trình chuẩn bị, khi ủy ban Vatican sắp xếp công tác hậu cần cho chuyến viếng thăm đã gặp gỡ các quan chức Mông Cổ để tìm địa điểm để cử hành một Thánh lễ công khai, ban đầu “họ không biết Thánh lễ là gì”, và họ đã được giải thích cặn kẽ.

Giờ đây, các quan chức chính phủ được cung cấp nhiều thông tin hơn, Cha Leung nói, “Tôi thiết nghĩ đây là một sự thay đổi khá lớn đối với các nhà lãnh đạo trong chính phủ. Điều này cũng sẽ có tác động rất tích cực đối với người dân ở đây, tôi rất tin tưởng vào điều đó”.

Cha Vracovský  cho biết rằng về cách các chính trị gia Mông Cổ nhìn nhận Đức Giáo hoàng, Đức  Phanxicô “được coi là một nhà đối thoại, một nhà lãnh đạo của hòa bình và tình huynh đệ” và là một “đối tác dân chủ” mà họ có thể “tiến tới trong một số sự hợp tác và cộng tác”.

Tuy nhiên, bất chấp những hàm ý chính trị của chuyến viếng thăm, Cha Vracovský cho biết rằng cuối cùng, “nhóm mục tiêu của Giáo hội là ‘những người rốt hết'”.

“Tôi là một trong những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở đây”, Cha Vracovský nói, đồng thời cho biết đây là cộng đồng mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến viếng thăm và gặp gỡ.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết