Chuyến viếng thăm châu Á của ĐTC Phanxicô 'cho thấy sự bận tâm đối với những người bị gạt ra bên lề xã hội'

Đức Hồng Y Charles Bo Địa phận Yangon nhấn mạnh rằng ĐTC Phanxicô có thể thu hút sự chú ý toàn cầu đối với các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội

Các sinh viên tổ chức buổi tổng duyệt tại một trường học ở Bangkok vào ngày 13 tháng 11 nhằm chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Thái Lan. Những người dân tộc thiểu số từ các ngôi làng miền núi xa xôi và trẻ em Phật tử sẽ nằm trong số hàng chục ngàn người xuống thủ đô Thái Lan để có cơ hội gặp gỡ ĐTC Phanxicô trong tuần này (Ảnh: Chalinee Thirasupa / AFP)

Các sinh viên tổ chức buổi tổng duyệt tại một trường học ở Bangkok vào ngày 13 tháng 11 nhằm chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Thái Lan. Những người dân tộc thiểu số từ các ngôi làng miền núi xa xôi và trẻ em Phật tử sẽ nằm trong số hàng chục ngàn người xuống thủ đô Thái Lan để có cơ hội gặp gỡ ĐTC Phanxicô trong tuần này (Ảnh: Chalinee Thirasupa / AFP)

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Thái Lan và Nhật Bản trong tháng này cho thấy tình yêu của Ngài đối với các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội, theo Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu.

Trong chuyến Tông du lần thứ tư tới châu Á, ĐTC Phanxicô dự kiến sẽ đến Bangkok vào ngày 20 tháng 11. Ba ngày sau, Ngài sẽ rời Tokyo và hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom hạt nhân trước khi khởi hành trở về Rome vào ngày 26 tháng 11.

ĐTC Phanxicô đã “chọn các quốc gia nơi mà cộng đồng Công giáo chỉ là một nhóm thiểu số. Sự bận tâm của Ngài đối với các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội đã khuếch đại sự hiện diện của họ”, Đức Hồng Y Bo cho biết trong một tuyên bố.

Cách đây 2 năm trước, “ĐTC Phanxicô  đã chọn đến thăm hai quốc gia nơi mà sự hiện diện của Kitô giáo quả thực hết sức khiêm tốn. Kitô giáo đã hiện diện tại Myanmar trong 500 năm qua. Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đã khiến cho đàn chiên nhỏ bé này được cả thế giới biết đến”, Đức Hồng Y Bo nói.

Trong chuyến viếng thăm châu Á vào năm 2017 của mình, ĐTC Phanxicô đã đến thăm đất nước Bangladesh mà chủ yếu là người Hồi giáo và Myanmar mà Phật giáo chiếm đa số, quê hương của Đức Hồng y Bo, 71 tuổi.

ĐTC Phanxicô đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm Myanmar, nơi mà các Kitô hữu chỉ chiếm 6% dân số khoảng 54 triệu người. Công giáo chỉ chiếm khoảng một phần trăm hoặc khoảng 750.000 người.

Đức Hồng Y Bo nhắc lại rằng chuyến viếng thăm này quả là “đầy thử thách”, thế nhưng điều đó không ngăn cản ĐTC Phanxicô. “Ngài đến với một lời kêu gọi rõ ràng cho hòa bình thông qua tình yêu thương”.

Chuyến viếng thăm xảy ra ngay đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Rohingya. Các phương tiện truyền thông thế giới đã làm nổi bật cảnh ngộ của một triệu người Hồi giáo Rohingya vốn đã phải chạy trốn sang quốc gia láng giềng Bangladesh vào tháng 8 năm 2017 sau cuộc đàn áp đẫm máu của Myanmar.

Trong chuyến viếng thăm, ĐTC Phanxicô đã không “ngần ngại gặp gỡ bất cứ ai tại Myanmar: lãnh đạo đất nước, các nhà sư và thậm chí cả các tướng lĩnh quân đội”.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô “đã để lại một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình và hy vọng. Ngài đồng thời cũng khuyến khích Giáo hội Công giáo và giới trẻ trở thành khí cụ của hòa bình”, Đức Hồng Y Bo nói.

Vấn đề khí hậu sẽ được nhấn mạnh

“Vấn đề biến đổi khí hậu và nghèo đói là hai trong số những vấn đề chính” để ĐTC Phanxicô thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới, Đức Hồng Y Bo nói, đồng thời gợi ý chúng như là những chủ đề thảo luận khi Ngài gặp các nhà lãnh đạo Thái Lan và Nhật Bản nhân dịp này.

Thái Lan và Nhật Bản đã phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, Đức Hồng Y Bo lưu ý.

Lũ lụt gia tăng, tình trạng xói mòn bờ biển và mưa trái mùa đã tấn công Thái Lan, ảnh hưởng xấu đến sinh kế của người nghèo, đặc biệt là các nông dân và ngư dân.

Nhật Bản cũng đã phải chịu đựng những họa nghiêm trọng của thiên tai. Vào giữa tháng 10, cơn bão Hagibis đã tấn công Nhật Bản gây ra sự tàn phá ở một số khu vực và khiến ít nhất 68 người thiệt mạng.

Mặc dù là một quốc gia được tô điểm bởi vẻ đẹp tự nhiên chẳng hạn như núi non, rừng, hồ, sông ngòi và biển, Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi núi lửa, động đất, sóng thần, bão, lũ lụt và lở đất.

Đức Hồng Y Bo cho biết cả hai quốc gia này đều trân trọng “những truyền thống tâm linh sâu sắc” và “sự quan tâm của ĐTC Phanxicô đối với các tôn giáo Đông phương đã được mọi người biết đến”.

Tình yêu của Ngài đối với thiên nhiên và hành tinh đã “thôi thúc Ngài đưa ra một Thông điệp mang tính đột phá, Thông điệp ‘Laudato si’, và đồng thời tổ chức một Thượng Hội đồng đặc biệt về khu vực Amazon”.

“Trong tất cả những điều này, ĐTC Phanxicô đã ngưỡng mộ truyền thống tâm linh của Đông  phương, vốn xem tất cả mọi sinh vật và những thứ như cây cối đều là một phần của sự hiện diện của Thiên Chúa”, Đức Hồng Y Bo nói.

Đức Hồng Y Bo cho biết ĐTC Phanxicô cảm thấy rằng “các truyền thống tôn giáo có thể khẳng định một cách mạnh mẽ nhằm nâng cao phẩm giá của con người và sự toàn vẹn của công trình sáng tạo. Tôi chắc chắn rằng tiếng nói của Ngài sẽ được lắng nghe về những vấn đề này”.

Đức Hồng Y Bo dự kiến sẽ hội kiến ĐTC Phanxicô tại Đền thờ Chân Phước Nicholas Boonkerd Kitbamrung ở Bangkok trong cuộc gặp gỡ với các giám mục Thái Lan và các thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vào ngày 22 tháng 11.

Chuyến Tông du châu Á đầu tiên của ĐTC Phanxicô đó chính là viếng thăm Hàn Quốc vào tháng 8 năm 2014 nhân dịp Đại hội Giới trẻ Châu Á. Vào tháng 1 năm 2015, ĐTC Phanxicô đã đến thăm Sri Lanka và Philippines trước khi đến Myanmar và Bangladesh hai năm sau đó.

Thiên Ân (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết