Chuyến Tông du châu Á của Đức Giáo hoàng Phanxicô thu hút sự chú ý đến chính sách ngoại giao tinh tế của Tòa Thánh đối với Trung Quốc

Khi thỏa thuận gây tranh cãi giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục đang đến gần thời điểm gia hạn vào tháng 10, chuyến Tông du kéo dài 12 ngày gần đây của Đức Giáo hoàng Phanxicô qua Đông Nam Á và Châu Đại Dương đã đặt mối quan hệ phức tạp giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh thành tâm điểm của sự chú ý.

Quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tung bay khi Đức Giáo hoàng Phanxicô rời đi sau buổi tiếp kiến ​​chung hàng tuần vào ngày 12 tháng 6 năm 2019, tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh:  Filippo Monteforte/AFP)

Quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tung bay khi Đức Giáo hoàng Phanxicô rời đi sau buổi tiếp kiến ​​chung hàng tuần vào ngày 12 tháng 6 năm 2019, tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh: Filippo Monteforte/AFP)

Các cơ quan thông tấn khu vực, bao gồm Channel News Asia của Singapore, đã phân tích những tác động tiềm tàng của việc cải thiện quan hệ giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh.

Chuyến đi dài ngày của Đức Giáo hoàng, bao gồm các điểm dừng chân ở Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore, đã tạo ra nhiều cơ hội cho những suy đoán như vậy.

Channel News đưa tin rằng các nhà phân tích cho biết “Trung Quốc đã thể hiện lập trường tán thành trong việc cải thiện quan hệ với Vatican vì điều này phù hợp với các mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của nước này là nâng cao danh tiếng quốc tế và chống lại những hình ảnh tiêu cực từ phương Tây”.

Đài phát thanh Singapore, do một tập đoàn nhà nước điều hành tại một quốc gia có đông người Hoa sinh sống, cho rằng “mối quan hệ nồng ấm” có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao lâu đời của Vatican với Đài Loan. Đài này lưu ý rằng việc thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc theo chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh.

George Yeo, cựu Bộ trưởng ngoại giao Singapore và cựu thành viên Hội đồng Kinh tế Vatican, nói với Channel News Asia rằng ngay cả khi sự công nhận ngoại giao chuyển sang Bắc Kinh, “Giáo hội vẫn sẽ có đại diện tại Đài Loan”.

Ông Yeo nhấn mạnh rằng theo quan điểm của Vatican, động thái như vậy sẽ không báo hiệu sự thay đổi từ chính sách “Một Trung Quốc” mà là sự quay trở lại hiện diện lịch sử của Vatican tại Trung Quốc đại lục.

Một “cuộc diễn tập” cho chuyến thăm tiềm năng tới Bắc Kinh?

Các cơ quan truyền thông khu vực khác cũng đã cân nhắc về tác động của chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng đối với quan hệ Vatican-Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông nhận xét: “Tòa Thánh dưới thời Đức Phanxicô đã nỗ lực hết sức để mở rộng đàm phán với Trung Quốc”.

Một nhà bình luận của Bloomberg, đăng trên tờ Japan Times, thậm chí còn mô tả chuyến Tông du này như một “cuộc diễn tập cho chuyến thăm tiềm năng tới Bắc Kinh”.

La Croix International, một trang web tin tức Công giáo, đưa tin rằng giới tinh hoa cầm quyền Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ chuyến Tông du này. Nhà thần học Michel Chambon nói với La Croix: “Bắc Kinh đã theo dõi chặt chẽ chuyến đi của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Châu Á, tìm cách đánh giá mức độ Đức Giáo hoàng có thể đóng góp cho sự cân bằng quyền lực, thiện ích chung và sự phát triển của khu vực”.

Về phần mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại mong muốn từ lâu của mình là được đến thăm Trung Quốc trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rôma hôm thứ Sáu tuần trước.

Bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với đất nước và nền văn hóa cổ xưa của nơi này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với các nhà báo vào ngày 13 tháng 9: “Với tôi, Trung Quốc là một giấc mơ, nghĩa là tôi muốn đến thăm Trung Quốc”.

Minh Tuệ (theo Licas)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết