ĐTC Phanxicô đã đến thăm các bệnh nhân và nhân viên của Bệnh viện St. Louis tại Bangkok, mà năm nay sẽ kỷ niệm 120 năm thành lập.

ĐTC Phanxicô gặp gỡ các nhân viên y tế tại Bệnh viện St Louis tại Bangkok (Truyền Thông Vatican)
Bệnh viện St Louis ở Bangkok được thành lập vào năm 1898 bởi Đại Diện Tông Tòa tại Xiêm, Đức Tổng Giám mục Louis Vey. Sứ mạng của bệnh viện St. Louis được dựa trên khẩu hiệu: “Đâu có Tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa”. Ngày nay, bệnh viện được điều hành bởi một nhóm các bác sĩ, y tá và nhà nghiên cứu với sự giúp đỡ của các trang thiết bị y tế hiện đại.
Phát biểu với khoảng 700 nhân viên trong thính phòng của bệnh viện hôm thứ Năm 21/11, ĐTC Phanxicô cho biết rằng thật may mắn “khi được chứng kiến tận mắt công việc phục vụ quý giá này mà Giáo hội cung cấp cho người dân Thái Lan, đặc biệt là cho những người cần được giúp đỡ nhất”.
Ubi caritas, Deus ibi est
Đề cập đến khẩu hiệu của bệnh viện, ĐTC Phanxicô nói rằng, “chính qua việc thực thi đức bác ái mà các Kitô hữu chúng ta được mời gọi không chỉ để chứng minh rằng chúng ta là những môn đệ truyền giáo, mà còn để kiểm tra lòng trung thành của chính chúng ta, và của các tổ chức của chúng ta”.
“Anh chị em chính là những môn đệ truyền giáo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, những người có khả năng nhận thấy Thiên Chúa trong mỗi con người, đặc biệt là những người già nua, những người trẻ và những người dễ bị tổn thương nhất.
“Theo cách thức này”, ĐTC Phanxicô cho biết thêm, “anh chị em có thể thực hiện một trong những công việc vĩ đại nhất của lòng thương xót, bởi vì sự cam kết của anh chị em trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vượt xa sự thực hành đơn giản và đáng khen ngợi của y học”.
Đón nhận sự sống con người
“Đó chính là về việc chào đón và nắm lấy sự sống của con người khi họ được đưa đến phòng cấp cứu của Bệnh viện, cần được đối xử với sự quan tâm chăm sóc đầy tinh thần bác ái vốn nảy sinh từ tình yêu thương và sự tôn trọng đối với phẩm giá của mỗi con người”, ĐTC Phanxicô nói.
“Quá trình chữa lành”, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh, “nên được coi như là một cử chỉ mạnh mẽ của hành động xức dầu có khả năng khôi phục phẩm giá con người trong tất cả mọi tình huống, một ánh mắt mang lại phẩm giá và sự hỗ trợ”.
Trong bài phát biểu của mình, ĐTC Phanxicô đã lưu ý rằng đôi khi công việc của các nhân viên bệnh viện “có thể được chứng minh là hết sức nặng nề và mệt mỏi”. ĐTC Phanxicô nhận xét rằng, “điều này nói với chúng ta về sự cần thiết của công việc chăm sóc sức khỏe, mà trong đó không chỉ các bệnh nhân, mà tất cả mọi thành viên trong cộng đồng này đều có thể cảm thấy như được chăm sóc và hỗ trợ qua sứ mạng của họ”.
Chúa Giêsu gần gũi với chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta
“Mỗi người trong chúng ta đều biết rằng bệnh tật mang đến những câu hỏi mà chúng ta cần tìm tòi xem xét”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh. “Phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là nổi loạn và thậm chí trải qua những khoảnh khắc hoang mang và phiền muộn đau khổ”.
Nhưng, “bằng cách kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, “chúng ta khám phá sức mạnh của sự gần gũi của Ngài đối với thân phận yếu đuối và những vết thương của chúng ta”.
Vào cuối cuộc gặp gỡ với các nhân viên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm các bệnh nhân và những người khuyết tật tại bệnh viện, “như một cách thức của việc cùng đồng hành với họ trong một thời gian ngắn, trong sự đau khổ phiền muộn của họ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tặng cho bệnh viện bức bích họa mô tả Đức Trinh Nữ Maria và Cháu Hài Đồng.
Thiên Ân (theo Vatican News)